Vào nội dung chính
ANH - CHÂU ÂU - BREXIT

Liên Âu đồng ý lùi ngày Brexit đến 31 tháng 10

Sau một cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ trong đêm 10/04/2019, lãnh đạo 27 nước trong Liên Âu đã chấp thuận gia hạn thêm 6 tháng cho Anh Quốc để hoàn tất thủ tục ly dị. Hạn chót về Brexit được ấn định vào ngày 31/10/2019.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) và thủ tướng Anh Theresa May, tại thượng đỉnh Bruxelles, Bỉ, ngày 10/04/2019
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) và thủ tướng Anh Theresa May, tại thượng đỉnh Bruxelles, Bỉ, ngày 10/04/2019 Olivier Hoslet/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Như vậy là Anh Quốc không ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 12/04/2019 như dự kiến. Châu Âu ra hạn đến cuối tháng 10 với một số điều kiện.

Thứ nhất, từ nay đến 31/10/2019, Luân Đôn có thể tiến hành thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngay sau khi Nghị Viện Anh thông qua thỏa thuận về Brexit của thủ tướng May.

Thứ hai, châu Âu sẽ bầu lại Nghị Viện vào cuối tháng 5/2019 và nghị viện mới chính thức hoạt động kể từ ngày 01/11/2019. Trong thời gian này, Luân Đôn ở thế "chân trong, chân ngoài", không được quyền can thiệp hay gây trở ngại cho guồng máy vận hành của châu Âu.

Thông tín viên Muriel Delcroix từ Luân Đôn ghi nhận báo chí Anh không mấy mặn mà đón nhận tin hoãn ngày Brexit đến cuối tháng 10 và chế nhạo đây là một « Halloween Brexit » :

« Sau nhiều vòng đàm phán kéo dài, châu Âu bị chia rẽ giữa hai giải pháp : hoặc là hoãn ngày Brexit đến 30/06 như thủ tướng Theresa May yêu cầu, hoặc là để cho Anh Quốc có thêm một năm để hoàn tất thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Cuối cùng các bên đã xẻ quả bí đỏ ra làm đôi và chọn ngày 31 tháng 10, đúng vào ngày lễ Halloween.

Dù vậy, vẫn tồn tại khả năng Luân Đôn ra đi mà không đạt được thỏa thuận với châu Âu ngay cả khi đã dời ngày Brexit đến cuối tháng 10. Cho nên sáng nay báo chí Anh đặt câu hỏi : việc triển hạn thêm 6 tháng này là một món quà hay là cái bẫy ?

Đành rằng quyết định dời ngày Brexit giảm bớt áp lực đối với nữ thủ tướng Anh và cho phép Nghị Viện bình tĩnh tìm ra một thỏa hiệp, để nếu có thể, thông qua thỏa thuận Brexit trước ngày 23 tháng 5. Giải pháp này tránh cho nước Anh phải tổ chức bầu cử châu Âu. Đây là một kịch bản mà không ai mong muốn.

Ngoài ra ngay từ hôm nay, bà May phải nối lại và tăng tốc đàm phán với phe đối lập để tìm được đồng thuận về Brexit. Nhưng đồng thời thủ tướng Anh cũng đang bị nội bộ đảng Bảo Thủ, và nhất là thành phần đòi tách rời khỏi Liên Âu, mạnh mẽ công kích. Số này muốn bà từ chức càng sớm càng tốt. Đối với họ, sáu tháng tới đây là cơ hội để tổ chức bầu lên một lãnh đạo mới.

Không chỉ có phe ủng hộ Brexit đang tung ra nhiều thủ đoạn. Ngay cả bên đòi ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu cũng trông thấy thời hạn sáu tháng tới đây là cơ hội để đòi nước Anh tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì, hoặc là dẹp bỏ hẳn Brexit ».

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích về lý do 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định triển hạn cho nước Anh chỉ đến ngày 31/10/2019, mà không phải là dài hơn:

«Đừng bỏ lỡ thời hạn mới này! Ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, cảnh báo nước Anh. Trên thực tế, việc triển hạn đến ngày 31/10 chỉ có mục tiêu cho phép thủ tướng Theresa May có được sự phê chuẩn của Nghị Viện Anh đối với thỏa thuận chia tay với Liên Âu. Phải sau 5 giờ thương thuyết, các nước châu Âu mới đạt được đồng thuận về thời hạn mới này, mà tổng thống Pháp khẳng định là một thỏa hiệp.

Đây là một thỏa hiệp trước hết là giữa lập trường của Pháp, của Áo và một số nước chỉ muốn một thời hạn ngắn để duy trì áp lực liên tục lên nước Anh và bên kia là lập trường của nhóm các nước không tin là Nghị Viện Anh sẽ nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận.

Ngày 31 tháng 10 sở dĩ được chọn là vì ngay ngày hôm sau, tân Ủy Ban Châu Âu sẽ đi vào hoạt động. Nhóm 27 nước muốn chọn một ngày như vậy để tránh khả năng Luân Đôn gây trở ngại cho các hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu, cho dù toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ của Anh với tư cách một thành viên Liên Âu vẫn được bảo đảm.

27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng yêu cầu là, bất luận thế nào, thỏa thuận Brexit sẽ không thể thương thuyết lại. Một điều kiện khác cũng được đặt ra là, Anh vẫn phải tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào cuối tháng 5 tới. Trong trường hợp Luân Đôn không tiến hành, Brexit sẽ ngay lập tức có hiệu lực kể từ ngày mùng 1 tháng 6».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.