Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - SUDAN

Sudan : Phong trào phản kháng đòi giải tán Hội Đồng Quân Sự

Quan hệ giữa phe đối lập và Hội Đồng Quân Sự Chuyển Tiếp tại Sudan ngày càng trở nên căng thẳng. Một tổ chức hạt nhân của phong trào phản kháng yêu cầu Hội Đồng Quân Sự giải thể, đồng thời lên án giới tướng lĩnh có mưu toan giải tán một điểm tọa kháng tại thủ đô.

Người Sudan biểu tình phản đối trước trụ sở bộ Quốc Phòng, Khartoum, ngày 15/04/2019
Người Sudan biểu tình phản đối trước trụ sở bộ Quốc Phòng, Khartoum, ngày 15/04/2019 REUTERS/Umit Bektas
Quảng cáo

Theo AFP, ngày hôm qua, 15/04/2019, ông Mohamed Naji, một đại diện của Hiệp hội các ngành nghề Sudan (SPA), tổ chức trụ cột của phong trào phản kháng, khẳng định cần phải giải thể Hội Đồng Quân Sự, thay vào đó là một hội đồng dân sự, trong đó các đại diện của giới quân sự có thể tham gia, nhưng chỉ với tư cách thành viên. Theo một lãnh đạo khác của SPA, nếu Hội Đồng Quân Sự không giải thể, SPA « sẽ không tham gia vào chính phủ chuyển tiếp », theo lời mời của giới quân nhân.

Hiệp hội SPA cũng tố cáo quân đội âm mưu dẹp bỏ một điểm tọa kháng, trước tổng hành dinh quân đội, được duy trì từ ngày 06/04, thời điểm khởi đầu phong trào chống chế độ độc tài Omar el-Bachir, và tiếp theo đó là để chống lại giới quân sự đang tìm cách bấu víu quyền lực.

Cũng trong ngày này, Hội Đồng Quân Sự đã gặp gỡ đại diện các đảng phái và kêu gọi các bên nhất trí cử ra một « nhân vật độc lập », để đề cử vào chức vụ thủ tướng, cũng như về thành phần của một chính phủ dân sự.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Hội Đồng Quân Sự Chuyển Tiếp, tướng Buhrane, được đánh giá là một nhân vật có quan điểm ôn hòa, hứa hẹn sẽ « loại bỏ các thành phần cốt cán » của chế độ tổng thống el-Bechir, vừa bị quân đội lật đổ. Thế nhưng trong Hội Đồng Quân Sự hiện nay vẫn có đến 10 thành viên là trụ cột của chế độ cũ, đặc biệt là những người như Mohamad Hamdan Daglo, có biệt hiệu « Himeidti », bị cáo buộc từng đứng đằng sau nhiều cuộc tàn sát ở Darfour trước đây.

Hôm thứ Bảy 13/06, tân lãnh đạo Hội Đồng Quân Sự bổ nhiệm nhân vật này làm lãnh đạo Lực Lượng Phản Ứng Nhanh quốc gia.

Yêu cầu quân đội không dùng vũ lực với người biểu tình

Về phản ứng quốc tế, hôm qua, Liên Hiệp Châu Phi đe dọa đình chỉ tư cách thành viên của Sudan, nếu quân đội không trao trả quyền lực cho một « chính quyền dân sự » trong vòng 15 ngày. Hôm Chủ Nhật 14/04, đại sứ các nước Mỹ, Anh và Na Uy ra một thông cáo chung, yêu cầu Hội Đồng Quân Sự Sudan không dùng bạo lực để giải tán biểu tình.

Hôm qua, trên Twitter, đại sứ Anh tại Sudan, Ifran Siddiq, cho biết đã có cuộc gặp ông « Himeidti », lãnh đạo Lực Lượng Phản Ứng Nhanh quốc gia, cũng là phó lãnh đạo Hội Đồng Quân Sự, để một lần nữa nhắc lại yêu cầu : Quân đội không được dùng vũ lực giải tán biểu tình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.