Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Mỹ gắn nhãn khủng bố Vệ Binh Cách Mạng, cô lập Iran

Đăng ngày:

Ngày 08/04/2019 vừa qua, lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế của giáo quyền Iran bị Hoa Kỳ ghi vào sổ đen khủng bố. Đây là lần đầu tiên Pasdaran hay Vệ Binh Cách Mạng, công cụ trấn áp chính trị trong nước và cánh tay võ trang mang tên Al Qods can thiệp bên ngoài, bị chiếu cố. Đâu là những lý do sâu xa của Donald Trump ? Liệu có nổ ra xung đột ?

Ảnh tư liệu : Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tham gia diễu binh tại Teheran, ngày 22/09/2018
Ảnh tư liệu : Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tham gia diễu binh tại Teheran, ngày 22/09/2018 STRINGER / afp
Quảng cáo

Sau cuộc cách mạng lật đổ vương quyền năm 1979, chính quyền Cộng Hoà Hồi Giáo Iran không mấy tin tưởng vào quân đội quốc gia. Đó là lý do vào năm 1979, giáo chủ Ayatollah Khomeini thành lập « Sepah-yé Pasdaran » với nhiệm vụ chính trị là « bảo vệ thành quả cách mạng », một loại quân đội ý thức hệ, nhận lệnh trực tiếp từ « lãnh đạo tinh thần tối cao » hiện nay là Ayatollah Ai Khamenei. Khác với quân đội quốc gia, nhiệm vụ chính thức của Vệ Binh Cách Mạng hay Pasdaran, theo tiếng Ba Tư, không phải là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Từ chiến tranh Iran-Irak cho đến Syria

Tuy vậy, hàng chục ngàn chiến binh Pasdara đã chết trong cuộc chiến tranh Iran-Irak kéo dài 8 năm từ 1980 đến 1988.Trong những năm gần đây, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng trả giá đắt trên chiến trường Liban và nhất là ở Syria để bảo vệ chế độ Bachar al Assad. Tư lệnh Pasdaran là tướng Ali Jafari nhưng nhiệm vụ can thiệp bên ngoài là Al Qods, do tướng Qacem Soleimani chỉ huy. Al Qods được thành lập vào đầu thập niên 1990 nhưng kể cả các dân biểu Iran, không ai rõ lực lượng « viễn chinh » này chính xác có quân số bao nhiêu. Một « đoàn quân ma », lý thuyết là do bộ Quốc Phòng điều động nhưng không thấy ngân sách. Không có lực lượng bí ẩn này và Hezbollah-Liban, cũng do Al Qods yểm trợ, có lẽ nhà độc tài Syria không trụ được đến ngày nay. Kể từ 15/04/2019 lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực một tuần sau khi Vệ Binh Cách Mạng bị Mỹ xếp vào danh sác các tổ chức khủng bố.

Vì sao Donald Trump chiếu cố đặc biệt vào công cụ kinh tài và tuyên truyền chính trị của giáo chủ Ayatolah Ali Khamenei vào lúc này ? Liệu căng thẳng có biến thành xung đột ? Chương trình Décryptage của RFI tìm hiểu với Amélie Chelly, chuyên gia về Iran và Annick Cizel, nhà phân tích chính trị Hoa Kỳ.

Trước hết, vì sao Iran có đến hai quân đội ?

Nhà xã hội học Iran Amélie Chillygiải thích : Như tên gọi, Pasdara được thành lập để duy trì thông điệp cách mạng Hồi Giáo. Rất có thể trên thế giới, Iran là nước duy nhất có hai quân đội. Lối tổ chức này là một biện pháp rất hiệu nghiệm để chống đảo chính. Lúc đầu, Vệ Binh Cách Mạng chỉ có vai trò quân sự nhưng dần dần lực lượng này đầu tư vào mọi lãnh vực không chừa một thứ nào, đôi khi ngoài tưởng tượng như là giải phẫu mắt, chế tạo dược phẩm, cơ quan báo chí tuyên truyền, công ty điện toán…

Đó cũng là một trong những lý do mà trong đợt biểu tình phản kháng trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, công luận đã đặt câu hỏi phải chăng Vệ Binh Cách Mạng chuẩn bị lật đổ chế độ.

Tổng thống Rohani, từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, đã tìm cách hạn chế Vệ Binh Cách Mạng tự tung tự tác kinh tế quốc gia nhưng vô hiệu. Năm 2004, tổng thống Mohamad Khatami từng bị Pasdaran ngăn chận không cho đón một chiếc máy bay trong lễ khánh thành phi trường Teheran vì bất đồng về việc quản lý phi trường. Sau đó, ngay tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013) được Pasdara ủng hộ lúc ban đầu, cũng bị đe dọa khi ông than phiền đạo quân ý thức hệ này lấn lướt thẩm quyền tổng thống.

Khi Washington xếp Pasdaran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố, quyết định này mang ý nghĩa gì ?

Chuyên gia chính trị quốc tế Hoa Kỳ Annick Cizel :

Điều này chứng tỏ Donald Trump vừa hoàn thành chiến lược từng bước chống chế độ Teheran. Từ năm 1984, Iran đã nằm trong danh sách các Nhà nước « ủng hộ » khủng bố quốc tế, vỏn vẹn có bốn nước là Iran, Bắc Triều Tiên, Soudan và Syria. Cùng lúc, một số nhân vật Iran bị cáo buộc là khủng bố và bị trừng phạt. Bây giờ đến cả một chế độ bị cáo buộc là « khủng bố ». Câu hỏi ở đây là làm cách nào Washington thực hiện các biện pháp đe dọa này hầu đạt được mục tiêu, một cách chậm mà chắc, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Iran ?

Kiểm sóat kinh tế và vũ khí chiến lược

Với lực lượng đông đảo 125.000 quân, tương đương một phần ba quân đội quốc gia với hải quân 18.000 người, không quân 30.000 người kiểm soát luôn binh chủng tên lửa, Vệ Binh Cách Mạng Iran có ba nhiệm vụ.

Thứ nhất, về an ninh chính trị : kiểm soát lực lượng dân quân tình nguyện Hồi Giáo.

Thứ hai, về quân sự, kiểm soát vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Ormuz với lực lượng hải thuyền và trách nhiệm chương trình tên lửa đạn đạo.

Về kinh tế, như đã nói bên trên, Pasdaran kiểm soát các xí nghiệp và hầu hết lãnh vực kinh tế chiến lược từ dầu khí đến quặng mỏ.

Theo nhà xã hội học Iran Amélie Chilly, Donald Trump có lý do « chiếu cố » Vệ Binh Cách Mạng :

Khi xếp Vệ Binh Hồi Giáo vào danh sách tổ chức khủng bố và Nhà nước Iran là khủng bố, Washington thực hiện cùng lúc hai mục tiêu. Trước tiên là để phá vỡ hoặc ngăn chận một số kế hoạch hợp tác quân sự. Hiện tại, có bốn nhóm quốc gia, hoặc đang hợp tác với Iran hoặc đang thương lượng. Trước tiên là Trung Quốc và Nga. Nhóm thứ hai, đang bị Mỹ theo dõi, trong đó có Serbia, đang đàm phán với Iran khả năng hợp tác quân sự. Nhóm thứ ba gồm những nước cho Mỹ lập căn cứ thậm chí còn là thành viên của NATO như Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán với Iran. Một đồng minh Ả Rập của Washington là Qatar cũng ngấp nghé hợp tác với Iran. Nhóm thứ tư là nhóm đối nghịch thì khỏi phải nói, đó là Syria, Bắc Triều Tiên và Libya.

Do vậy, Donald Trump muốn đập tan những dự án của 4 nhóm nói trên cùng lúc làm giảm sức mạnh ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Đó là chưa kể vì cuộc chiến tranh kinh tế hiện nay, Washington sẽ còn tung ra những biện pháp cưỡng chế khác và bao quát hơn nữa. Pasdara nằm trong danh sách tổ chức khủng bố, Hoa Kỳ có thể dựa vào đó để đưa một xí nghiệp châu Âu, ví dụ một công ty chuyên chở vào danh sách trừng phạt tội hợp tác với khủng bố chỉ vì trong số hành khách có một doanh nhân là thành viên của Pasdaran.

Vệ Binh Cách Mạng hiện diện ở mọi lãnh vực kinh tế tài chính, chỗ nào cũng có, cấp nào cũng có. Tại Iran, hầu như không có xí nghiệp tư nhân mà chỉ có doanh nghiệp Nhà nước và hợp doanh.

Do vậy, một khi đầu tư hay hợp tác với một công ty Iran thì bắt buộc một lúc nào đó sẽ phải hợp tác với một thành viên của Vệ Binh Cách Mạng.

Quá khứ bắt con tin và sẵn sàn « tái diễn để bảo vệ ổn định »

Vì sao Donald Trump nhắm vào Pasdaran ? Lên thay Barack Obama vào tháng Giêng 2017, tổng thống Donald Trump cũng thay đổi chính sách đối với Iran và không chỉ đơn thuần giới hạn trong vấn đề hạt nhân. Có hai sự kiện khiến Vệ Binh Cách Mạng trở thành đối tượng. Trước hết là ngày 04/11/2017, nhân kỷ niệm vụ tấn công vào sứ quán Mỹ năm 1979, tướng Ali Jafari, tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng tiết lộ là chính Pasdaran, với sự đồng ý của giáo chủ Khamenei, lên kế hoạch tấn công bắt nhân viên ngoại giao Mỹ tại Teheran làm con tin. Để làm gì ? Để củng cố cách mạng. Theo tướng Ali Jafari, nếu không có vụ bắt con tin, chế độ Hồi Giáo không tồn tại quá 10 năm. Ông cho rằng để củng cố ổn định thì cần phải những hành động « táo bạo » tương tự trong tương lai.

Tuyên bố này không khỏi làm nhớ đến vụ ám sát cựu thủ tướng Chapour Bakhtiar, thủ tướng cuối cùng của quốc vương Iran ngày 06 tháng 08 năm 1991 ở Suresnes cũng như vụ ám sát hụt thi hành trước đó 11 năm, vào ngày 18 tháng 07 năm 1980 ở Neuilly-sur-Seine, ngoại ô Paris.

Sự kiện thứ hai, là lực lượng Al Qods, nhánh quân sự « không rõ quân số » của Vệ Binh Cách Mạng do tướng Qacem Soleimani chỉ huy, mở được hành lang từ Iran đến tận Syria, đe dọa an ninh Israel. Bị Mike Pompeo, lúc còn là chỉ huy CIA tế nhị cảnh báo, Qacem Soleimani đã công bố bức thư qua báo chí, sĩ nhục giám đốc Mật Vụ Mỹ.

Chuyên gia Amélie Chilly :

Đúng vậy, nếu xem lại lý do Donald Trump nêu lên để giải thích vì sao Mỹ đơn phương rút bỏ hiệp định hạt nhân 2015 thì chúng ta thấy gì ? Không phải vì hiệp định kiểm soát không chặt chẽ tham vọng hạt nhân của Iran mà vì chỉ kiểm soát có phần hạt nhân mà thôi. Theo Donald Trump, hiệp định 2015 không có giá trị vì không kiểm soát ba lãnh vực khác mà ngay tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đồng ý tuy cách tiếp cận của Elysée khác với chủ nhân Nhà Trắng. Paris không bỏ hiệp định mà muốn thương thuyết để kiểm soát nốt ba trục còn lại. Đó là nhân quyền, khủng bố và chương trình tên lửa đạn đạo, trong tay lực lượng Al Qods.

Thêm vào đó là nhu cầu ngăn chận Iran phát huy ảnh hưởng ra khu vực. Trong hồ sơ Syria, phải nhìn nhận Iran là kẻ chiến thắng. Do vậy, Donald Trump « thay đổi nguyên trạng » lấy lại thế thượng phong.

Liệu chiến tranh Mỹ-Iran có thể xảy ra hay không ?

Chuyên gia chính trị Hoa Kỳ Annick Cizel :

Ngoại trưởng Iran đã lập tức tuyên bố đặt bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan CENTCOM là một tổ chức khủng bố. Tuy chưa phải là một lời tuyên chiến nhưng chiến tuyến ở Trung Đông đã được phân định. Diễn văn của Donald Trump chẳng khác nào đổ dầu vào lửa, binh sĩ Mỹ ở Irak có thể là mục tiêu tấn công đầu tiên. Lầu Năm Góc cho biết đã chuẩn bị các biện pháp bảo vệ an ninh cho lực lượng Mỹ trên toàn cầu.

Thật ra xu hướng của đảng Cộng Hoà từ năm 2010 khi đối lập kiểm soát được Quốc Hội thời Barack Obama làm tổng thống. Khi Donald Trump ra tranh cử, ông cũng sử dụng lá bài chống khủng bố quốc tế để thu hút lá phiếu. Bây giờ ra tái tranh cử, ông cũng sử dụng vũ khí cũ. Sau khi tuyên bố đánh thắng Daech thì bước kế tiếp là củng cố lợi thế chính trị. Khi tuyên bố siết chặt vòng vây Iran, nội dung của bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ kết án chung chung Iran gieo rắc khủng bố trên toàn cầu. Không rõ hư thực ra sao, Iran bị cáo buộc chấp chứa Al Qaida và cho Al Qaida mượn không phận bay sang Afghanistan.

Cũng trong « logic » tranh cử với lá bài chống khủng bố mà Donald Trump cáo buộc khủng bố trà trộn vào di dân ở biên giới Mêhicô. Bộ trưởng An Ninh Quốc Nội Kirstjen Nielsen và chỉ huy tình báo Tex Alles mất chức trong bối cảnh này.

Với diều hâu John Bolton, cố vấn an ninh và Mike Pompeo gần như là bộ trưởng Quốc Phòng kiêm chỉ huy tình báo, trong chính phủ Donald Trump giờ đây chỉ còn những người chống Iran. Tại Iran, không có dấu hiệu chế độ sẽ sụp đổ trong ngắn hạn. Đây chính là nguy cơ khuyến khích phe chủ chiến tại Mỹ năng nổ hơn. Hơn ai hết, Iran ý thức rõ là cần phải thận trọng. Một vụ khủng bố mới ở Tây phương là dẫm lên làn ranh đỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.