Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu trong mắt người Việt tại Pháp

Đăng ngày:

Tại Liên Hiệp Châu Âu, hơn 400 triệu cử tri được vận động đi bầu cử Nghị Viện Châu Âu từ ngày 23 đến ngày 26/05/2019 (tùy theo từng nước), để bầu ra hơn 700 nghị sĩ. Nước Pháp sẽ tổ chức bầu cử vào Chủ Nhật 26/05 để bầu 79 nghị sĩ đại diện cho người dân Pháp tham gia cơ quan lập pháp của Liên Hiệp Châu Âu.

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Pháp tổ chức bỏ phiếu vào ngày 26/05/2019 để lựa chọn 79 nghị sĩ.
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Pháp tổ chức bỏ phiếu vào ngày 26/05/2019 để lựa chọn 79 nghị sĩ. European Union
Quảng cáo

Các quyết định của Nghị Viện Châu Âu có tác động trực tiếp đến đời sống của toàn thể công dân Liên Âu, từ ngân sách, tự do mậu dịch, đến môi trường, sức khỏe, thực phẩm, vấn đề di dân …, trong đó có cả cộng đồng người Việt sống tại Pháp. Vậy người Việt tại Pháp có quan tâm đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu hay không ? Họ nghĩ gì về kỳ bầu cử lần này ? RFI dành chương trình hôm nay để trao đổi với một số người Pháp gốc Việt, người Việt đã được nhập quốc tịch Pháp và có quyền đi bầu Nghị Viện Châu Âu.

Trước tiên, mời quý vị lắng nghe chia sẻ của anh Ngô Kiều Ân, sinh năm 1977, giảng viên Đại Học Paris 6 : « Đợt bầu cử châu Âu trong tuần tới sẽ theo hình thức bầu cử toàn dân. Có nghĩa là mọi công dân trong cộng đồng châu Âu đủ 18 tuổi đều có quyền và nghĩa vụ đi bầu cử. Năm nay châu Âu sẽ bầu ra 705 hoặc 751 nghị viên(tùy thuộc vào thỏa thuận Brexit có hiệu lực hay không)vào Nghị Viện Châu Âu. Nhiệm kỳ mới này sẽ có thời gian 5 năm, từ năm nay đến năm 2024.

Cá nhân tôi quan tâm đến đợt bầu cử năm nay bởi vai trò quan trọng của Nghị Viện Châu Âu. Đây là cơ quan đồng lập pháp với Liên HiệpChâu Âu. Bên cạnh các vai trò quan trọng khác ví dụ như liên quan đến ngân sách châu Âu, họ chịu trách nhiệm sửa đổi, đàm phán và thông qua luật pháp châu Âu.Cuộc bầu cử lần này tất nhiên sẽ có những tác động trực tiếp lên nhiều vấn đề của châu Âu như việc làm, lương cơ bản, nhập cư, thương mại tự do, an toàn thực phẩm...và tất nhiên sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tất cả các chính sách của châu Âu.

Điểm đặc trưng nhất của lần bầu cử này có lẽ liên quan đến Brexit, việc thay đổi số ghế trong nghị viện sẽ là 751 hay là 705. Và khả năng phân bổ lại số phiếu cho mỗi quốc gia thành viên, chẳng hạn như nước Pháp sẽ có thêm 5 nghị viên.Một điểm nữa chúng ta cũng sẽ phải quan tâm là sự chiếm ưu thế ngày càng quan trọng của các đảng phái cực hữu trong các quốc gia thành viên và vấn đề này hoàn toàn có thể xảy ra trong đợt bầu cử châu Âu lần này ».

Quyền lợi thiết thân

Anh Vũ Mạnh Hà, 32 tuổi, làm việc tại công ty khởi nghiệp Moove Technologies, giải thích tại sao anh quan tâm đến bầu cử châu Âu lần này : « Khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ nhiệm kỳ của tổng thống Macron, thì tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị ở Pháp. Bầu cử Nghị Viện Châu Âu cũng sẽ tác động đến đường lối chính trị ở Pháp, vì vậy tôi cũng rất quan tâm đến kỳ bầu cử này. Tôi cũng theo dõi một chút về tình hình vận động tranh cử. Ở Pháp, nhóm cực hữu có vẻ hơi chiếm ưu thế ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ sẽ có nhiều điều không chắc chắn trong đợt bầu cử lần này.

Bản thân tôi thấy Liên Hiệp Châu Âu mang lại nhiều lợi ích cho công việc và cuộc sống của cá nhân tôi. Tôi có thể đi du lịch từ nước này sang nước khác mà không có rào cản gì về visa, tiền tệ, giao thông … Về mặt công việc thì Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt quan trọng với tôi vì tôi hiện đang làm việc cho một startup chuyên làm hệ thống đặt vé tàu, máy bay … và hướng đến toàn thị trường châu Âu. Nếu như không có một thị trường châu Âu mở như hiện tại thì công ty chúng tôi có lẽ có rất nhiều khó khăn khi cung cấp dịch vụ của mình.

Đường lối chính trị hiện tại của châu Âu có vẻ đang đối mặt với nhiều thách thức như là kiểm soát nhập cư, môi trường, cạnh tranh không bình đẳng, gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra thì chủ nghĩa dân tuý đang tăng dần về ảnh hưởng ở một số nước như Ý, Ba Lan, Hungary.

Có nhiều khả năng xảy ra. Nếu là nhóm đảng dân tuý chiếm đa số thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách nhập cư và tự do trao đổi thương mại. Nếu là nhóm đảng truyền thống tái chiếm đa số, họ cũng sẽ phải bắt buộc thay đổi để có thể thuyết phục được cử tri. Theo tôi thì, dù gì đi chăng nữa, kì bầu cử lần này sẽ mang lại nhiều thay đổi cho châu Âu, trong đó đương nhiên có cả Pháp, ít nhất trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới ».

Anh Nguyễn Minh Thái, sinh năm 1984, kỹ sư kết cấu, làm việc cho tập đoàn EGis trong lĩnh vực hạt nhân nguyên tử, cũng ý thức được về ý nghĩa của kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu nên rất tích cực quan tâm đến bầu cử : « Nói chung, tôi luôn luôn thực hiện quyền công dân trong các lần bầu cử (bầu cử tổng thống, Hội đồng, Quốc Hội …). Bầu cử Nghị Viện Châu Âu cũng không là ngoại lệ, bởi vì các nghị sĩ Pháp của đảng tôi chọn sẽ đại diện nguyện vọng của tôi trong Nghị Viện Châu Âu. Tôi theo dõi tình hình hàng ngày thông qua các phương tiện đại chúng, qua các tờ rơi của các đảng phái tranh cử phát tại nơi công cộng.

Tôi chọn đại diện của đảng chú trọng đến an ninh biên giới châu Âu, quốc phòng và bảo hộ kinh tế châu Âu để cạnh tranh với các cường quốc kinh tế trên thế giới. Điều này được thực hiện nếu số ghế của đảng này trong Nghị Viện Châu Âu nhiều. Nó góp phần làm an ninh nước Pháp ổn định và tăng cường tăng trưởng kinh tế. Khi mà ổn định về kinh tế và an ninh thì sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn. Cái này thì giúp tôi trong lĩnh vực du lịch mà tôi sẽ theo đuổi. Hiện tại tôi là kỹ sư kết cấu của công ty EGis trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhưng tôi cũng muốn theo đuổi thêm về lĩnh vực du lịch. Chính vì thế mà tôi thấy là nó sẽ giúp ích cho tôi trong công việc sau này ».

Còn anh Nguyễn Thanh, người Pháp gốc Việt, sống ở Palaiseau, ngoại ô phía nam Paris, lại đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, sinh thái. Anh giải thích với RFI Việt ngữ :

« Trong kỳ bầu cử lần này, tôi định bỏ phiếu cho đảng Xanh. Tôi lựa chọn như vậy vì tôi nhận thấy là các thảm họa khí hậu năm nào cũng tăng, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất ngày càng khiến tất cả mọi người lo lắng. Đúng là đối với đa số các đảng chính trị, môi trường sinh thái đã trở thành một đề tài trung tâm, nhưng chúng ta cũng hiểu một điều là sau khi các đảng này lên nắm quyền, chẳng hạn trường hợp của đảng Xã Hội và đảng Cộng Hòa Tiến Bước, họ thường thoái lui khi phải thực hiện các lời hứa trong quá trình vận động tranh cử.

Vậy thì cuối cùng đảng nào là chính đảng phù hợp nhất để thực hiện chính sách bảo vệ sinh thái, nếu đó không phải là chính đảng chuyên về bảo vệ môi trường sinh thái, đảng coi ý nghĩa của họ nằm ở việc bảo vệ hệ sinh thái. Trong khi với các đảng khác, chúng ta hiểu rằng sinh thái chỉ là điều họ tự cho thêm vào chương trình tranh cử để tranh thủ kiếm thêm lá phiếu cử tri. Chúng ta cũng biết rằng một biện pháp bảo vệ sinh thái chỉ có hiệu quả nếu được thực hiện trên quy mô rộng nhất có thể. Một biện pháp sinh thái được triển khai ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu sẽ có một tác động thực sự đến hệ sinh thái của cả hành tinh ».

Sự thờ ơ

Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu như anh Nguyễn Thanh, Ngô Kiều Ân, Vũ Mạnh Hà, Nguyễn Minh Thái, cho dù định chế này có vai trò rất quan trọng trong việc thông qua các dự luật có tác động đến cuộc sống của cư dân ở tất cả các nước thành viên Liên Âu.

RFI Việt ngữ đã liên lạc với rất nhiều người Việt để phỏng vấn và nhận được nhiều câu trả lời là quá bận nên không chú ý đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu, hay do không quan tâm, không hiểu về chính trị, thậm chí là nhiều người không đi bầu cho dù có thẻ cử tri, được quyền đi bỏ phiếu … Họ cũng cảm nhận là những người xung quanh họ dường như không quan tâm lắm vì họ cho rằng kết quả bầu của Nghị Viện Châu Âu không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ tại Pháp so với các kỳ bầu của riêng nước Pháp.

Khi được hỏi về vấn đề này, anh Ngô Kiều Ân cho biết : « Tỷ lệ tham gia bầu cử vào Nghị Viện Châu Âu thông thường không được cao lắm. Trừ một số nước như Bỉ và Luxembourg, việc đi bầu cử là bắt buộc thì ở đa phần các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, tỷ lệ người đi bầu không quá 50%. Đơn cử như ở Pháp, tỷ lệ cử tri đi bầu vào năm 2014 chỉ là 42,43 %.Hy vọng rằng năm nay tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ cao hơn nhưng theo chủ quan của tôi thì khó có hy vọng, vì dân Pháp đang có những mối bận tâm khác, liên quan trực tiếp đến họ hơn, chẳng hạn như các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng mà chúng ta thường nghe vào thứ 7 hàng tuần từ tháng 11 năm trước đến nay ».

Trong khi đó, anh Mạnh Hà chia sẻ : « Cá nhân tôi thì tôi không thấy có nhiều bàn luận về bầu cử lần này ở xung quanh tôi. Có vẻ mọi người ít quan tâm hơn đến bầu cử lần này so với bầu cử tổng thống năm 2017. Theo tôi thì các chính sách của châu Âu thì khó được nhìn nhận rõ ràng về hiệu quả với cuộc sống hàng ngày của mọi người, vì thế nó kém hấp dẫn hơn so với bầu cử tổng thống, khi mà các chính sách của chính phủ Pháp sẽ được nhìn nhận dễ dàng hơn về tính chất hiệu quả ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.