Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUỐC TẾ

Quốc tế đề nghị Trung Quốc xem xét lại việc cho các nước yếu kém vay tiền

Câu Lạc Bộ Paris với thành viên là các nước chủ nợ, ngày 07/05/2019, nhóm họp tại trụ sở bộ Kinh Tế, Tài Chính Pháp, tại Paris, để bàn về đầu tư tài chính vào các nước đang phát triển, với sự tham gia của đại diện 45 quốc gia, với khoảng 30 bộ trưởng tới từ nhiều nước, nhiều lãnh đạo của các định chế đa phương lớn và các ngân hàng tư nhân. Trung Quốc cũng cử đại diện tham gia.

(Ảnh minh họa) - Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa Trung Quốc sẽ có các dự án đầu tư « minh bạch hơn », « vững vàng hơn » và « có chất lượng ».
(Ảnh minh họa) - Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa Trung Quốc sẽ có các dự án đầu tư « minh bạch hơn », « vững vàng hơn » và « có chất lượng ». REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Nhân dịp này, báo Le Monde giới thiệu bài viết« Trung Quốc được đề nghị xem xét lại việc cho các nước kém phát triển vay tiền ». Theo bộ trưởng Tài Chính Pháp, việc có nhiều nước đến dự Câu Lạc Bộ Paris lần này cho thấy chủ đề năm nay thu hút được sự quan tâm trên toàn cầu, trong khi việc vay nợ ở khắp nơi trên thế giới đã đạt mức cao lịch sử, nhất là tại các nước kinh tế mới nổi hoặc các nước có thu nhập thấp. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, 40% các nước nghèo (24/60 quốc gia) đang nợ quá nhiều hoặc sắp thành như vậy.

Áp lực gia tăng đối với Trung Quốc, nước cho vay « vô độ »

Trong bối cảnh này, áp lực đối với Bắc Kinh ngày càng gia tăng do Trung Quốc, trong những năm qua, là quốc gia cho các nước, từ châu Phi, châu Á cho đến cả châu Mỹ la tinh, vay tiền « vô tội vạ ». Bắc Kinh « rộng tay » cho vay mà không màng đến khả năng hoàn trả của các quốc gia hay năng lực quản lý của lãnh đạo tại các nước này. Đối với phương Tây, đã đến lúc phải đề ra các quy định chung về đầu tư tài chính.

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh rằng mục đích không phải là để lên án một quốc gia, nhưng đương nhiên Trung Quốc là yếu tố chủ chốt trong cuộc thảo luận này. Nước Pháp, thành viên của nhiều định chế quốc tế, khích lệ Trung Quốc tính tới khả năng tài chính của các nước mà Bắc Kinh cho vay tiền, nhất là trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới - siêu dự án đầu tư của Trung Quốc.

Những lời chỉ trích

Không chỉ có Trung Quốc là « không minh bạch ». Theo bộ trưởng Tài Chính Pháp, cũng phải lưu ý tới các chủ nợ tư nhân, chẳng hạn các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là các ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong đầu tư tài chính của Trung Quốc vẫn bị chỉ trích rất nhiều.

Đầu tư vào hạ tầng cơ sở vì mục đích thương mại và chiến lược, nhưng các dự án đầu tư của Trung Quốc đã góp phần khiến một số nước dễ bị tổn thương đi chệch đường và không thể trụ vững. Đó là trường hợp của Djibouti. Nước này đã ồ ạt vay tiền của Bắc Kinh để xây cảng biển, đường sắt, cầu dẫn nước … Chỉ trong vòng 5 năm, nợ công của Djibouti đã tăng gấp đôi lên thành 87% GDP, và 2/3 gánh nợ này là nợ Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, có thể chính sự lệ thuộc này đã buộc Djibouti phải nhượng nhiều tài sản chiến lược cho chủ nợ hùng mạnh Trung Quốc.

Djibouti không phải nước đầu tiên rơi vào tình cảnh đó. Vào cuối năm 2017, sau khi đã vay nhiều tiền của Trung Quốc để quy hoạch cảng nước sâu Hambantota, Sri Lanka đã phải nhượng lại cảng này cho Bắc Kinh với thời hạn 99 năm. Vụ việc đã làm dấy lên một làn sóng ngờ vực Trung Quốc không chỉ tại châu Á.

Bắc Kinh hứa minh bạch hơn về đầu tư

Kể từ đó, một số nước tham gia dự án Con đường tơ lụa mới, chẳng hạn Malaysia, đã đòi hỏi thương lượng lại về các dự án bị xem là quá tốn kém. Là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc cả về thương mại và chiến lược, Hoa Kỳ đã tố cáo Bắc Kinh về việc « giăng bẫy nợ » cho các nước đối tác. Có vẻ dè dặt hơn, chính quyền Pháp nói đến cái được mất về chủ quyền, khi các quốc gia phải từ bỏ nhiều cơ sở hạ tầng mà họ sở hữu.

Trung Quốc không dửng dưng trước những lời chỉ trích. Hồi cuối tháng 04/2019, tại thượng đỉnh Bắc Kinh về Con đường tơ lụa mới, chủ tịch Tập Cận Bình hứa Trung Quốc sẽ có các dự án đầu tư « minh bạch hơn », « vững vàng hơn » « có chất lượng ». Báo Le Monde nhận xét sự thay đổi này có thể là để phục vụ lợi ích của Trung Quốc, bởi vì vốn của Bắc Kinh không phải là « vô hạn » để đối phó được với các nguy cơ tài chính.

Theo một nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ công bố ngày 26/04, các nước đã thương lượng lại ít nhất 38 khoản vay của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới. Trong 14 trường hợp, Trung Quốc đã xóa nợ, trong 11 vụ khác, Bắc Kinh đã đồng ý để các nước đối tác trả nợ theo nhiều kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.