Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Dùng đồng euro, ai lợi ai thiệt ?

Đăng ngày:

Vào lúc các nước đang vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu, xu hướng dân túy, dân tộc chủ nghĩa, bài châu Âu đang trỗi dậy tại một số quốc gia, hồ sơ Brexit của Anh Quốc làm châu Âu đau đầu, Trung Tâm Chính Sách Châu Âu – CEP - ở Fribourg, một cơ quan tư vấn được đánh giá là nghiêm túc của Đức, vào cuối tháng Hai 2019, đã công bố một nghiên cứu về tác động của việc dùng đồng tiền chung châu Âu với tựa đề « 20 năm đồng euro : Những ai bị thua thiệt nhất ? ».

Biểu tượng đồng euro trước cửa Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Francfort, Đức.
Biểu tượng đồng euro trước cửa Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Francfort, Đức. REUTERS/Ralph Orlowski
Quảng cáo

Nghiên cứu này khẳng định, do dùng đồng tiền chung châu Âu, tính tổng cộng trong hai thập niên qua, mỗi người dân Pháp bị mất đi 56 ngàn euro, mỗi người dân Ý 74 ngàn. Trong khi đó, mỗi người dân Đức được lợi 23 ngàn, người Hà Lan hơn 23 ngàn…

Nghiên cứu này được giới lãnh đạo chính trị ở nhiều nước khai thác, nhưng lại bị các chuyên gia kinh tế phản bác, chỉ trích về phương pháp. Để trả lời câu hỏi người dân nước nào được hưởng lợi nhất hoặc bị thiệt thòi nhất khi chuyển sang dùng đồng euro, các kinh tế gia Đức ở CEP đã đưa ra một số giả định như điều gì sẽ xẩy ra nếu không có đồng euro ? Nếu Pháp vẫn dùng đồng franc, Đức dùng đồng deutschemark, Ý giữ đồng lire…

Trên đài France Culture, kinh tế gia Mathieu Plane, thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp – OFCE, giải thích về phương pháp áp dụng trong nghiên cứu này:

« Xuất phát từ một chỉ số khá phức tạp, được lập ra trên cơ sở tổng sản phẩm nội địa PIB của các nước khác, các tác giả vạch ra đồ thị phát triển PIB của các nước hiện thành viên khu vực đồng tiền chung, với giả định là những nước này không dùng đồng euro. Như vậy, nghiên cứu nêu ra một kch bản không tồn tại trên thực tế. Đây chính là sự phức tạp của nghiên cứu này.

Trên cơ sở kịch bản không có thật này, các tác giả đưa ra một số nhận định. Ví dụ, trong vòng 20 năm qua, tính từ năm 1999, năm bắt đầu dùng đồng euro, nếu tính theo sức mua, mỗi người dân Pháp bị mất khoảng 56000 euro. Một con số rất lớn, Chính vì vậy, bản nghiên cứu này đã gây ra nhiều tranh cãi ».

Để tính toán và đưa ra con số bị thiệt hoặc được lợi khi dùng đồng euro, các kinh tế gia Đức so sánh từng nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu với một quốc gia giả tưởng nào đó. Quốc gia « ảo » này bao gồm các mảng kinh tế của một số nước bên ngoài khu vực đồng euro. Ví dụ, khi xem xét nền kinh tế Pháp, các tác giả so sánh Pháp với một quốc gia « ảo » bao gồm 44,6% nền kinh tế Anh, 55,4% nền kinh tế Úc. Qua đó, họ vạch ra được hai đường đồ thị về sự phát triển PIB của Pháp, một đường nếu dùng đồng euro và đường kia nếu không dùng đồng tiền chung. Khoảng cách giữa hai đường này chính là phần người dân Pháp bị thiệt trong 20 năm qua.

Mặc dù nghiên cứu này áp dụng phương pháp phản chứng, đưa ra những giả định không thể xẩy ra trên thực tế, nhưng người dân tại một số nước dùng đồng euro có cảm giác là sức mua của họ bị suy giảm kể từ khi chuyển sang dùng đồng tiền chung.

Theo kinh tế gia Mathieu Plane, việc lựa chọn những nền kinh tế làm mẫu so sánh, đối chiếu cũng có vấn đề. Ví dụ, cơ cấu kinh tế của Pháp và Úc khác hẳn nhau. Hay không thể so sánh Hy Lạp với quốc đảo Barbade nhỏ bé:

« Cần rất thận trọng. Đúng là euro đã gây ra một số vấn đề đối với nền kinh tế các nước sử dụng đồng tiền này, thậm chí ngay cả trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, từ đó mà đưa ra những nhận định rằng có nước được lợi, có nước bị thua thiệt thì không ổn và gây ra nhiều tranh cãi.

Có thể nói, phương pháp nghiên cứu của các kinh tế gia Đức khá thú vị, nhưng không vững chắc, rất mong manh. Ví dụ, người ta lấy 50% nền kinh tế Anh, 50% nền kinh tế Úc làm cơ sở để vạch ra đồ thị phát triển tổngsản phẩm quốc nội của Pháp -  nếu như Pháp không dùng euro. Đồ thị phát triển PIB của Hy Lạp dựa trên 40% nền kinh tế của đảo quốc Barbade nhỏ bé. 

Đây chỉ là những giả thuyết. Cần coi công trình này là một nghiên cứu thuần túy thống kê. Nhiều người nhắc đến nghiên cứu này vì nó bị chính trị hóa ».

Không chỉ phê phán những kết luận dựa trên các giả định không thể xẩy ra trên thực tế, giới chuyên gia còn chỉ trích các tác giả công trình nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị, gợi ý thiếu cơ sở, theo đó, việc sử dụng đồng euro sẽ có lợi cho tất cả các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, nếu họ tuân thủ quy định Maastricht, không để cho ngân sách thâm hụt quá 3% PIB.

Kinh tế gia Mathieu Plane nhấn mạnh, đây chỉ là một nghiên cứu thống kê, với phương pháp rất giản lược:

« Điều này rất nguy hiểm. Đây chỉ là một nghiên cứu thuần túy thống kê. Không có phân tích vĩ mô kinh tế, không có mô hình phức tạp. Rồi trên cơ sở đó, người ta suy luận ra các khuyến nghị về chính sách kinh tế. Không thể làm như vậy được.

Cần chú ý đến sự khác biệt. Mô hình kinh tế nghiên cứu những tác động khác nhau với các biến đổi về giá cả, khả năng cạnh tranh, lãi suất, nợ công, thâm hụt ngân sách, tỉ giá…Nói tóm lại, thông qua toán học, cần phải tạo dựng lại một mô hình kinh tế. Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia Đức lại quá đơn sơ về phương pháp, rồi khi nhận thấy sự khác nhau giữa diễn tiến PIB của các nước, họ bảo rằng đó là do đồng euro. Rồi họ giải thích Đức hưởng lợi nhiều nhất vì đã tuân thủ các quy định về ngân sách. Còn Pháp, Ý không tuân thủ quy định nên bị thiệt thòi. Tôi cho rằng kết luận như vậy là hoàn toàn sai. Bởi vì, một mặt, phương pháp nghiên cứu gây tranh cãi, khó đứng vững. Mặt khác, sự tác động qua lại giữa các yếu tố trong nền kinh tế là rất phức tạp chứ không đơn giản như vậy. »

Thực tế cho thấy là kể từ khi chuyển sang dùng euro, nhiều nước Nam Âu gặp khó khăn về kinh tế. Theo kinh tế gia Mathieu Plane, một trong những nguyên nhân là đồng euro có giá trị quá cao so với nền kinh tế các nước này (6) :

« Nghiên cứu này cố gắng đưa ra các con số, vạch ra đồ thị diễn tiến PIB và tác động của việc dùng đồng euro. Nhưng tôi xin nhắc lại, phương phương nghiên cứu không thỏa đáng. Đúng là nghiên cứu làm rõ điều mà ai cũng có thể nghĩ đến, đó là nước Đức được hưởng lợi khi chuyển sang dùng euro. Các nước Nam Âu có khó khăn. Câu hỏi đặt ra là đối với trường hợp Hy Lạp. Theo các tác giả công trình nghiên cứu thì Hy Lạp xoay xở tốt, đứng hàng thứ ba trong số các nước được hưởng lợi. Thế nhưng, trên thực tế, Hy Lạp là nước gặp nhiều khó khăn, nhất là từ năm 2008, với cuộc khủng hoảng tài chính. Sở dĩ các chuyên gia Đức đưa ra nhận định ngược với thực tế vì họ đã so sánh nền kinh tế Hy Lạp với đảo quốc Barbade, lấy 40% nền kinh tế Barbade làm một thành tố tạo dựng chỉ số so sánh. Trong khi đó, Barbade là quốc đảo  nhỏ bé, chỉ cần một trận bão lớn là kinh tế đảo quốc này bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế của Barbade không có gì giống kinh tế Hy Lạp. Cũng tương tự, kinh tế Pháp rất khác với kinh tế Úc, Anh. Kinh tế Đức khác hẳn kinh tế Bahrain.

Đúng là đồng euro có vấn đề. Đồng tiền chung châu Âu có giá trị cao so với nền kinh tế các nước Nam Âu. Hiện nay, so với nền kinh tế Hy Lạp, Tây Ban Nha và cả Ý, đồng euro được cho cao giá, trong khi so với nền kinh tế Đức, euro bị coi là thấp giá. Ví dụ, nếu euro có giá trị bằng một đồng Mác Đức cũ trước đây thì rõ ràng là đồng tiền chung châu Âu có giá quá cao so với các nền kinh tế Nam Âu. Như vậy, việc chuyển đổi sang đồng euro gây khó khăn, tác động đến việc điều chỉnh lương bổng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đưa ra một số kết luận như trong trong bản nghiên cứu của các chuyên gia Đức. »

Vậy có thể là gì để giảm nhẹ cú sốc euro đối với các nền kinh tế Nam Âu ? Kinh tế gia Mathieu Plane gợi ý:

« Khó khăn thực sự là đồng tiền này dựa chủ yếu vào các quy định về ngân sách. Rõ ràng là không đủ. Có rất ít thẩm quyền quốc gia được các nước chuyển giao cho khu vực đồng euro, trong khi đây là đồng tiền duy nhất. Thêm vào đó là không có sự phối hợp, điều chỉnh về chính sách lương bổng ở các nước. Do vậy, nếu muốn có một sự đồng nhất giữa các nước sử dụng đồng tiền chung, thì mức lương ở một số quốc gia phải được điều chỉnh tăng lên, ít nhất là 10%, qua đó, giảm bớt được sự chênh lệch về mức lương khi so sánh với các nước Nam Âu. »

Tại Pháp, các phương tiện truyền thông cũng lên tiếng cảnh báo về những kết luận của nghiên cứu này. Báo Liberation xếp công trình của các chuyên gia Đức trong mục CheckNews, những thông tin có thể là giả, hoặc bị bóp méo hoặc cần tiếp nhận một cách rất thận trọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.