Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Đa dạng sinh học bị hủy hoại: Con người trước trách nhiệm với chính mình

Hôm 06/05/2019, một nhóm chuyên gia quốc tế IPBES đã công bố một tài liệu báo động tình trạng đa dạng sinh học trên trái đất đang bị hủy hoại nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử, đưa hành tinh chúng ta đến rất gần cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Dải san hô đang trở nên thưa thớt ở dưới vùng biển gần đảo Lady Elliot, Úc. Ảnh chụp ngày 11/06/2015.
Dải san hô đang trở nên thưa thớt ở dưới vùng biển gần đảo Lady Elliot, Úc. Ảnh chụp ngày 11/06/2015. REUTERS/David Gray
Quảng cáo

Nghiên cứu của IPBES, một cơ chế quốc tế, tập hợp các nhà khoa học và chính trị liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ sinh thái, cho biết tỷ lệ tuyệt diệt của các sinh vật hoang dã ngày nay cao gấp hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm lần so với một chục triệu năm trước.

Có tới một triệu giống loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó một phần lớn có thể bị biến mất trong những thập kỷ tới. Nói một cách khác, 1/8 giống loài trên trái đất có thể bị biến mất trong ngắn hạn nếu loài người không nhanh chóng hành động.

Báo cáo do 145 chuyên gia đến từ 50 quốc gia soạn thảo nhấn mạnh : « Toàn bộ thiên nhiên đang bị hủy hoại với nhịp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử nhân loại và tỷ lệ diệt vong của các giống loài tăng nhanh gây ra những hệ quả nghiêm trọng ngay từ bây giờ cho các vùng dân cư trên toàn thế giới ».

Trong báo cáo, các chuyên gia đã đưa rất nhiều số liệu làm cơ sở cho các kết luận đánh giá : Hơn 40% các loài động vật lưỡng cư, gần 33% các dải san hô và 1/3 các loài động vật biển có vú đang bị đe dọa tiêu diệt, ít nhất 680 loài động vật có xương sống đã bị biến mất hoàn toàn vì các hoạt động của con người từ thế kỷ thứ 14 đến nay.

Các tác giả của nghiên cứu nhất trí đưa ra 5 nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này: hủy hoại các khu cư trú thiên nhiên, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khí hậu thất thường, ô nhiễm đủ loại và phát triển tràn lan các giống loài lạ. Tất cả các nguyên nhân này đều bắt nguồn từ những hoạt động của con người.

Loài người là một bộ phận không thể tách rời của đa dạng sinh học. Số phận của nhân loại gắn liền với tổng thể sinh vật sống. Mọi người đều ý thức được phá hủy đa dạng sinh học tức là tự đặt tương lai của chính mình vào nguy hiểm

Hơn 75% mùa màng thực phẩm của con người phụ thuộc vào quá trình thụ phấn. Hơn 4 tỷ người trên trái đất này hàng ngày vẫn được các « bác sĩ thiên nhiên » chăm sóc.

Hơn hai tỷ người trên hành tinh vẫn cần củi để sưởi ấm hay nấu ăn. Chất lượng không khí mà chúng ta hít thở, nước chúng ta uống, đất nuôi sống chúng ta đều phụ thuộc vào chất lượng môi trường tự nhiên.

Câu trả lời ở các nhà làm chính sách

Bên cạnh các nghiên cứu tỉ mỉ, các nhà khoa học còn soạn ra một bản tổng hợp để gửi đến các giới chức chính trị trên toàn thế giới. Văn kiện đã được đại diện 132 nước thông qua cuối tuần vừa rồi trong một phiên họp toàn thể của IPBES tại Paris.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học phát tín hiệu báo động về sự tồn vong của sự sống trên trái đất. Từ nhiều năm nay đã có không ít nghiên cứu khoa học đều có chung những đánh giá về chủ đề này.

Tuy nhiên bản báo cáo lần này có tiếng vang lớn hơn bởi phạm vi tổng hợp rộng lớn. Các kết luận được dựa trên hàng nghìn công trình khoa học đã có từ trước. Báo cáo được soạn thảo bởi một tập hợp các chuyên gia thành lập từ năm 2012 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Sau khi bắt bệnh, các chuyên gia hối thúc các nhà làm chính sách hãy tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ để ngăn chặn tiến trình tự hủy diệt mình. Lãnh đạo nhóm chuyên gia quốc tế, ông Robert Watson, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters nhấn mạnh « bây giờ là lúc phải hành động ». Theo ông, cả nhân loại phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với thiên nhiên, bớt tập trung chỉ vào thu nhập quốc gia, chấm dứt trợ cấp cho các lĩnh vực có sức tàn phá thiên nhiên và thúc đẩy công nghệ để tìm ra những cách làm có trách nhiệm với thiên nhiên.

Trong một thông cáo, thư ký của của IPBES, bà Anne Larigauderie, khẳng định, nhóm chuyên gia « giới thiệu với những người ra quyết định chính sách một cơ sở khoa học đáng tin cậy, những kiến thức và lựa chọn chiến lược để họ phân tích ».

Trong khuôn khổ cuộc họp tại thành phố Metz, Pháp, nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 dưới sự chủ trì của Pháp, hôm thứ Hai vừa qua đã ký một hiến chương về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, văn kiện này lại không có một cam kết mang tính ràng buộc pháp lý nào.

Quốc vụ khanh Pháp thuộc bộ Môi Trường ghi nhận về báo cáo của các chuyên gia : « Chúng tôi đã nhận ra rằng khi các nhà khoa học báo động chúng ta và khi chúng ta có các bằng chứng khoa học thì chúng ta có thể ngay lập tức chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành chính sách chung ».

Thực tế, có một cuộc gặp mang tính bản lề sẽ diễn ra vào cuối năm tới tại Côn Minh, Trung Quốc. Đó là Hội nghị quốc tế COP 15 về đa dạng sinh học. Đây là một hội nghị có tầm mức quan trọng không kém gì hội nghị về khí hậu toàn cầu COP 21 tại Paris.

Trong khi chờ đợi, bản báo cáo của IPBES được coi là vũ khí trang bị cho các nhà bảo vệ môi sinh, các tổ chức bảo vệ môi trường giúp họ thúc đẩy các chính phủ phải có hành động quyết liệt và quy mô rộng lớn để bảo vệ sự sống trên hành tinh.

Vấn đề tài chính

Câu trả lời cho tiếng chuông báo động của các nhà khoa học hiện giờ nằm trong tay các chính phủ. Năm 2010, tại Hội nghị về đa dạng sinh học Aichi, Nhật Bản, đại diện các chính phủ tham dự đã ấn định các mục tiêu đầy tham vọng, tới mức mà sau đó hầu như không có mục tiêu nào đạt được. Họ sẽ trở lại Trung Quốc vào năm tới với một kỳ họp mới.

Lần tới chắc chắn cũng sẽ lại có những cam kết cụ thể huy động toàn thể các nguồn lực kinh tế và xã hội. Vấn đề mô hình phát triển hạn chế tối đa tàn phá thiên nhiên sẽ không thể lẩn tránh được.

Kèm theo đó là vấn đề tài chính không thể thiếu cùng với sự phân bổ công bằng giữa nước giàu và nghèo trong việc giữ gìn và phục hồi đa dạng sinh học.

Hiện tại, thế giới chi phí mỗi năm khoảng 8 tỷ euro cho bảo vệ đa dạng sinh thái. Các chuyên gia ước tính sẽ cần phải có từ 200 đến 300 tỷ mỗi năm cho sứ mệnh này. Đó là cái giá để tồn tại mà nhân loại phải trả cho những hoạt động phát triển của mình.

(Tổng hợp theo AFP và Le Monde)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.