Vào nội dung chính
LIBYA - NỘI CHIẾN

Libya : Đặt cược vào thống chế Khalifa Haftar, ngoại giao Châu Âu "bẽ mặt"

Bất chấp các lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về một cuộc « hưu chiến nhân đạo », đoàn quân của thống chế Khalifa Haftar, Lực lượng vũ trang Quốc gia Libya, vẫn tiến đánh về Tripoli, chống lại Chính phủ Hòa giải Quốc gia, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Một cái tát « điếng người » dành cho giới ngoại giao phương Tây, vốn đã đặt nhiều kỳ vọng vào tướng Haftar ?

Tổng thư ký LHQ António Guterres (T) và tướng Khalifa Haftar gặp nhau ở Benghazi, Libya, ngày 05/04/2019.
Tổng thư ký LHQ António Guterres (T) và tướng Khalifa Haftar gặp nhau ở Benghazi, Libya, ngày 05/04/2019. Media office of the Libyan Army/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Phải chăng các nước phương Tây, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Paris đã quá « ngây thơ » nghĩ rằng tuyên bố « giải phóng Tripoli » của thống chế Haftar chỉ đơn giản là lời lẽ khoác lác ? Châu Âu và Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp về tham vọng của ông Haftar ?

Kể từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ và bản thân nhà độc tài Kadhafi bị giết chết tháng 10/2011, đất nước Libya trở thành bãi chiến trường xâu xé giữa các phe phái Libya. Không kể sự hiện diện của binh sĩ nhiều cường quốc, như Mỹ, Pháp, Algeri, Ai Cập, có hai lực lượng vũ trang Libya chính, tranh giành quyền lực : một bên là quân đội quốc gia Libya, trực thuộc chính quyền trung ương, đóng tại thủ đô Tripoli và được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Bên kia là lực lượng của tướng Khalifa Haftar, sau tự xưng là thống chế, với thành trì là Benghazi, ở phía đông Libya và không được chính quyền ở Tripoli công nhận.

Giúp Kadhafi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1969, nhưng lại bị bắt làm tù binh ở Tchad năm 1987, trong cuộc chiến trên dải Aouzou, ông Haftar, sau khi đào thoát, đã trải qua nhiều năm long đong, phải đào tẩu sang Mỹ, rồi trở về Libya gây dựng lại thanh thế của mình trong làn sóng cách mạng.

Phương Tây nghĩ rằng việc đưa Haftar trở lại sẽ giúp cân bằng bàn cờ chính trị « mong manh » tại Libya, đồng thời có thể « thuần hóa » và « kềm hãm » tinh thần chủ nghĩa quân phiệt của vị thống chế bị nghi ngờ là có ý định khôi phục chế độ chuyên chế theo mô hình Ai Cập.

Qua tính toán này của phương Tây, đất nước Libya trên thực tế, đã bị chia cắt làm hai : Bên đông ủng hộ tướng Haftar và bên tây là theo lãnh đạo chính phủ lâm thời ông Sarraj. Cộng đồng quốc tế, nhất là Pháp, nỗ lực tìm cách hàn gắn hai nước Libya đối nghịch nhau nhằm hướng đến một cuộc bầu cử kép - Quốc hội và Tổng thống - nhưng bất thành.

Bởi vì, như nhận xét của ông Jahel Harchaoui, chuyên gia thuộc Viện Clingendael tại La Haye với Le Figaro, « Khalifa Haftar không phải là một con rối (…) Sự trợ giúp của nước ngoài được ông sử dụng theo ý muốn của mình ». Với chiến thuật vừa đánh vừa đàm, các lực lượng ủng hộ thống chế Haftar cứ tiến từng quân chốt, đi từ phía nam tiến dần về Tripoli.

Trong trước mắt, vấn đề thay thế chính quyền dân sự bằng một chế độ quân sự vẫn chưa rõ ràng. Tướng Haftar khẳng định với một nhà ngoại giao phương Tây rằng ông chỉ đặt quân đội dưới sự chỉ huy của một tổng thống « được bầu lên ». Trong hồ sơ này, phương Tây và thế giới Ả Rập dường như cũng đang bị chia rẽ. Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất gần như nghiêng hẳn về phía thống chế Haftar.

Tại Liên Hiệp Quốc, mặc dù Pháp, Ý, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Anh Quốc và Hoa Kỳ trong cuối tuần qua đã « bày tỏ quan ngại sâu sắc » trong một thông cáo, tuy nhiên, theo nhận xét của Jahel Harchaoui thì « Washington cũng muốn quy trách nhiệm cho Pháp và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất » trong vụ việc này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.