Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Hội Đồng Toàn Châu Âu mở đường cho nghị sĩ Nga trở lại Nghị Viện

Hôm nay, 17/07/2019, 47 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một tuyên bố chung, đáp ứng một phần các đòi hỏi của Matxcơva, mở đường cho việc làm dịu căng thẳng với Nga, bùng phát kể từ năm 2014, sau khi Matxcơva sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tham gia cuộc họp các ngoại trưởng Hội Đồng Toàn Châu Âu tại Helsinki. Ảnh chụp 17/05/2019, cùng ngoại trưởng nước chủ nhà Phần Lan, Timo Soini (T) và tổng thư ký HĐ Châu Âu Thorbjorn Jagland.
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tham gia cuộc họp các ngoại trưởng Hội Đồng Toàn Châu Âu tại Helsinki. Ảnh chụp 17/05/2019, cùng ngoại trưởng nước chủ nhà Phần Lan, Timo Soini (T) và tổng thư ký HĐ Châu Âu Thorbjorn Jagland. Reuters
Quảng cáo

Hiện tại, Nga đứng trước nguy cơ bị khai trừ khỏi Hội Đồng Toàn Châu Âu, do hai năm liền không đóng góp kinh phí, tính đến tháng 6/2019. Việc Matxcơva đình chỉ việc đóng góp vào ngân sách là nhằm để trả đũa Nghị Viện Hội Đồng Toàn Châu Âu tước quyền bỏ phiếu của các nghị sĩ Nga, do vụ sát nhập Crimée.

Tuyên bố chung hôm nay của Hội Đồng khẳng định, đúng như lập trường của Nga, là chỉ duy nhất Ủy ban các ngoại trưởng, được coi là cơ quan hành pháp của Hội Đồng, mới có quyền quyết định đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia, căn cứ theo Hiệp ước Luân Đôn năm 1949. Tuy nhiên, đổi lại, Hội Đồng Toàn Châu Âu kêu gọi Nga thực hiện nghĩa vụ đóng góp bắt buộc.

Theo Reuters, bản tuyên bố chung đã được hội nghị các ngoại trưởng của Hội Đồng Toàn Châu Âu, họp tại Helsinki hôm nay thông qua, rồi được các nghị sĩ họp Strasbourg (Pháp), bỏ phiếu với 39 phiếu thuận trên tổng số 47. Pháp và Đức đã nỗ lực để tránh việc Nga rút khỏi tổ chức này.

Hôm qua, Nga cũng bắn tiếng là sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn. Bộ Ngoại Giao Nga ra thông cáo nhấn mạnh là việc Matxcơva tham gia vào Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (CEDH) sẽ rất có lợi cho việc cải thiện hệ thống tư pháp và nhà tù ở Nga. CEDH là định chế quốc tế thành lập năm 1959, trực thuộc Hội Đồng Toàn Châu Âu. Nhiều nhà đối lập Nga, như ông Alexei Navalny, thường xuyên kiện lên Tòa án này, mỗi khi các khiếu nại bị tư pháp Nga bác bỏ.

Thêm một dấu hiệu hòa giải khác, thông cáo của ngoại trưởng Nga cũng cho biết đang xem xét nối lại phần đóng góp ngân sách chung của Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.