Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Algeri : Dân đòi đổi mới, nhà nước muốn như cũ

Đăng ngày:

Sau 20 năm cầm quyền, tổng thống Bouteflika từ chức dưới sức ép của đường phố. Theo Hiến Pháp, chủ tịch Thượng Viện tạm thời làm quyền tổng thống trong 90 ngày để bầu người mới. Nhưng giới trẻ Algeri, giàu hay nghèo, học thức hay bình dân, có việc làm hay thất nghiệp, cả một thế hệ muốn viết trang sử mới đã trỗi dậy. Algeri sẽ đi về đâu ?

Người dân biểu tình ở Alger ngày 05/04/2019 đòi thay đổi thể chế chính trị tại Algeri.
Người dân biểu tình ở Alger ngày 05/04/2019 đòi thay đổi thể chế chính trị tại Algeri. REUTERS/Ramzi Boudina
Quảng cáo

Ngày 04/07/2019, Algeri bầu lại tổng thống. Quyền tổng thống lâm thời Abdelkader Bensalah cam kết tôn trọng quyền tự do chọn lựa lãnh đạo của người dân và bầu cử sẽ được tổ chức minh bạch.

Thế nhưng bầu cử minh bạch chỉ là một trong những yêu sách của phong trào phản kháng, mà nòng cốt là giới trẻ Algeri. Khát vọng của họ là thành lập chế độ mới, nền đệ nhị cộng hòa, không có những khuôn mặt của chế độ cũ. Trong khi đó, giới lãnh đạo hiện tại, chính xác là quyền tổng thống lâm thời Abdelkader Bensalah và tướng tổng tham mưu trưởng Gaid Salah bị nghi ngờ âm mưu kéo dài nguyên trạng « chế độ Bouteflika không Bouteflika ».

Hư thực ra sao ? Giáo sư Mouloud Boumghar, Đại học Luật khoa Picardie (Amiens) lần lượt « giải mã » các yếu tố nhân quả trong chương trình Décryptage của RFI tiếng Pháp.

Chính quyền gieo gió

Trước hết, theo vị giáo sư gốc Algeri này, người dân Algeri « không hề ngủ quên » như đa phần công luận quốc tế lầm tưởng khi nói đến phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng thái độ « khinh thị » quá trớn của chế độ là động lực làm cho người dân nổi dậy :

GS Mouloud Boumghar : Cá nhân tôi và dĩ nhiên truyền thông đã tường thuật rất nhiều những dấu hiệu báo trước. Một trong những điềm, những tín hiệu đó là người dân bị sỉ nhục. Nhiệm kỳ thứ tư của Abdeleziz Bouteflika là một nhiệm kỳ quá mức dư thừa. Suốt nhiệm kỳ, không ai thấy tổng thống đâu hết.

Tổng thống vắng mặt suốt cả nhiệm kỳ và tất cả mọi người, từ người có theo dõi thời cuộc cho đến thằng bé học sinh tiểu học đều biết Bouteflika tự bản thân không thể điều hành việc nước, tình trạng sức khỏe suy sụp không cho phép ông ta có đủ minh mẫn để lãnh đạo. Thế mà còn muốn ra thêm một nhiệm kỳ nữa. Thông báo ra thêm nhiệm kỳ thứ năm làm cho dân chúng Algeri cảm thấy đau đớn gấp hai lần, vì bị sỉ nhục hai lần. Chính vì thế mà họ bật dậy.

Ngày 02/04, sau một loạt động tác đối phó tình thế không hiệu quả, dân chúng tiếp tục xuống đường mỗi thứ Sáu gây áp lực, tổng thống Bouteflika nhượng bộ, thông báo từ chức. Dân chúng tràn ra đường biểu lộ niềm vui. Một phụ nữ giải thích : « Từ năm 1962 cho đến hôm nay là 56 năm thống khổ, chúng tôi không có quyền ăn nói, không có quyền đòi hỏi, không có quyền chọn lựa chính trị. Đối với chúng tôi, hôm nay là cuộc cách mạng độc lập lần thứ hai. Chúng tôi có quyền ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ».

Nhân quả và thí chốt

Theo phân tích của Mouloud Boumghar, giới trẻ Algeri, thành phần nòng cốt trong phong trào xuống đường, từ lúc chào đời chỉ biết có Bouteflika và phe đảng của ông. Nhưng « biết » là một động từ quá lớn, bởi vì từ sáu năm nay, có ai thấy tổng thống xuất hiện bao giờ, nếu có, qua những cơ hội hiếm hoi thì đó là một ông cụ ngồi xe lăn, bệnh hoạn. Trong suốt 20 năm qua, dường như người ta quên hẳn là có một tổng thống. Sự kiện ngày 09/02, lãnh đạo đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc thông báo Bouteflika tranh nhiệm kỳ thứ năm là giọt nước đã làm tràn ly :

GS Mouloud Boumghar : Bouteflika lên nắm quyền vào năm 1999 trong những điều kiện mờ ám. Tất cả các ứng cử viên khác đều rút lui vì thấy rõ ông ta là người của quân đội và bầu cử sẽ gian lận. Chế độ dựa trên mua chuộc bè đảng kéo dài được 20 năm nhờ vào nguồn dầu hỏa, nhưng bây giờ nguồn lợi này giảm dần. Khế ước xã hội độc đoán nay đã tan rã, chờ xem diễn biến ra sao trong những tuần lễ tới.

Nhưng chính quyền Bouteflika là một chính quyền không có tính chính đáng, theo nghĩa không xuất phát từ lá phiếu của người dân mà qua bầu cử gian lận và bám trụ bằng sức mạnh áp đặt. Để che lấp tính chất bất hợp pháp này, chế độ Bouteflika sử dụng hai chiến thuật : thứ nhất là mời một nhân vật có uy tín từng tham gia kháng chiến chống Pháp tham gia chính phủ, và thứ hai là dùng tài nguyên dầu khí mua chuộc sự trung thành.

Thế nhưng « khế ước xã hội » này cáo chung bởi vì những người kháng chiến cũ không lột da sống đời, vây cánh của tổng thống thuộc thế hệ khác, và Nhà nước ngày càng ít tiền. Điều này giải thích phần nào lý do chế độ phải « chạy đua với thời gian ». Nếu không thì tại sao Bouteflika sức khỏe suy sụp như thế mà đòi thêm nhiệm kỳ thứ năm ?

Đó là chưa kể yếu tố não trạng của những người cầm quyền. Họ tự xem là chủ nhân của đất nước, còn người dân là những phần tử bất hợp pháp.

Công luận bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy người biểu tình gọi nhau xuống đường « một cách văn minh ». Nếu nói rằng người Algeri hôm nay « văn minh » thì hóa ra trước đây người Algeri « man rợ » hay sao ? Vấn đề là chính thủ tướng Ahmed Oyahia ( 04/2017 đến 03/2019) đã nói như thế để biện minh cho thái độ án binh bất động trước đòi hỏi của người dân. Thái độ khinh thị này rất quan trọng vì đã khiến người dân xuống đường đông đảo không ngờ. Một bất ngờ tuyệt diệu.

Câu hỏi giờ đây là sẽ có những biến chuyển mới ra sao… bởi vì cho đến hôm nay mới ở giai đoạn « cách mạng cung đình ». Chế độ không thay đổi gì cả, chỉ mới có một con chốt bị thí.

Chế độ Bouteflika không Bouteflika

Quyền tổng thống Abdelkader Bensalah, 77 tuổi, là người thân thiết của tổng thống từ nhiệm Bouteflika. Thế mà, phong trào tranh đấu đòi phải đổi mới toàn diện, từ nhân sự cho đến chế độ. Công luận Algeri linh cảm những người trong chế độ Bouteflika tìm cách bám trụ. Hư thực ra sao ?

GS Mouloud Boumghar : Theo dự trù của Hiến Pháp với điều 102 mà người ta nói đến nhiều từ nhiều ngày nay, đến mức mà ai trong chúng ta cũng đều rành rọt… Thật ra điều 102 dự kiến trường hợp tổng thống thiếu sức khỏe lãnh đạo, còn bây giờ thì ông ấy từ chức. Nếu Hiến Pháp được tôn trọng, thì trong trường hợp này, một giai đoạn, không phải là « chuyển tiếp » mà là « giai đoạn lâm thời » ở thượng tầng lãnh đạo, tức là chức vụ tổng thống lâm thời do chủ tịch Thượng Viện tạm thay thế.

Nhân vật này là Abdelkader Bensalah, một người trung thành với Bouteflika. Người ta thay thế tổng thống bằng một người trung thành. Như thế là đúng theo chủ trương của tổng thống Bouteflika trước khi buộc phải từ chức : kéo dài nhiệm kỳ bốn mà không cần bầu cử. Họ kéo dài chế độ Bouteflika không Bouteflika thêm ba tháng nữa.

Thực ra, theo Hiến Pháp Algeri, quyền tổng thống chỉ có nhiệm vụ « tổ chức bầu cử » và như thế không có quyền ứng cử tổng thống. Abdelkader Bensalah cũng xác nhận như vậy và cam kết sẽ chu toàn trách nhiệm tổ chức bầu cử minh bạch.Thế nhưng, dân chúng Algeri cũng như đối lập không tin tưởng chính quyền có thiện chí.

Được RFI đặt câu hỏi, từ Alger, ông Bouaiche Chafaa, dân biểu đảng xã hội FFS (Mặt trận các lực lượng xã hội, đệ nhị quốc tế), nhận định : Không thể có bầu cử tự do với chế độ hiện hành, với vũ khí gian lận bầu cử, với guồng máy kềm kẹp, ngăn chận tự do ngôn luận. Không có tự do ngôn luận thì không thể tổ chức bầu cử công bằng trong ba tháng nữa. Có bầu thì kết quả cũng như thế, bởi vì Bouteflika đắc cử năm 1999 do có quân đội sau lưng. Để có bầu cử đúng nghĩa, người dân Algeri đòi hỏi một giai đoạn chuyển tiếp, và giai đoạn này phải do những nhân vật, những tổ chức độc lập điều hành chứ không phải bị áp đặt như mấy chục năm qua.

Câu hỏi then chốt ở đây là những người nắm vận mệnh Algeri, trước phong trào đòi dân chủ, mưu tính gì ? Liệu có nên lo ngại chính quyền Algeri, sau hai tháng nhượng bộ sẽ sử dụng biện pháp đàn áp ? Các tờ báo phản ánh quan điểm chính thức đều cho rằng « tiến trình chuyển tiếp theo quy định của Hiến Pháp » sẽ được tôn trọng. Nói cách khác, những lo ngại « gian lận » là có cơ sở.

GS Mouloud Boumghar : Đúng như thế. Đó là mục đích của những thủ đoạn chính trị hiện nay : không đổi bản chất các định chế mà chỉ đổi nước sơn. Trong khi đó thì không một định chế nào hoạt động.

Thứ nhất, lẽ ra chính quyền phải tạo điều kiện cho một cuộc bầu cử tự do. Thứ hai là phải từ bỏ quan điểm bầu cử theo cơ chế « ân huệ ». Thứ ba là không được lợi dụng ba tháng tổng thống lâm thời để tái tạo một chế độ Bouteflika, thay thế một nhân vật của chế độ bằng một nhân vật cũng của chế độ. Những chuyên gia bầu cử gian lận vẫn ngồi đó.

Điều kiện để có một sự đổi mới đúng nghĩa là tương quan lực lượng phải được lật ngược và như thế cần thời gian. Khi bầu cử diễn ra, những chức vụ quan trọng không thể do các chuyên gia gian lận nắm giữ. Cũng cần phải bứng rễ toàn bộ chế độ trước khi đi đến bầu cử, nếu không, kết quả sẽ vẫn như cũ.

Về phần vai trò quân đội ?

Công luận Algeri chán chường 56 năm chế độ « xuất thân là cách mạng » đòi thành lập đệ nhị cộng hòa, tức là dẹp bỏ chế độ hiện nay và những người liên hệ. Liệu tướng Gaid Salah, tổng tham mưu trưởng quân đội sẽ ngả theo ngọn gió mới ? Nhà báo Algeri Besma Lahouri cho là cần phải phân biệt giới tướng lãnh tham ô với giới sĩ quan, binh sĩ trẻ . Thành phần thứ hai này được dân tin tưởng và yêu mến.

Trái lại, theo giáo sư Mouloud Boumghar, không nên lý tưởng hóa định chế này. Quân đội là một thông số bất định cũng như tương lai bất trắc của Algeri. Cho đến nay quân đội chưa nổ súng bởi hai lý do : thứ nhất vì phong trào xuống đường đông quá, có ngày lên đến hơn 10 triệu người. Thứ hai là không có lệnh đàn áp. Nhưng không có gì bảo đảm là tình trạng ôn hòa hiện nay tiếp tục.

GS Mouloud Boumghar : Ai đã hủy bỏ bầu cử tổng thống dự trù vào ngày 18 tháng Tư ? Chính Bouteflika. Ai được tổng thống Bouteflika tiếp gặp trước khi thông báo quyết định đó ? Chính là tổng tham mưu trưởng quân đội Gaid Salah.

Quân đội, hay đúng hơn là hội đồng tướng lãnh, là Gaid Salah, là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng đình đốn chính trị hiện nay : hủy bầu cử bất chấp Hiến Pháp. Họ vượt ra khỏi khuôn khổ Hiến Pháp không phải vì mục tiêu đáp ứng khát vọng đổi mới của người dân.

Tại sao không áp dụng điều 102 ngay từ nhiều năm trước ? Tại sao một sớm một chiều quân đội quyết định sử dụng điều 102 ? Bởi vì chiến thuật 11 tháng 03, Bouteflika hủy bầu cử và tiếp tục làm tổng thống, với một chính quyền đại đoàn kết dân tộc, bị thất bại. Họ không lập được chính phủ đại đoàn kết. Thế là thủ đoạn thất bại. Vì cùng âm mưu và cùng thất bại nên Hội Đồng Tướng Lãnh đổ tội cho Bouteflika, biến dân chúng thành con tin trong cuộc xung đột giữa phe quân đội và phe tổng thống.

Áp lực đường phố tiếp diễn

Thông cáo của bộ Quốc Phòng đầu tháng Tư xác định « quân đội là xương sống của Nhà nước ». Điều đó có nghĩa là ngoài các tướng lãnh chỉ huy quân đội, Nhà nước Algeri không còn gì khác, kể cả nhân dân.

Giờ đây, Hội Đồng Tướng Lãnh dùng quân đội để duy trì trật tự nhưng không phải để bảo vệ Hiến Pháp, mà chỉ để bảo vệ chế độ trước sức ép của dân. Đây chính là cơ nguy cho tất cả mọi người, từ dân cho đến chế độ.

Algeri đã trải qua 40 năm để từ chế độ độc tài cộng sản qua chế độ dân chủ hình thức Bouteflika. Những người thuộc chế độ Bouteflika nắm quyền được 20 năm không có lý do gì họ chấp nhận ra đi. Do vậy, rất nhiều khả năng áp lực đường phố còn tiếp tục, theo kết luận của giáo sư đại học Amiens.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.