Vào nội dung chính
NGA - NATO

Thắt chặt đoàn kết, đối phó với Nga: Hai thách thức đối với NATO

Ngày 04/04/2019, tại thủ đô Washington, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Từ 12 thành viên ban đầu, NATO nay là một khối gồm 29 nước. Vẫn tồn tại ba mươi năm kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, liên minh quân sự này đã tái lập ổn định trong vùng Balkan vào thập niên 1990, can thiệp vào Afghanistan, rồi Lybia ...Nhưng giờ đây, đại gia đình Bắc Đại Tây Dương này đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết, trong bối cảnh nước Nga vẫn là một mối đe dọa, Trung Quốc thách thức thế mạnh của phương Tây, đe dọa khủng bố của các nhóm Hồi Giáo cực đoan chưa tàn, trong lúc mối đe dọa chiến tranh mạng, chiến tranh không gian không còn là những kịch bản giả tưởng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO tại Washington, ngày 03/04/2019.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO tại Washington, ngày 03/04/2019. MANDEL NGAN / AFP
Quảng cáo

NATO đang đứng trước nhiều thách thức. Thách thức thứ nhất xuất phát từ cái nhìn mới của tổng thống Hoa Kỳ về liên minh quân sự này. Từ khi lên cầm quyền tháng Giêng 2017, ông Donald Trump liên tục đòi các nước thành viên chia sẻ gánh nặng tài chính, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách NATO. Bản chất là một doanh nhân, một khi được toại nguyện vì Liên Minh đồng ý nâng nâng sách quốc phòng lên 2 % GDP kể từ 2024, chủ nhân Nhà Trắng đặt thêm điều kiện : NATO phải mua trang thiết bị quân sự của Mỹ.

Bên cạnh việc gắn liền vế thương mại với quân sự, Nhà Trắng còn nhiều lần để ngỏ khả năng xét lại điều khoản 5 của Hiệp Ước được ký kết tại Washington cách nay đúng 70 năm. Điều khoản này quy định bất kỳ một thành viên nào của NATO bị tấn công, thì coi như đó là một vụ tấn công vào một tập thể, do vậy, các thành viên khác được quyền hỗ trợ quốc gia bị nạn.

Cái nhìn mới đó của Hoa Kỳ dẫn tới những phản ứng khác nhau trong nội bộ NATO. Pháp đề xuất thành lập một lực lượng phòng thủ châu Âu nhằm tăng cường tính "độc lập về mặt chiến lược" của châu lục này với Mỹ. Sáng kiến này của Paris tới nay vẫn vấp phải thái độ thận trọng, nếu không muốn nói là thụ động, của chính phủ Đức. Berlin từ sau Thế Chiến Thứ Hai đã đặt toàn bộ an ninh của mình vào tay Hoa Kỳ, liên minh cầm quyền hiện tại chưa san bằng được một số bất đồng về việc tăng ngân sách quốc phòng. Hướng đi thứ ba được thể hiện qua quyết định của chính quyền Ba Lan, một lòng đi theo Mỹ. Sau cùng, riêng Anh Quốc,- nước sẽ đón tiếp thượng đỉnh NATO vào tháng 12/2019, theo giới phân tích, dù quyết tâm ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng Luân Đôn lại rất đoàn kết với Bruxelles trên vế quốc phòng.

Có điều vào lúc mà hai cột trụ chính trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là Mỹ và châu Âu có nhiều rạn nứt, một vết nứt mới lại mở ra ở sườn phía nam, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Washington và Ankara đang đọ sức với nhau trên ba hồ sơ. Thứ nhất, tổng thống Erdogan vừa quyết định mua hệ thống phòng không của Nga S-400, trong lúc Mỹ trang bị chiến đấu cơ F-35 cho Không Quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã chi ra không dưới một tỉ đô la để trang bị loại chiến đấu cơ đời mới đó. Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất F-35.

Washington muốn Ankara từ bỏ ý định mua vũ khí của Nga và thay vào đó là tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng Donald Trump đã không thuyết phục được Recept Tayyip Erdogan. Hoa Kỳ vừa quyết định hoãn việc giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để bí mật quốc phòng Mỹ lọt vào tay Nga.

Bất đồng sâu rộng thứ nhì là tới nay Washington vẫn không thỏa mãn đòi hỏi của Ankara muốn Mỹ trục xuất nhà đối lập Fetullah Gulen, kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi nhân vật này là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.

Cái gai thứ ba trong quan hệ Mỹ-Thổ liên quan đến số phận của cộng đồng Kurdistan tại Syria. Tổng thống Erdogan sở dĩ xích lại gần với Nga và đã thay đổi hẳn thái độ trên hồ sơ Syria chính là nhằm mở rộng ảnh hưởng của của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, làm sống lại thời hoàng kim của đế chế Ottoman xưa kia.

Tuy nhiên, bên cạnh những rạn nứt nội bộ như vừa nêu, NATO vẫn ý thức được rằng, hơn bao giờ hết khối liên minh quân sự này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cùng lúc, đứng đầu trong số này có lẽ vẫn là nước Nga. Cho nên, các nước NATO dự trù công bố một loạt biện pháp tăng cường các hoạt động giám sát trên biển và trên không trong khu vực Hắc Hải, đặc biệt là nhằm "tăng cường an ninh chung quanh eo biển Kertche", cửa ngõ giữa Biển Đen và Azov. Biện pháp này do chính đại sứ Mỹ bên cạnh NATO thông báo và đã lập tức khiến Matxcơva phẫn nộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.