Vào nội dung chính
LIBYA - CHIẾN TRANH

Libya : Các thế lực nước ngoài nào đằng sau trận chiến Tripoli ?

Chiến dịch tấn công thủ đô Libya của tướng Khalifa Haftar (1), thủ lĩnh quân sự hùng mạnh miền đông Libya, khởi sự ngày 04/04/2019, gây chấn động. Mọi nỗ lực quốc tế từ nhiều năm nay tìm kiếm hòa giải giữa phe miền đông và chính phủ Tripoli ở miền tây, được cộng đồng quốc tế công nhận, có nguy cơ tan thành mây khói. Câu hỏi nhiều người đặt ra là cuộc chiến này sẽ đi đến đâu ?

Libya, một quốc gia chiến lược ở khu vực Bắc Phi (mầu vàng cam trong bản đồ)
Libya, một quốc gia chiến lược ở khu vực Bắc Phi (mầu vàng cam trong bản đồ) Ảnh: Wikipedia
Quảng cáo

Để trả lời cho câu hỏi này cần hiểu rõ các thế lực nước ngoài nào đằng sau trận chiến Tripoli. RFI xin giới thiệu phần tổng hợp nhận định của một số nhà quan sát.

1. Các lực lượng nào đối đầu trực tiếp trên thực địa ?

Kể từ năm 2014, nước Libya hậu Kadhafi chia thành hai khu vực chính. Miền tây (Cyrenaica) nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ đoàn kết quốc gia (GNA) đứng đầu là thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli. Miền đông (Tripolitania) nằm dưới sự kiểm soát của thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên Quân Đội Quốc Gia Libya (ANL).

Liên minh với Chính phủ đoàn kết quốc gia, có nhiều lực lượng vũ trang khác nhau, trong đó có các đơn vị dân quân địa phương Hồi Giáo Salafiste, một số nhóm vũ trang ở Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya… Lực lượng của tướng Haftar kiểm soát phần lớn miền đông, nhưng cũng hiện diện ở miền trung và miền nam, được sự hậu thuẫn của nhiều bộ tộc. Cũng giống như các lực lượng vũ trang miền tây, « Quân đội » miền đông cũng bao gồm nhiều cựu sĩ quan chế độ cũ, và kể cả các tín đồ Hồi Giáo Salafiste.

Binh sĩ của tướng Haftar, tại Benghazi (miền đông), trên đường tăng viện cho chiến dịch tấn công Tripoli, ngày 7/4/2019.
Binh sĩ của tướng Haftar, tại Benghazi (miền đông), trên đường tăng viện cho chiến dịch tấn công Tripoli, ngày 7/4/2019. REUTERS/Esam Omran Al-Fetori

Kể từ đầu tháng 2/2019, tướng Haftar khởi sự chiến dịch chiếm lĩnh vùng tây nam (Fezzan), khu vực giáp giới với Tchad và Algeri, một vùng dầu mỏ quan trọng của Libya, nhưng cũng là nơi tình hình được coi là bất ổn định. Lý do chính thức mà tướng Haftar đưa ra là nhằm loại trừ « các nhóm khủng bố và tội phạm ». Vùng tây nam Libya là địa bàn cư trú của nhiều bộ tộc không trung thành với chính quyền Tripoli.

Sau khi kiểm soát được một phần khu vực tây nam, quân đội của tướng Haftar chuyển qua phía bắc, nhắm vào thủ đô Tripoli. Chiến dịch này đã gặp phải sự kháng cự mạnh của nhiều lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết quốc gia GNA. Ngày 7/4, GNA tuyên bố khởi sự chiến dịch « Núi lửa nổi giận », có mục tiêu giải phóng toàn bộ các thành phố Libya khỏi các lực lượng « bất hợp pháp » của tướng Haftar.

2. Những thế lực nước ngoài nào đằng sau các lực lượng tham chiến ?

Trước hết phải khẳng định là rất khó đưa ra một tổng hợp đầy đủ về các thế lực nước ngoài đằng sau các lực lượng tham chiến, bởi có nhiều nhóm tham chiến, và nhiều thế lực bên ngoài, với sự ủng hộ khi thì công khai, khi thì ngấm ngầm. Điểm đáng chú ý thứ hai : Đây không phải là một cuộc chiến phân rõ thành hai phe, một số thế lực hoàn toàn ủng hộ bên này để chống lại bên kia, được một số thế lực khác hậu thuẫn.

Pháp hay Nga dành sự ủng hộ cho cả hai bên, với các mức độ khác nhau, trong lúc một số quốc gia Trung Cận Đông, như Qatar hay Ả Rập Xê Út đứng về một trong hai phe.

Cụ thể là, chiến dịch đánh xuống miền tây nam của tướng Haftar, là bàn đạp cho cuộc tấn công về Tripoli sau đó, đã được sự ủng hộ, hoặc công khai, hoặc ngầm ẩn, của Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Pháp, nhưng Nga và Ý cũng ủng hộ chiến dịch này. Mục tiêu của nhiều quốc gia là không để cho miền tây nam Libya trở thành thánh địa của các lực lượng khủng bố (2). Chính phủ Pháp ủng hộ với một trong các lý do chính là chiến dịch cho phép đẩy lùi các nhóm đối lập vũ trang Tchad. Cộng Hòa Tchad là quốc gia đồng minh số một của Paris trong các hoạt động bảo đảm an ninh tại vùng Sahel, phía nam sa mạc Sahara, chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo, trong đó có nhiều nhóm Salafiste.

Libya : Vùng đất do các bên kiểm soát đầu tháng 4/2019. Màu xanh thuộc Chính phủ đoàn kết quốc gia, màu hồng thuộc quân của tướng Haftar. Hai mầu nâu và hồng đậm phía nam thuộc hai sắc tộc Touareg và Toubou.
Libya : Vùng đất do các bên kiểm soát đầu tháng 4/2019. Màu xanh thuộc Chính phủ đoàn kết quốc gia, màu hồng thuộc quân của tướng Haftar. Hai mầu nâu và hồng đậm phía nam thuộc hai sắc tộc Touareg và Toubou. Copy d'écran Sudouest.france

Về phần mình, Nga coi thủ lĩnh quân sự Haftar là một đồng minh tự nhiên, cho dù không ủng hộ một cách chính thức. Matxcơva vốn tìm kiếm một chân đứng tại Libya, sau khi bị đánh bật khỏi quốc gia này, vào lúc chế độ độc tài Kadhafi sụp đổ. Mà, tướng Haftar lại là người nói tiếng Nga, và có nhiều điểm gần gũi với chính quyền Nga « về mặt ý thức hệ » (3). Theo báo chí Anh, nhiều lính đánh thuê Nga thuộc tổ chức tư nhân Wagner đã được cử đến Libya. Nhóm này cũng cung cấp cho lực lượng của tướng Haftar nhiều trọng pháo, thiết giáp, máy bay không người lái, đạn dược. Matxcơva chưa bao giờ chính thức thừa nhận điều này.

Cũng như Pháp và nhiều quốc gia khác, Matxcơva tìm cách duy trì quan hệ với chính quyền Tripoli, chính phủ duy nhất được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, quan hệ với Tripoli của Nga chỉ là vỏ bọc, tướng Haftar mới là đối tác chính của Nga tại Libya. Đầu tuần này, Nga ngăn chặn một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, do nhiều nước phương Tây chủ trì, yêu cầu tướng Haftar ngừng chiến dịch đánh Tripoli.

3. Liệu có phải chính trận chiến Tripoli cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các thế lực, ủng hộ và chống tướng Haftar ?

Về trận chiến Tripoli, sự phân hóa giữa các thế lực nước ngoài dường như đang trở nên rõ nét hơn. Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ chính quyền Tripoli. Vùng Tripolitania (tức miền tây Libya) vốn là khu vực trung tâm của xứ Libya, thuộc địa của Ý trước Thế chiến Hai. Nước Ý hiện nay có nhiều quan hệ làm ăn với chính quyền Tripoli trong lĩnh vực dầu khí, hay trong việc khống chế luồng dân tị nạn châu Phi vượt biển sang nước Ý qua ngả Libya. Ngày 09/04, trong lúc Washington vừa tuyên bố rút quân khỏi Libya, do tình hình diễn biến phức tạp, bộ Quốc Phòng Ý khẳng định Roma sẽ duy trì các đơn vị quân đội tại Tripoli và Misrata, nhằm hỗ trợ chính quyền Libya về an ninh. Ý là quốc gia phương Tây duy nhất mở lại sứ quán tại Tripoli, sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ.

Còn động lực chính của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, khi đứng về phía Tripoli, là để chống lại các ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út và Ai Cập tại miền Đông Libya. Bộ ba Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hậu thuẫn tướng Haftar, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (một phong trào Hồi Giáo chính trị hệ phái Sunni có ảnh hưởng rộng lớn được Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar ủng hộ) và các phong trào Hồi Giáo bị coi là cực đoan nói chung.

Theo nhiều nhà quan sát, rất có thể tại Libya sẽ tái diễn dưới một hình thức khác cuộc chiến tàn khốc tại Yemen giữa Ả Rập Xê Út và các đồng minh với phe Iran, trong đó các lực lượng tại chỗ chỉ là những con tốt trong cuộc cờ (4).

Nhà báo Frédéric Bobin, trong một bài nhận định trên Le Monde (5), cho biết, theo một nguồn tin phương Tây, cuộc gặp gỡ của tướng Haftar với quốc vương Ả Rập Xê Út Salman hồi cuối tháng 3, có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định tấn công Tripoli. Theo nguồn tin này, « không có sự bảo đảm » của Riyad, tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy.

4. Phải chăng trận chiến Tripoli là thời điểm quyết định buộc các thế lực quốc tế phải chọn bên ?

Hiện còn sớm để khẳng định điều này. Tuy nhiên, một kết luận chung mà nhiều nhà quan sát rút ra là nỗ lực ngoại giao của các chính trị gia châu Âu, đặt niềm tin vào tướng Haftar đã không mang lại kết quả. Viên tướng – từng là người hùng trong cuộc chiến đẩy lùi các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) tại Libya trong những năm 2016-2017 – đang trở trên đường trở thành một nhà độc tài mới, với tham vọng chinh phục toàn bộ lãnh thổ Libya bằng vũ lực.

Vẫn theo nhà báo Frédéric Bobin (6), thủ lĩnh quân sự Haftar trên thực tế chưa bao giờ thực sự dấn thân vào các thương thuyết chính trị, nhằm tìm kiếm lối thoát hòa bình cho khủng hoảng Libya, như hy vọng của cộng đồng quốc tế. Bành trướng thế lực không ngừng tại Libya với mục tiêu danh nghĩa là tiêu diệt Hồi Giáo cực đoan, tướng Haftar ngày càng thể hiện rõ quan hệ gần gũi với các mạng lưới Hồi Giáo Salafiste thuộc giáo phái Madkhali. Thủ lĩnh của giáo phái này, nhà thần học Ả Rập Xê Út, ông Rabia ben Hadi al-Madkhali, chủ trương thực thi triệt để luật Charia của đạo Hồi và đòi hỏi người dân phải trung thành với các thế lực cầm quyền.

Ghi chú

1. Tướng Haftar, sinh năm 1943, từng tham gia đảo chính lật đổ vua Libya năm 1969. Ông phục vụ trong quân đội Kadhafi. Bị bắt tại Tchad trong một chiến dịch quân sự. Được trả tự do, khi đầu quân vào lực lượng chống Kadhafi, do Mỹ chủ trương. Sống lưu vong tại Mỹ từ 1990. Năm 2011, Haftar trở về nước tham gia nổi dậy chống Kadhafi. Tướng Haftar từng được phong « tổng tham mưu trưởng » quân nổi dậy, nhưng bị phe Hồi Giáo - chiếm đa số trong lực lượng nổi dậy - lên án là « người của Mỹ ». Quay lại Hoa Kỳ cuối 2011. Năm 2014, trở về Libya vào lúc 71 tuổi. Năm 2016, lão tướng Haftar quyết định lập một lực lượng quân sự (ANL). Được Quốc Hội Tobrouk (miền đông) công nhận là tư lệnh. Đầu năm 2018, theo báo chí Libya, Haftar phải nằm viện nhiều tuần tại Paris, do tai biến não hoặc biến chứng tim mạch (Theo « Libya : Năm điều cần biết về thống chế Haftar », Le Figaro, ngày 09/04/2019).

2. Trong chuyến công du Tripoli hồi tháng 3, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định là « có nhiều tiến bộ đáng kể tại miền nam, đang phải đối mặt với các nhóm khủng bố, các tổ chức tội phạm, và các băng nhóm vũ trang nước ngoài, từ lâu nay gây bất ổn định tại khu vực », bài « Libye : derrière la bataille de Tripoli, des influences étrangères ? », Le Point, 09/04/2019.

3. Theo nhà chính trị học Alexei Malachenko, Trung tâm phân tích về xung đột Trung Đông, có trụ sở tại Matxcơva, AFP, ngày 09/04/2019.

4. « Washington và Paris kêu gọi Riyad ngưng cuộc chiến ở Yemen », 01/11/2018.

5, 6. « En Libye, le pari perdu des diplomaties européennes sur le maréchal Khalifa Haftar », Le Monde, ngày 07/04/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.