Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - BẦU CỬ

Những điều cần biết về bầu cử Nghị viện Châu Âu

Từ ngày 23-26/05/2019, Liên Hiệp Châu Âu tổ chức bầu mới lại 751 nghị sĩ Châu Âu. Cuộc bầu chọn được tổ chức như thế nào ? Quy định bỏ phiếu giữa các nước thành viên có giống nhau hay không ? Nghị Viện Châu Âu có vai trò gì ? Trong bối cảnh Brexit, bầu cử Châu Âu có gì đáng chú ý ? RFI Tiếng Việt tổng hợp một số thông tin để giải thích.

Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg (Pháp).
Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg (Pháp). AFP/Frederick Florin
Quảng cáo

1. Liên Hiệp Châu Âu gồm những định chế nào ?

Liên Hiệp Châu Âu có ba định chế chính có thẩm quyền can thiệp vào quy trình đưa ra các điều luật. Thứ nhất là Hội Đồng Châu Âu, tập hợp nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước thành viên để xác định các ưu tiên cho Liên Hiệp. Thứ hai là Ủy Ban Châu Âu, bao gồm có 28 ủy viên, là cơ quan hành pháp của khối, chuyên trách đề xuất các dự luật và thực thi các điều luật. Cuối cùng là Nghị Viện Châu Âu, có 751 nghị sĩ Châu Âu, đại diện cho công dân các nước thành viên, có chức năng xem xét và biểu quyết các dự thảo luật và ngân sách Liên Hiệp.

2. Nghị sĩ Châu Âu được bầu chọn như thế nào ?

Nghị Viện Châu Âu trước năm 1962 có tên gọi là Hội Đồng Nghị Viện Châu Âu, và hiện đóng trụ sở tại Strasbourg. Nghị Viện Châu Âu đại diện cho 512 triệu công dân Châu Âu. Tùy theo số dân của từng nước mà các quốc gia sẽ có số ghế nghị sĩ Châu Âu khác nhau. Ví dụ, nước Pháp hiện tại có 74 nghị sĩ. Từ năm 1979, nghị sĩ châu Âu được bầu chọn mới sau mỗi 5 năm theo hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp ngay tại lãnh thổ các nước thành viên trong kỳ bầu cử Châu Âu.

Trong suốt đợt bỏ phiếu này, tại mỗi nước, cử tri bầu theo danh sách và số nghị sĩ của mỗi đảng sẽ tùy thuộc vào số phiếu đạt được của mỗi danh sách. Trong mỗi danh sách, các nghị sĩ được chọn theo thứ tự từ trên xuống. Người ta gọi đấy là cuộc bầu chọn theo tỷ lệ đại diện. Tại Pháp, một danh sách ứng viên tối thiểu phải thu được 5% phiếu bầu để có được chiếc ghế nghị sĩ.

3. Nghị Viện Châu Âu có quyền hạn như thế nào ?

Quyền hạn của Nghị Viện không ngừng được mở rộng từ năm 1970, lúc ấy định chế chỉ có vai trò tham vấn. Các ứng viên trúng cử tại nhiều nước khác nhau sau đó sẽ được nhóm họp lại theo từng xu hướng chính trị trong lòng nghị viện. Hiện tại có 8 nhóm chính trị tại nghị viện.

Một khi trúng cử, các nghị sĩ châu Âu soạn thảo các dự luật Liên Hiệp qua việc cùng ra quyết định với Hội Đồng Châu Âu, biểu quyết ngân sách cho Liên Hiệp, và kiểm soát bộ máy hành pháp của Liên Hiệp (Ủy Ban Châu Âu) mà nghị viện có thể lật đổ thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nghị viện cũng có thể trừng phạt những nước nào không tôn trọng các quyền cơ bản (như trường hợp của Hungary chẳng hạn).

4. Nghị Viện Châu Âu hoạt động như thế nào ? Ra những kiểu luật gì ?

Để soạn thảo các điều luật châu Âu, còn được gọi là những quy định hay chỉ thị, các nghị sĩ có phiên họp toàn thể một tuần mỗi tháng tại trụ sở nghị viện ở Strasbourg. Dự thảo luật do Ủy Ban Châu Âu đề xuất hoặc đôi khi theo yêu cầu của các nghị sĩ được thảo luận tại từng ủy ban đặc trách rồi biểu quyết tại Nghị Viện. Những điều luật này sau đó phải được các nước thành viên nội luật hóa các chỉ thị (luật của châu Âu), tức là các quy định phải được viết lại thành luật quốc gia và phải được ưu tiên áp dụng trước luật quốc gia.

Trong số các điều luật của châu Âu có hiệu lực gần đây, người ta có thể thấy quy định chung về bảo vệ các dữ liệu RGPD củng cố tính minh bạch trong việc xử lý các dữ liệu cá nhân, đặc biệt là ở các doanh nghiệp. Hay như quy định REACH nhằm cải thiện việc bảo vệ sức khỏe và môi trường qua việc thu thập dữ liệu thống kê và kiểm soát các loại hóa chất đang lưu hành trên thị trường châu Âu. Hoặc như cấm đánh bắt cá bằng điện, một kỹ thuật đánh bắt cực kỳ có hại cho hệ sinh thái biển.

5. Bầu cử Nghị Viện Châu Âu năm nay diễn ra như thế nào ?

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu cho nhiệm kỳ 2019 - 2024 bắt đầu từ ngày 23-26/05/2019 trong toàn khối Liên Hiệp Châu Âu. Trong ngày Chủ Nhật 26/05, cuộc bỏ phiếu diễn ra tại 21 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp và Ba Lan.

Anh Quốc và Hà Lan bỏ phiếu ngay từ thứ Năm 23/05, Ai Len là ngày 24. Latvia, Malta và Slovakia là 25. Riêng tại Cộng Hòa Séc, bầu cử diễn ra trong hai ngày thứ Sáu 24 và thứ Bảy 25/05.

Nguy cơ tỷ lệ vắng mặt cao là điều các chính phủ lo lắng. Tại Pháp, trong kỳ bầu cử năm 2014, tỷ lệ vắng mặt là 56% bất chấp vai trò quan trọng của các nghị sĩ châu Âu.

6. Bầu cử Nghị Viện năm nay diễn ra trong bối cảnh Brexit. Anh Quốc sẽ phải làm gì ? Nếu xảy ra Brexit sau bầu cử, Nghị Viện số ghế nghị sĩ có thay đổi hay không ?

Theo một chương trình cải cách do Hội Đồng Châu Âu thông qua hồi tháng 6/2018, trong cuộc bầu cử năm nay Nghị Viện Châu Âu lẽ ra chỉ bầu chọn 705 nghị sĩ thay vì là 751. Khoảng 73 vị trí do Anh Quốc giải phóng phải bị hủy và thay thế sau khi nước này ra khỏi Liên Hiệp. Trên nguyên tắc, Pháp và Tây Ban Nha là hai nước hưởng lợi nhiều nhất, có thêm năm ghế nghị sĩ. Ý và Hà Lan, mỗi nước có thêm 3 và Cộng hòa Ai Len là 2. Chín nước khác sẽ có thêm một ghế.

Thế nhưng thông báo dời ngày Brexit hôm 12/04/2019 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch. Anh Quốc vẫn phải tổ chức bầu cử. Tổng số nghị sĩ bầu mới cho Liên Hiệp vẫn là 751. Một khi Brexit diễn ra sau bầu cử, con số nghị sĩ tự động giảm xuống là 705. Một phần số ghế sẽ được tái phân bổ như dự kiến ban đầu.

Những nghị sĩ mới tại những nước được bổ sung thêm, đơn giản sẽ là những người kế tiếp trong danh sách trúng cử tùy theo thể thức bầu chọn tại mỗi nước thành viên. Do đó, chính các nước thành viên có liên quan sẽ phải dự tính trước kịch bản này, theo như nhận định của một phát ngôn viên Nghị Viện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.