Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bầu Quốc Hội Ấn Độ: Phim tâng bốc thủ tướng Modi bị cấm

Đăng ngày:

Phim tâng bốc thủ tướng Ấn Độ bị cấm ra rạp trong thời gian bầu Quốc Hội. Cam Bốt thiếu điện trầm trọng buộc phải dựa nhiều hơn vào điện mặt trời. Cuba lại thiếu thực phẩm, mỗi người không được mua quá 10 quả trứng/một tháng. Bộ phim tài liệu 8 tập « Our Planet / Hành tinh của chúng ta » ra mắt trên mạng Netflix: Thiên nhiên đẹp mê hồn, nhưng họa hủy diệt đang cận kề. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Áp phích quảng cáo bộ phim ‘‘Thủ tướng Narendra Modi’’, bị Ủy Ban Bầu Cử Ấn Độ cấm công chiếu trong thời gian bầu cử Quốc Hội 2019.
Áp phích quảng cáo bộ phim ‘‘Thủ tướng Narendra Modi’’, bị Ủy Ban Bầu Cử Ấn Độ cấm công chiếu trong thời gian bầu cử Quốc Hội 2019. Ảnh chụp màn hình
Quảng cáo

Kể từ ngày 11/04/2019, Ấn Độ bước vào cuộc bầu cử marathon kéo dài 6 tuần lễ. Cử tri Ấn Độ, với khoảng 900 triệu người, được kêu gọi tham gia vào thực hành dân chủ được coi là có quy mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại này. Dùng lá bài dân tộc chủ nghĩa, kích động tình cảm tôn giáo của dân chúng, thủ tướng Modi cầm quyền từ năm 2014 có nhiều khả năng sẽ giành được đa số ghế tại Quốc Hội (1).

Ngay trước bầu cử, phe Modi tung một đòn tuyên truyền quyết định. Bộ phim ca ngợi thủ tướng Ấn dự định sẽ công chiếu đúng vào ngày mở màn đợt bầu cử, với áp phích hao hao giống những bức tranh tuyên truyền tại nước Trung Hoa của Tập Cận Bình hay Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un. Nhưng tại Ấn Độ, một bộ phim như vậy đã không được chấp nhận. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :

« Cuộc chiến kéo dài hơn một tuần nay. Đối lập trước hết đã kiện lên nhiều tòa phúc thẩm, rồi Tòa Án Tối Cao. Cuối cùng, chỉ vài giờ trước khi bộ phim công chiếu, đòi hỏi của đối lập đã được Ủy Ban Bầu Cử chấp nhận.

Bộ phim mang tên đơn giản là ‘‘Thủ tướng Narendra Modi’’ ca ngợi lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ giáo, sửa lại nhiều giai đoạn đen tối trong đường đời của ông Modi, ví dụ như trách nhiệm của Modi trong các cuộc tàn sát chống người Hồi Giáo năm 2002 (trong thời kỳ Modi làm thủ hiến bang miền tây Gujarat).

Đối với Ủy Ban Bầu Cử, một tiểu sử mang tính tô hồng như vậy về một chính trị gia trong giai đoạn tranh cử đã xâm phạm nguyên tắc công bằng, khi tác động rất mạnh đến tâm lý cử tri. Như vậy, bộ phim này chỉ được phép công chiếu sau bầu cử, và mọi quảng bá cho bộ phim hiện tại đều bị cấm.

Dù sao, nhiều người cũng dự định sẽ xem một số bản sao bất hợp pháp, đã tràn ngập trên mạng Internet.

Người biểu tình ủng hộ  mang mặt nạ ông Narendra Modi, bang đông bắc Assam, Ấn Độ, 30/03/2019.
Người biểu tình ủng hộ mang mặt nạ ông Narendra Modi, bang đông bắc Assam, Ấn Độ, 30/03/2019. © REUTERS/Anuwar Hazarika

Quyết định của Ủy Ban Bầu Cử cũng đồng thời được áp dụng với hai phương tiện tuyên truyền khác, quảng bá cho hình ảnh của Narenda Modi. Đó là kênh truyền hình mang tên thủ tướng, NaMo TV, và một bộ phim truyền hình 10 kỳ, cũng về cuộc đời ông Modi, vừa được công bố trên mạng ».

Quyết định cho thấy trong chế độ dân chủ Ấn Độ, còn có những thành trì ngăn chặn các tuyên truyền bóp méo sự thật, nhằm tẩy não dân chúng. Cho dù cầm quyền đã 5 năm, thủ tướng Modi vẫn không thể huy động cả bộ máy Nhà nước để bịt mắt người dân, duy trì sự ngu dân để dễ dàng cai trị, như trong các xã hội độc tài, toàn trị.

Bạo lực gia tăng, người Dalit ngày càng phẫn nộ

Dù sao, theo nhiều nhà quan sát, ông Narendra Modi đang biến nền dân chủ nghị viện Ấn Độ thành một hệ thống độc đoán, gần như nằm dưới quyền chỉ huy của thủ tướng. Modi đưa ra nhiều quyết định cực đoan với sự tham gia của một nhóm nhỏ nghị sĩ và quan chức cao cấp. Thủ tướng Ấn không chấp nhận các phản biện.

Trả lời RFI, giáo sư chính trị học Gilles Verniers, chuyên về chính trị Ấn Độ, giảng dạy tại Đại học Ashoka, New Delhi, nhận xét : « Đảng BJP theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cổ vũ cho việc tôn thờ cá nhân ông Modi, được quảng bá như là đấng cứu thế đối với dân tộc Ấn. Nhân vật này có thể đưa đất nước đến một lý tưởng mang tính phát xít : Sự vĩ đại của một nước Ấn Độ thuần chủng, theo Ấn giáo và quân sự hóa ».

Năm năm Modi cầm quyền đã để lại nhiều dấu ấn nặng nề : bạo lực không chỉ gia tăng với người theo đạo Hồi tại Ấn Độ, mà cả với dân cư Dalit (2), tức nhóm xã hội trước đây thường bị coi là « tiện dân », những người dưới đáy xã hội, nằm ngoài hệ thống đẳng cấp của Ấn giáo truyền thống. Đông đảo cử tri nhóm Dalit, chiếm khoảng 18% dân số, từng bầu cho Modi năm 2014 (3).

Nhưng theo giáo sư James Manor, chuyên gia về chính trị Ấn Độ, Đại học Tây Luân Đôn, thì « các thăm dò dư luận chỉ rõ là dân cư Dalit nay không còn tin tưởng vào ông Modi nữa. Bởi có một thực tế là, nhiều nhóm xã hội xuất thân từ các đẳng cấp cao - có liên hệ với đảng BJP của thủ tướng Modi - thường đối xử tàn bạo với người Dalit. Thủ tướng mãn nhiệm chắc chắn sẽ mất nhiều phiếu bầu của dân Dalit. Những người này sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên thuộc các đảng phái khu vực hoặc đảng đối lập Quốc Đại ».

Cam Bốt thiếu điện kéo dài, do khô hạn và xây dựng tăng vọt

Mùa khô năm nay ở nhiều khu vực Đông Nam Á lục địa đi kèm với hạn hán nặng. Tại Cam Bốt, các nhà máy thủy điện không có đủ nước để duy trì lượng điện thường kỳ, trong lúc nhu cầu điện tiếp tục tăng với khoảng 20%/năm. Người dân Cam Bốt, ngay tại thủ đô Phnom Penh, bị mất điện gần như hàng ngày. Phóng sự của thông tín viên Julliette Buchez từ Phnom Penh :

« Đã một tháng nay, các hoạt động thương mại của Phnom Penh bị tê liệt vào mỗi lần điện bị cắt. Gần như là hàng ngày, trong vòng nhiều tiếng đồng hồ, tại các tiệm ăn, tủ lạnh không hoạt động, văn phòng không máy tính, cửa hàng không có quạt máy.

Anh Monh, một người thợ làm đầu, cho biết nạn cúp điện gây trở ngại rất nhiều : ‘‘Tất cả đều bị nóng, tất cả đều phàn nàn. Khi điện bị cúp, mọi thứ đều tê liệt. Không có máy sấy tóc, không có máy uốn tóc. Tôi chỉ có thể cắt tóc. Không có việc, tôi chơi với điện thoại cầm tay. Thật là bó tay’’.

Khó hình dung được tình trạng này có tác động thế nào đến kinh tế Cam Bốt. Một công trình xây dựng khu chung cư nhỏ ở bên cạnh, do một người Pháp điều hành, đang bị chậm tiến độ. Người phụ trách dự đoán là tình hình sẽ có thể kéo dài ít nhất là một tháng nữa. Công ty đã mua thêm một số máy phát điện, và điều này chắc chắn sẽ góp phần làm hâm nóng Trái đất nhanh hơn.

Theo ông Keo Ratannak, giám đốc Điện Lực Cam Bốt, tình hình có thể bắt đầu cải thiện trong một vài ngày tới. Ông nói : ‘‘Chúng tôi sẽ nhận được điện từ Thái Lan, từ Lào, và đồng thời nhờ một trạm điện mặt trời 20 megawat vừa được nối mạng. Chúng tôi sẽ hối thúc các khách sạn, các tòa nhà lớn nào có thì sử dụng máy phát điện của họ, để giảm gánh nặng cho những người tiêu thụ nhỏ’’.

Bất chấp các biện pháp này, sẽ phải đợi đến mùa mưa, điện mới có thể trở lại bình thường. Để đáp ứng những áp lực của tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, Cam Bốt cần củng cố và đa dạng hóa các nguồn điện năng ».

Theo chính quyền Phnom Penh, Cam Bốt thiếu khoảng 400 MW công suất điện hàng năm. Năm ngoái, Cam Bốt cũng phải nhập khẩu điện từ Việt Nam, Thái Lan và Lào để bù vào số thiếu hụt. Hồi tuần trước, Phnom Penh vừa phê chuẩn một số dự án điện, với tổng công suất 220 MW, trong đó 140 MW là điện mặt trời. Láng giềng Việt Nam trong những năm gần đây cũng đang muốn thúc đẩy mạnh điện mặt trời, trong bối cảnh thủy điện kịch ngưỡng, còn điện than gây ô nhiễm nặng, và là một thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính.

Thủy điện hiện chiếm khoảng một nửa công suất điện của xứ Chùa tháp. Theo các chuyên gia, với các nước Đông Nam Á ở hạ lưu Mêkông nói chung, chưa kể đến các tổn thất to lớn về thủy sản, môi trường, thủy điện trên dòng sông này không hề bền vững và an toàn (4), khi Bắc Kinh cho đến nay vẫn tiếp tục chính sách khai thác triệt để nước ở thượng nguồn, không chia sẻ với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á thông tin về việc vận hành các công trình nước thượng nguồn, dù đã có một cơ chế hợp tác về hình thức. Cùng với tình trạng khí hậu bị hâm nóng, mùa khô hạn trong những năm tới rất nhiều khả năng sẽ còn kéo dài hơn.

Người Cuba lại thiếu ăn

Cam Bốt thiếu điện, còn ở bên kia bán cầu, nước Cuba cộng sản đang một lần nữa đối mặt với nạn thực phẩm khan hiếm. Đến báo cũng phải giảm số trang in, vì thiếu giấy. Phóng sự của thông tín viên Raphael Moran của RFI từ một thành phố tại Cuba :

« Xếp hàng mua thực phẩm là một thói quen đối với người Cuba. Tuy nhiên, từ nhiều tuần nay, việc tìm được một số hàng tiêu dùng là rất gian nan. Sau dầu ăn, đến lượt trứng bị thiếu. Tại một siêu thị của Nhà nước ở Cienfugos, khó mà mua được hơn 10 trái trứng một tháng, cho một người.

Số lượng trứng tối thiểu cho mỗi người được quy định trong sổ phân phối thực phẩm, như một người hưu trí cho biết sau đây: ‘‘Đúng là chúng tôi khó tìm thấy trứng, do Cuba gặp khó khăn về tài chính trong việc nhập thức ăn chăn nuôi. Gà đẻ trứng ít hơn, vì người ta có ít thực phẩm hơn để cho chúng ăn’’.

Ngoài vấn đề thức ăn chăn nuôi, Cuba cũng khó nhập được đủ giấy. Kể từ kỳ nghỉ tuần này, các tờ báo chính của hòn đảo chỉ còn in 8 trang, thay vì 16 trang như thường lệ.

Thu nhập do việc Cuba mở cửa cho du lịch, cho vốn nước ngoài và kinh tế tư nhân khó mà bù lấp được các thiếu hụt do thương mại song phương với các nước đồng minh, như Venezuela, sụt giảm ».

« Our planet »: Thiên nhiên tráng lệ - thảm họa cận kề

Ngày 04/04, tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn, nhà tự nhiên học kỳ cựu người Anh David Attenborough, 92 tuổi, giới thiệu « Our Planet », bộ phim tài liệu mới về đời sống động vật trên Trái đất. David Attenborough vốn đã nổi tiếng từ nửa thế kỷ qua, với nhiều phim về môi trường, nhưng Our Planet là một bộ phim rất khác.

Bộ phim do Quỹ Thiên Nhiên Quốc Tế (WWF) khởi xướng, được thực hiện trong vòng bốn năm, tại khoảng 60 quốc gia, với tổng cộng 3.500 ngày quay, trong đó khoảng 200 ngày quay dưới nước. 600 người tham gia làm phim. Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên về Thiên nhiên được công chiếu thông qua mạng Netflix. Những người chủ trì hy vọng 150 triệu khách hàng của Netflix ngay lập tức sẽ biết đến Our Planet. Bởi thông điệp là khẩn cấp !

Một cảnh trong phim tài liệu "Our Planet", ra mắt trên Netflix từ ngày 04/04/2019.
Một cảnh trong phim tài liệu "Our Planet", ra mắt trên Netflix từ ngày 04/04/2019. Copy d'ecran

Bộ phim tài liệu chưa từng có về thiên nhiên này dài 8 tập, mỗi tập 50 phút. Các phương tiện quay hiện đại, với ống kính 4K đời mới nhất, cho phép khán giả như được trực tiếp đến với nhiều loài sinh vật hiếm có ở khắp các miền trên Trái đất, với môi trường sống đẹp mê hồn của chúng: từ xứ sở băng giá địa cực, sa mạc Sahara mênh mông, rừng rậm nguyên sơ vùng Amazon, hay những đại dương sâu thẳm… Thế nhưng, phim cũng cho thấy tất cả những gì tuyệt vời ấy đang ngày càng trở nên mong manh, do biến đổi khí hậu.

Bộ phim đẹp đến mức mà nhiều khán giả đặt câu hỏi : phải chăng đây là những hình ảnh nhân tạo, được tạo ra trên máy tính ?

Vì sao hải mã lao xuống vực ?

Không ! Toàn bộ những gì diễn ra trong phim đều là hình ảnh thực. Chỉ có điều vẻ đẹp đi kèm với những cảnh tượng kinh hoàng.

Một khối băng hà khổng lồ 75 triệu tấn sụp đổ ngay trước mặt khán giả, tạo ra những đợt sóng khủng khiếp, giống như trong những bộ phim ngày tận thế của Hollywood. Bóng ma của viễn cảnh Trái đất bị hâm nóng phủ lên toàn phim.

Một cảnh tượng gây bàng hoàng khác là hơn 200 con hải mã lần lượt lao đầu từ một vách đá cao 80 mét xuống. Dưới chân vực thẳm chỉ có đá nhấp nhô, không phải nước biển. Cái chết là chắc chắn. Thảm họa xảy ra vào mùa thu năm 2017 tại miền đông bắc nước Nga.

Vì sao hải mã lao xuống vực ? Phải chăng vì tuyệt vọng chúng quyết định « tự sát » ? Đa số các nhà khoa học bác bỏ cách giải thích gán cho hải mã ý thức con người. Một số người coi tai nạn xảy ra, trên đường hải mã tìm cách trở về biển.

Có điều chắc chắn là việc hải mã phải mò lên đất cao, chen chúc nhau để kiếm ăn hay tìm chỗ ở, hoàn toàn không phải là điều bình thường, bởi đây cũng là nơi mà nguồn thực phẩm quen thuộc của chúng không hề dồi dào, chưa kể loài gấu trắng Bắc cực đe dọa ăn thịt. Lý do buộc hải mã phải tạm cư trên đất liền ắt hẳn do môi trường sống bị suy thoái, biển bị hâm nóng.

Rất biết bảo vệ vốn riêng, nhưng sẵn sàng ăn lạm vốn Thiên nhiên

Điều gần như là nghịch lý đang xảy ra : vào lúc đông đảo cư dân trên hành tinh, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tiềm lực kinh tế dồi dào, bắt đầu có cơ hội nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu, muôn màu muôn vẻ của Thiên nhiên, của sinh giới, thì cũng là lúc cái vũ trụ đó đang biến đổi chóng mặt, do tác động của con người. Sinh giới và sự tồn vong của chính nền văn minh nhân loại bị đe dọa. Thông điệp là hết sức rõ.

Trong một cuộc họp với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới hôm 11/04/2019 tại Washington, Sir David Attenborough, người dẫn dắt bộ phim, đã lên án lối xử sự hết sức phi lý của các nhà kinh tế, tài chính hiện nay. Ông coi đó là thủ phạm chính của thảm họa khó vãn hồi gần kề :

« Các hệ thống tài chính có rất nhiều điểm chung với các hệ sinh thái tự nhiên. Đó là cả hai đều mang tính kinh tế, đòi hỏi phải chi tiêu thận trọng », « khi đầu tư (…), rõ ràng là rất tốt khi quý vị thu được lời lãi. Nhưng quý vị cũng không ngu dại đến mức tiêu lạm vào cái vốn của mình. Tuy nhiên, ăn lạm vào vốn lại chính là điều mà chúng ta thường xuyên đối xử với Thiên nhiên, từ lâu nay ».

Nhà môi trường David Attenborough (P) và tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới Christine Lagarde, Washington, 11/04/2019.
Nhà môi trường David Attenborough (P) và tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới Christine Lagarde, Washington, 11/04/2019. REUTERS/James Lawler Duggangs

Theo David Attenborough, cũng như nhiều chuyên gia, nhân loại chỉ còn 10 năm trước mắt để hành động (5). Tất nhiên là trách nhiệm không chỉ thuộc về giới kinh tế, tài chính.

Ghi chú

1. « Bầu cử Ấn Độ : An ninh, lá chủ bài giúp thủ tướng Modi tái đắc cử »,  ngày 04/11/2019.

2. « Modi cầm quyền năm thứ hai : Xã hội phân hoá, bạo lực gia tăng », ngày 10/11/2015.

3. Tuy nhiên, thủ tướng Modi cũng là một chính trị gia khôn khéo. Năm 2017, luật sư Ram Nath Kovind, xuất thân từ tầng lớp Dalit, nhưng là một người dân tộc chủ nghĩa và trung thành với Modi, đã được thủ tướng tiến cử làm tổng thống, một chức vụ chủ yếu mang tính lễ nghi. Xem « L'Inde élit un président intouchable et hindouiste », RFI, ngày 20/07/2017.

4. « Mêkông : Ủy Hội MRC dần thừa nhận hậu quả đáng sợ của thủy điện? », RFI, ngày 30/03/2018.

5. « Khi xã hội Mỹ đầu thế kỷ XX thay đổi mạnh mẽ chỉ vì một chiếc máy ! », RFI, ngày 10/04/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.