Vào nội dung chính
CHÂU ÂU-MỸ

Tài trợ cho Airbus : Mỹ chuẩn bị trừng phạt châu Âu

Văn phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) ngày 08/04/2019 đã công bố danh sách các sản phẩm châu Âu có thể bị áp thuế. Đây là hành động trả đũa Liên Hiệp Châu Âu trợ giá cho tập đoàn chế tạo máy bay Airbus.

Cơ sở của tập đoàn hàng không châu Âu Airbus tại Broughton, Anh Quốc.
Cơ sở của tập đoàn hàng không châu Âu Airbus tại Broughton, Anh Quốc. REUTERS/Phil Noble
Quảng cáo

Trong danh sách đề nghị áp thuế, không chỉ có các sản phẩm như phi cơ thương mại cỡ lớn của châu Âu, trực thăng và các loại phụ tùng máy bay, mà còn có cả các mặt hàng như phô mai, sữa và rượu vang…

Cơ quan thương mại Hoa Kỳ ước tính thiệt hại mà các khoản trợ cấp Airbus gây ra cho Mỹ lên đến 11,2 tỷ đô la mỗi năm, do đó tổng trị giá hàng bị áp thuế quan cũng lên đến mức đó. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đe dọa là thuế quan trong diện này sẽ được duy trì cho đến khi mà châu Âu chấm dứt chế độ tài trợ.

Liên Hiệp Châu Âu đã lập tức phản pháo vào hôm nay, 09/04. Một quan chức Ủy Ban Châu Âu cho rằng các số liệu đã bị phía Mỹ "thổi phồng quá lố", và "chỉ dựa trên các ước tính nội bộ của Mỹ, không được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới công nhận".

Từ năm 2004 Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tố cáo lẫn nhau là đã tài trợ bất hợp pháp cho các tập đoàn chế tạo máy bay của mình, Boeing trong trường hợp của Mỹ, và Airbus trong trường hợp châu Âu. Hồ sơ kiện mà hai bên đã nộp lên đến hàng ngàn trang kết luận.

Mỹ chưa hài lòng về tiến trình đàm phán với Trung Quốc

Vừa đe dọa châu Âu, chính quyền Donald Trump vừa đe dọa Trung Quốc. Phát biểu ngày hôm qua, 08/04 bên lề một sự kiện do Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tổ chức, ông Clete Willems, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng phụ trách thương mại tuyên bố Washington "chưa hài lòng" về một số hồ sơ đang đàm phán với Bắc Kinh, khiến cho việc ký kết một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung bị ngăn chặn.

Ông Willems không xác định đâu là vấn đề gây trở ngại, cũng như không cho biết lịch trình thảo luận kế tiếp với Trung Quốc, chỉ khẳng định rằng phía Mỹ "không vội vàng" mà chỉ "muốn làm mọi thứ một cách đúng đắn".

Vào tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong khoảng bốn tuần.

Vòng đàm phán thương mại sau cùng giữa hai bên đã kết thúc vào cuối tuần trước tại Washington. Trong một bản thông cáo, bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết hai phái đoàn đã thảo luận về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, nạn chuyển giao công nghệ bắt buộc, tin tặc, hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các ngành nông nghiệp, dịch vụ và cơ chế thực thi thỏa thuận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.