Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN - KHỦNG HOẢNG

Chuyên gia Pháp : Iran "chơi dao có ngày đứt tay"

Chuyên gia Pháp Francis Perrin : « Nếu xảy ra một vụ tấn công lớn do Iran hay các đồng minh trong khu vực như phe Houthi tiến hành, thì Teheran sẽ bị trả đũa. Các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở kỹ nghệ và dầu khí sẽ làm cho Iran đại bại ».

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincoln đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập ngày 09/05/2019.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincoln đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập ngày 09/05/2019. Dan Snow/U.S. Navy/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Libération mô tả « Tại vùng vịnh Ba Tư, nỗi sợ một cuộc chiến ». Sau cuộc khẩu chiến giữa Iran và Hoa Kỳ, Washington hôm 15/05 đã cho rút các nhân viên ngoại giao ít quan trọng ở Irak, tuy nhiên những lý do mà Mỹ đưa ra không thuyết phục được các đồng minh.

Nỗi sợ chiến tranh tại vịnh Ba Tư

Tờ báo nhận xét, lần đầu tiên giáo chủ Iran Ali Khamenei và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng đồng ý ở một điểm : cả hai bên đều khẳng định không ai tìm kiếm chiến tranh. Trong khi đó, Washington đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao không giữ vai trò thiết yếu tại đại sứ quán ở Bagdad và lãnh sự quán Erbil về nước.

Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Mỹ khuyến cáo công dân không nên đến Irak do « nhiều nhóm khủng bố và nổi dậy, dân quân của các nhóm tôn giáo chống Mỹ ». Tuy không nêu đích danh Iran, nhưng từ nhiều ngày qua, Hoa Kỳ đã cho biết Irak có thể trở thành chiến trường của một cuộc chiến ủy nhiệm - Teheran có lực lượng dân quân Shia rất mạnh tại đây.

Tuy nhiên, phó chỉ huy trưởng chiến dịch « Inherent Resolve » của liên minh chống thánh chiến, tướng người Anh Christopher Ghika lại cho rằng « mối đe dọa không tăng lên ». Đức và Hà Lan hôm 15/05 cho ngưng các hoạt động huấn luyện quân sự, ngược lại Pháp vẫn duy trì. Sự bất đồng ngay trong liên minh gây bối rối cho chính quyền Mỹ khi phải chứng minh cho những hành động cứng rắn (gởi pháo đài bay B-52 đến căn cứ ở Qatar, đưa hàng không mẫu hạm và hỏa tiễn phòng không đến vùng Vịnh).

« Áp lực tối đa » của Mỹ, từ trừng phạt kinh tế sang biểu dương sức mạnh quân sự đặt Iran vào thế khó xử. Tuy ngoài mặt tỏ ra thống nhất, nhưng bên trong chế độ, giữa hai phe cực đoan và ôn hòa lại chia rẽ về cách đối phó với Mỹ. Việc tuyên bố không tôn trọng một số điều khoản trong hiệp định nguyên tử chỉ là một thái độ lưng chừng để dung hòa giữa hai phe.

Chuyên gia : Iran chơi dao có ngày đứt tay

Trong bài phỏng vấn mang tựa đề tạm dịch « Chơi dao có ngày đứt tay » trên Libération, ông Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược cho rằng tuy Iran và Hoa Kỳ đều nói rằng không muốn chiến tranh, nhưng nguy cơ xảy ra xung đột là có thật.

Theo chuyên gia Perrin, các vụ phá hoại tàu dầu ở vịnh Oman, cho thiết bị bay gài chất nổ tấn công các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út là cách thức trả đũa của Iran với lý lẽ « không cho ta bán dầu thì ta sẽ phá việc mua bán dầu tại vùng Vịnh ». Iran muốn chứng tỏ hai phương cách vận chuyển vàng đen bằng tàu dầu và ống dẫn đều có thể bị phá bằng những phương tiện ít tốn kém.

Ông Francis Perrin cảnh báo « chơi dao mãi cũng có ngày đứt tay ». Iran không có lợi gì khi khiêu chiến. Không ai muốn chiến tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là khi chiến sự xảy ra thì lại trốn chạy. Nếu xảy ra một vụ tấn công lớn do Iran hay các đồng minh trong khu vực như phe Houthi tiến hành, thì sẽ bị trả đũa. Các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở kỹ nghệ và dầu khí sẽ làm cho Iran đại bại.

Diều hâu John Bolton châm ngòi tại vùng Vịnh

Le Monde nói thêm, « John Bolton châm ngòi nổ tại vùng Vịnh ». Các vụ tấn công vào Ả Rập Xê Út của phe Houthi, đồng minh của Iran đã kích thích phe « diều hâu » ở Washington.

Đã từ lâu ông Bolton vẫn chủ trương cần can thiệp quân sự và lật đổ chế độ Hồi giáo Iran. Trong hồ sơ này, ông có được sự ủng hộ của một diều hâu khác là ngoại trưởng Mike Pompeo. Ở các hồ sơ khác như Bắc Triều Tiên hay Venezuela, ông John Bolton cũng tỏ ra cứng rắn tương tự. Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump đôi khi cũng phải làm dịu bớt vị cố vấn an ninh này.

Venezuela : Chế độ Maduro tiếp tục trấn áp

Liên quan đến châu Mỹ la-tinh, Le Monde nhận xét « Ở Venezuela, Nicolas Maduro vẫn tại vị », Le Figaro cho biết « Tổ chức các nước châu Mỹ hỗ trợ đối lập Venezuela ».

Le Figaro thuật lại hôm thứ Ba 14/5, các dân biểu, nhà báo và nhân viên bị cơ quan an ninh Sebin và vệ binh quốc gia chận lại không cho vào tòa nhà Quốc Hội, với lý do có một quả bom đang được tháo gỡ. Đến chiều vòng rào an ninh lại được mở rộng khiến Quốc Hội không thể họp được.

Rất nhiều dân biểu sống với nỗi lo có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Ly kỳ nhất là vụ bắt dân biểu Edgar Zambrano, cánh tay mặt của ông Guaido vào tuần trước. Chiếc xe của ông Zambrano bị các xe của cơ quan an ninh bao vây. Do không mở được cửa xe của vị dân biểu, họ bèn gọi xe cần cẩu đến để trục cả ông Zambrano và chiếc xe, đưa đến trại giam Hélicoide nổi tiếng về tra tấn. Ông không được gặp luật sư lẫn gia đình, và nay đã bị chuyển về căn cứ quân sự Fuerte Tuna.

Một số dân biểu đối lập khác phải vào các đại sứ quán Chilê, Achentina tị nạn, 25 quân nhân bỏ sang phe đối lập thì được tòa đại sứ Brazil tiếp đón. Khuya thứ Ba, lực lượng colectivo (dân quân vũ trang) bao vây sứ quán Tây Ban Nha, nơi nhà đối lập nổi tiếng Leopoldo Lopez trú ẩn.

Theo tổ chức phi chính phủ Foro Penal, hiện có 859 tù nhân chính trị tại Venezuela, đa số trong các nhà tù của Sebin. Đại diện các nước thành viên Tổ chức các nước châu Mỹ họp tại Washington đã kêu gọi trả tự do lập tức cho tất cả các tù nhân lương tâm Venezuela.

Juan Guaido : Tình hình Venezuela là mối nguy cho cả khu vực

Thủ lãnh Juan Guaido khi trả lời phỏng vấn Le Figaro đã khẳng định : « Chính chế độ giờ đây mới mệt mỏi ».

Trước nhận xét các cuộc biểu tình gần đây có ít người tham gia hơn, ông Juan Guaido cho rằng « đại đa số người dân Venezuela vẫn muốn thay đổi chế độ, họ sẽ ồ ạt xuống đường trong những dịp quan trọng ». Được hỏi, việc liên lạc với quân đội Mỹ gần đây là sự hợp tác hay chuẩn bị cho can thiệp quân sự, thủ lãnh đối lập nhấn mạnh đây là việc hợp tác, và cũng chỉ là một trong những giải pháp. Tuy nhiên không nên lẫn lộn giữa phương tiện và cứu cánh.

Ông nhắc lại trong lịch sử Venezuela, cách đây 200 năm nhà cách mạng Simon Bolivar cũng đã phải nhờ đến 5.000 binh sĩ Anh giúp đỡ trong cuộc chiến tranh giành độc lập chống lại lực lượng Tây Ban Nha chiếm đóng. Hiện nay, theo tình báo Colombia, có 41% quân du kích của « Quân giải phóng quốc gia » ELN (lực lượng du kích cuối cùng của Colombia còn hoạt động) có mặt trên lãnh thổ Venezuela ; phía ông Maduro cũng nêu ra sự hiện diện của 500 quân Cuba tại Venezuela để đe dọa.

Nhà đối lập bày tỏ hy vọng với áp lực ngoại giao quốc tế và của người dân, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Người dân Venezuela phải được sống dưới chế độ dân chủ và được tôn trọng phẩm giá. Bảy triệu người Venezuela đang có nguy cơ chết đói, 15% dân số đã di tản ra nước ngoài. Các loại bệnh dịch đã được diệt trừ trước đây như bệnh lao, sốt vàng da… nay hoành hành trở lại do không có vaccin, còn là mối nguy cho cả khu vực.

Hoa Vi : Có thực sự 99% cổ phần do người lao động nắm ?

Về châu Á, Les Echos nêu ra cuộc « Tranh cãi về quan hệ được cho là giữa Hoa Vi và Nhà nước Trung Quốc ». Theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, tập đoàn viễn thông Trung Quốc có 99% cổ phần được một « ủy ban công đoàn » rất thiếu minh bạch nắm giữ, chứ không phải các nhân viên. Phía Hoa Vi thì cho đây chỉ là đồn đoán.

Ngay từ đầu cuộc xung đột, Hoa Vi luôn chối bỏ cáo buộc là một công ty thuộc Nhà nước Trung Quốc, với lý lẽ hàng đầu : đây là một tập đoàn tư nhân, vốn liếng do tập thể nhân viên nắm. Trong lúc Hoa Vi lần đầu tiên tham dự hội chợ VivaTech tại Paris hôm 16/05, hai giáo sư Mỹ đã chứng minh ngược lại trong báo cáo dài 15 trang công bố hôm 15/4 để « nói một lần cho xong ».

Giáo sư Christopher Balding, giảng dạy tại trường đại học Fulbright ở Việt Nam và giáo sư Donald Clarke, đại học George Washington ở Hoa Kỳ đã nghiên cứu tỉ mỉ cách quản lý của Hoa Vi, dựa trên cơ sở dữ liệu chính thức và báo chí Trung Quốc. Vấn đề « nằm ở tầng thứ nhất », trong holding (công ty làm chủ cổ phần của nhiều công ty khác) đang kiểm soát Huawei Technologies, công ty sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thu dụng 180.000 nhân viên. Từ năm 2006, holding này gồm 99% cổ phần do một « ủy ban công đoàn » nắm, số 1% còn lại của người sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei).

Không có công đoàn độc lập tại Trung Quốc

Hai nhà nghiên cứu thận trọng nhận xét, nếu « ủy ban » này hoạt động như tất cả các công đoàn khác tại Trung Quốc, thì « Hoa Vi có thể xem như là sở hữu của Nhà nước ». Bởi vì tại Hoa lục, không hề có công đoàn độc lập. Tất cả các công đoàn đều trực thuộc ACFTU (All-China Federation of Trade Unions), và bản thân cơ quan này do đảng Cộng Sản kiểm soát.

Dù sao đi nữa, « rõ ràng là các nhân viên không nắm cổ phần cũng không có quyền kiểm soát Hoa Vi ». Các « cổ phần » này không mang lại quyền bỏ phiếu, không được chuyển nhượng, và không thể đổi thành tiền mặt khi rời khỏi công ty. Hoa Vi thì biện minh rằng « ủy ban công đoàn » chỉ là thủ thuật để né tránh quy định của Nhà nước về số lượng nhân viên có thể nắm cổ phần công ty.

Đại tập đoàn này không hề niêm yết trên sàn chứng khoán. Giáo sư Christopher Balding nhận xét, Hoa Vi là trường hợp hầu như độc nhất : các tập đoàn cạnh tranh như ZTE hay Ericsson, Nokia đều lên sàn và báo cáo kinh doanh được kiểm tra chặt chẽ.

Jean-Baptiste Huynh và « Châu Á bất tận »

Trên lãnh vực văn hóa, Le Figaro dành hẳn một trang báo cho Jean-Baptiste Huynh, nhà nhiếp ảnh gốc Việt đang triển lãm tại bảo tàng Guimet.

Cuộc triển lãm mang tên « Châu Á bất tận » của nhiếp ảnh gia có cha người Việt, mẹ Pháp chiếm vị trí trang trọng tại bảo tàng. Ông thổ lộ « Khi tôi chụp ảnh, tôi mất đi mọi ý niệm về nguy hiểm » - ngay cả ở Groennland ở nhiệt độ -25°C ông cũng không cảm thấy lạnh. Jean-Baptiste Huynh bày tỏ ước muốn : « Đi đến tận cùng thế giới để khám phá những khuôn mặt mới. Tôi luôn có cảm giác rằng đôi mắt mình không đủ to để quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên ».

Bầu cử châu Âu, công nghệ, dân tộc chủ nghĩa : Tựa chính báo Pháp

Le Monde nhận xét « Bầu cử châu Âu, trận chiến của giai cấp trung lưu ». Cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã đưa ra ánh sáng những khó khăn của giới trung lưu. Đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) tranh giành lá phiếu của một « Nước Pháp lao động » đang quan ngại về sức mua.

Libération chạy tựa trang nhất « Ngoại giao : Phụ nữ đứng lại bên lề », nêu ra hiện trạng đại sứ Pháp tại các nước hầu hết là nam giới, đặc biệt là những vị trí chiến lược. Nhật báo kinh tế Les Echos hãnh diện phân tích về sự thành công của French Tech - công nghệ Pháp, nhân ngày khai mạc hội chợ VivaTech ngày 16/05 tại Paris.

Le Figaro nói về « Trận chiến Strasbourg làm xung đột Pháp-Đức thêm gay gắt » : trong bối cảnh quan hệ giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron không được xuôi chèo mát mái, ý định của Berlin muốn bỏ trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg có thể gây thêm căng thẳng.

La Croix nhìn sang châu Á,lo ngại trước « Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ » : thiểu số người Công giáo và Hồi giáo là mục tiêu của các vụ tấn công liên tục từ những người Ấn giáo cực đoan. Về thời sự quốc tế, tình hình Iran và Venezuela, Hoa Vi (Huawei) vẫn là trọng tâm của các báo Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.