Vào nội dung chính
HUNGARY - CHÂU ÂU

Hungary : ''Con ngựa thành Troy'' cho Nga thâm nhập châu Âu ?

Sau nước Ý bị chỉ trích làm « ngựa thành Troy » cho Trung Quốc, phải chăng giờ đến lượt Hungary « tiếp tay » cho Nga thâm nhập Liên Hiệp Châu Âu ? Báo Le Monde ngày 05/04/2019 cho biết Bruxelles lo lắng trước việc « Viktor Orban trải thảm đỏ rước một ngân hàng Nga, thân cận với điện Kremlin ».

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (T) chụp ảnh chung với một số lãnh đạo châu Âu tại Bratislava, Slovakia, 7/2/2019
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (T) chụp ảnh chung với một số lãnh đạo châu Âu tại Bratislava, Slovakia, 7/2/2019 REUTERS/David W Cerny
Quảng cáo

Không phải vô cớ mà Liên Hiệp Châu Âu lo lắng. Bởi vì ngân hàng sắp đến đóng trụ sở tại Hungary chính là Ngân hàng Đầu tư Quốc tế IIB (International Investment Bank) của Nga, được thành lập vào năm 1970 nhằm củng cố trao đổi kinh tế giữa các nước cộng sản. Thế nhưng, điều đáng nói là « ngân hàng này hiện nay có 9 quốc gia thành viên, trong đó có 5 nước là thành viên của khối NATO : Bulgari, Cộng hòa Séc, Rumani, Slovakia và Hungary. Các nước này sở hữu đến hơn 50% số vốn so với 47% từ phía Nga ».

Thêm vào đó, các nhân viên của ngân hàng này còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, cho phép họ cũng như là các khách mời được quyền tự do đi lại trong không gian Schengen. Theo Le Monde, còn có ba nước khác đã tham gia vào IIB : Cuba, Mông Cổ và Việt Nam.

Điều làm cho EU lo sợ nhất là Nga có thể sử dụng IIB tại Hungary như là một công cụ để thu thập thông tin về các khoản tín dụng cho phát triển, các định hướng kinh tế của các nước thành viên và nhiều lĩnh vực khác, mà các nước này đang tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài, nhất là có liên quan đến hạ tầng cơ sở.

Lo lắng này của EU không phải là không có cơ sở, bởi vì theo ông Gabor Horvath, tổng biên tập tờ nhật báo Nepszava, người từng có một thời gian học cùng trường với ông Nikolai Kosov chủ tịch ngân hàng IIB, tại Matxcơva, thì vị chủ tịch này xuất thân từ « gia đình gián điệp nổi tiếng. Ông ngoại từng lãnh đạo một đơn vị quân đội thuộc bộ Quốc Phòng. Mẹ của ông từng tham gia vào nhóm chuyên trách đánh cắp các bí mật hạt nhân ở New York giúp Liên Xô trang bị bom nguyên tử. Cha của ông là đại diện chính thức cho KGB tại Budapest trong những năm 1970. »

Tại sao chính quyền Hungary trải thảm đỏ cho IIB mà trụ sở trước đây từng đóng tại Nga ? Cho đến lúc này, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Phải chăng đây là một hành động « trả đũa » gián tiếp EU ? Phát ngôn viên chính phủ Hung chỉ đề cập đến những động cơ thuần túy kinh tế : Khi ký kết một thỏa thuận hợp tác với Nga hôm 05/02/2019, Hungary chỉ tìm cách « củng cố vai trò trung tâm tài chính » và sửa chữa một sự bất công. Le Monde nhắc lại : Năm ngân hàng phát triển quốc tế trong Liên Hiệp Châu Âu tất cả đều đóng trụ sở ở phía Tây. Không một cơ sở nào hiện diện ở Đông và Trung Âu.

Thủ tướng Hung muốn gì khi có những chính sách ngày càng khiến phương Tây khó chịu : Liên tục đả kích Bruxelles, ngày càng tỏ thái độ thân Nga, trong khi mà Matxcơva bị cáo buộc là đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, tiến hành đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh Quốc và nhiều vụ tấn công tin học khác ?

Về điểm này, ông Peter Felcsuti, cựu chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Hungary có đưa ra đánh giá : « Ông Viktor Orban đương nhiên hy vọng có được vài thứ gì đó từ phía Kremlin trong trao đổi. Nhưng tôi chưa thấy những gì người Nga có thể trao tặng cho ông ấy, ngoại trừ việc bảo đảm cung cấp nguồn khí đốt mà Hungary lệ thuộc rất nhiều. Đó chính là vấn đề rắc rối của chính phủ này : Họ cho quá nhiều, nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu. Họ đã đi quá xa trong hợp tác với Nga. Chúng tôi có nguy cơ đánh mất niềm tin của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Cái giá phải trả theo tôi là quá đắt ».

S400 của Nga khuấy đảo NATO

Cũng liên quan đến nước Nga, Le Figaro có bài viết « Tên lửa S400, vũ khí của Matxcơva để gậm nhấm NATO ».

Nến mừng 70 tuổi chưa kịp nguội, NATO đã bị chia rẽ. Washington và Ankara lại xâu xé nhau dưới ánh mắt ngỡ ngàng của các nước thành viên, còn Matxcơva thì hả hê đứng nhìn. Thủ phạm gây chia rẽ không ai khác chính là « S400 », tên lửa hành trình có thể bắn hạ các chiến đấu cơ trong bán kính 400km, vận tốc bay là 17.000km/h do Nga sản xuất và cũng là kẻ thù số một của NATO.

Chính phủ tổng thống Erdogan viện dẫn lý do « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ » đã ký hợp đồng mua tên lửa của Nga với tổng trị giá 2,5 tỷ đô la. Hoa Kỳ kịch liệt phản đối cho rằng việc Ankara trang bị dàn tên lửa này có nguy cơ giúp Nga nắm được các thông tin chiến lược của máy bay F-35 của Mỹ, mà Ankara ký mua và được trang bị cho không quân của 6 nước thành viên khác.

Bất chấp các cảnh báo của giới chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết trang bị tên lửa S400. Hoa Kỳ tức giận ngưng bán F-35. Với điện Kremlin, bất kể quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có ra sao, « nước Nga cũng cảm thấy hả hê vì đã thành công làm cho NATO hoảng loạn bằng chính tên lửa của mình. Nhìn từ điểm này, đây thật sự là một chiến thắng », như bình luận của tờ Kommersant.

Israel – Nga : Đồng minh và Đối thủ

Trở lại với báo Les Echos trong lĩnh vực đối ngoại. Tờ báo chú ý đến mối quan hệ « lạ đời » giữa Nga và Israel vừa là « đồng minh », nhưng cũng vừa là « đối thủ » tại vùng Cận Đông.

Nga vừa trao tặng cho Israel một món quà đặc biệt : Thi hài của một chỉ huy đội chiến xa Israel, mất tích cách nay 37 năm cùng với hai binh sĩ khác trong một chiến dịch quân sự của Israel tại Liban, không xa với biên giới Syria. Thi hài do chính các binh sĩ Nga tại Syria trao trả. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Israel đang trong quá trình vận động tranh cử. Một món quà giúp đánh bóng và củng cố thêm vị thế quốc tế của ông Netanyahu.

Việc này cũng giúp cho Nga khẳng định vai trò chủ chốt tại Trung Đông. Là đồng minh của chế độ Damas, nhưng Matxcơva cho thấy khả năng độc nhất có thể đàm phán với nhiều tác nhân trong cuộc xung đột tại Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Iran và Ả Rập Xê Út.

Về phía Israel, thủ tướng Netanyahu có thể chứng tỏ rằng « ông là người duy nhất có thể nói chuyện được với cả Putin và Donald Trump ».

Mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Israel đã có từ khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948. Nhưng theo giới quan sát, mối quan hệ này cũng đang trở nên phức tạp hơn từ ba năm nay do các cuộc oanh kích của Israel nhắm vào một số vị trí của Iran tại Syria. Đỉnh điểm căng thẳng là chiến dịch oanh kích của Israel tại Syria dẫn đến việc hệ thống phòng không Syria bắn nhầm chiến đấu cơ của Nga làm thiệt mạng 15 sĩ quan.

Nếu như Nga không lên tiếng chỉ trích các chính sách về Trung Đông của Israel, thì việc Matxcơva quyết định cho triển khai hệ thống phòng không S-300 cho Syria cho thấy tổng thống Putin không để cho Israel tự do hành động oanh kích các vị trí của Iran tại Syria, hoàn toàn ngược lại với những gì thủ tướng Israel tuyên bố. 

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự trên trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Le Monde quan tâm đến số phận cựu lãnh đạo tập đoàn Renault – Nissan qua hàng tít « Ghosn bị bắt trở lại, Renault dửng dưng chuyển sang trang mới ».

Tư pháp Nhật Bản ngày thứ Tư vừa qua đã cho bắt trở lại ông Carlos Ghosn, trong khi đó tại Pháp, hội đồng quản trị Renault quyết định từ chối trả các khoản hưu bổng ưu đãi, và lên án cách điều hành của ông.

Le Figaro chua chát chạy tựa « Carlos Ghosn lại đắm chìm trong cơn ác mộng nhà tù Nhật Bản ». Carlos Ghosn lên án « một nền tư pháp con tin » và kêu gọi sự trợ giúp của chính phủ Pháp.

Cũng liên quan đến nước Pháp, tờ nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến chính sách cải cách hưu trí của chính phủ. Tuy nhiên, các kết quả thăm dò cho thấy « 8 trong 10 người Pháp được hỏi không muốn chạm đến quy định tuổi về hưu là 62 ».

Hồi hương công dân tham gia thánh chiến : Bài toán nan giải

Nếu như chỉ có La Croix quan tâm đến thời sự quốc tế « Rwanda, sống mà không lãng quên », nhân 25 năm ngày xảy ra vụ diệt chủng làm 800 ngàn người chết, thì một vấn đề khác cũng đang làm các chính phủ châu Âu, nhất là Pháp phải vò đầu bứt tóc : « Sự trở về của những người tham gia thánh chiến ».

Libération lưu ý thêm là « Mọi thứ đã được sẵn sàng ». Chính phủ Pháp đã chuẩn bị mọi thứ đến cả những chi tiết nhỏ nhất, để cho hồi hương khoảng 250 người Pháp đang bị giam giữ tại vùng Kurdistan ở Syria. Thế nhưng, chiến dịch này đã không diễn ra. Liberation dành nhiều trang báo để phân tích thái độ do dự của chính phủ Pháp.

Không chỉ có chính phủ Paris, tờ báo thiên tả này còn cho biết thêm việc « hồi hương quân thánh chiến chia rẽ các chính phủ » nói chung. Tờ báo nhắc lại ngày 17/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các nước tham gia liên quân quốc tế nên cho hồi hương số công dân tham gia thánh chiến bị binh sĩ Kurdistan tại Syria bắt giữ. Một đề nghị không được các nước hồ hởi đón nhận

Mỗi nước có đề ra các giải quyết khác nhau, nhất là đối với số con trẻ của quân thánh chiến. Nếu như Pháp tuyên bố xử lý theo từng trường hợp. Đức cho biết chỉ đón về, nếu như người ta có thể bảo đảm số người đó phải được nhốt vào tù ngay lập tức, một đòi hỏi chưa chắc dễ thực hiện. Về phần mình, Bỉ mong muốn mở một phiên tòa ngay tại nơi diễn ra tội ác. Cũng là điều kiện khó thực hiện.

Theo Libératin, sở dĩ các chính phủ thiếu nhiệt tình để thực hiện là do không có một thiện chí chính trị cũng như là thiếu các giải pháp quốc tế để xử lý. Trong khi đó, Nga, Kazakhstan và Sudan là những quốc gia hiếm hoi đã cho hồi hương các công dân thánh chiến, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, nhật báo này cũng nhìn nhận là đối với các nam công dân tham gia thánh chiến, quả thật chưa có một nước nào muốn nhận về.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.