Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

​​​​​​​Xe hơi chạy điện có thực sự « sạch » ?

Đăng ngày:

Khi nhìn thấy một chiếc xe hơi điện chạy trên đường, không gây ồn, không phát mùi khó chịu, không phát khí thải, nhiều người nghĩ xe điện là « xe sạch », không gây tổn hại đến môi trường như xe hơi thông thường chạy bằng xăng hoặc diesel.

Oslo, thủ đô Na Uy, là thành phố có nhiều xe hơi điện lưu thông trên đường phố.
Oslo, thủ đô Na Uy, là thành phố có nhiều xe hơi điện lưu thông trên đường phố. DR
Quảng cáo

Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất đang nóng dần lên, xe hơi chạy điện được nhiều người coi là giải pháp hữu hiệu thay thế xe hơi thông thường. Nhiều quốc gia đề ra những biện pháp cụ thể khuyến khích người dân chuyển từ sử dụng xe hơi truyền thống sang xe chạy điện. Tại Pháp, kể từ tháng 04/2015, khi mua xe hơi điện, người dân được Nhà Nước hỗ trợ tiền. Vào năm 2019, số tiền hỗ trợ tối đa là 6.000 euro, không vượt quá 27% chi phí mua xe, bao gồm cả thuế. Còn tại Monaco, số tiền này có thể lên tới 9.000 euro.

Nhiều hãng xe cho biết sẽ ngưng sản xuất xe hơi truyền thống. Ngay từ năm 2017, hãng xe Volvo của Thụy Điển đã thông báo ngưng chế tạo xe hơi chạy bằng xăng và diesel kể từ năm 2019. Năm ngoái, hãng xe Đức Porsche cũng tuyên bố ngưng bán xe diesel kể từ cuối năm 2018.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đề ra mục tiêu ngưng cho lưu thông xe chạy bằng xăng và diesel, thay thế hoàn toàn bằng xe hơi chạy điện : Na Uy - năm 2025, Hà Lan - năm 2030, Scotland - năm 2032, Pháp và Anh - năm 2040.

Nhưng xe hơi chạy bằng điện có thực sự « sạch » như người ta vẫn nghĩ hay không ?

Quá trình chế tạo xe hơi điện

So với xe hơi thông thường chạy bằng xăng hoặc diesel, đúng là trong quá trình sử dụng, xe chạy điện phát thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính hơn xe hơi truyền thống, nhưng vấn đề của xe hơi chạy điện nằm ở quá trình chế tạo. Nói cách khác, quá trình sản xuất xe hơi điện gây ô nhiễm nhiều hơn so với quá tình sản xuất xe hơi thông thường. Điều này đã được chuyên gia Maxime Pasquier, thuộc Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng của Pháp, ADEME, khẳng định ngày 15/12/2018 trên đài France 2 :

« Điều đáng quan tâm là việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không giống nhau ở các giai đoạn (vòng đời). Đối với xe hơi chạy điện, khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra nhiều trong quá trình chế tạo xe, còn đối với xe hơi thông thường thì đó lại là giai đoạn sử dụng xe ».

Một báo cáo củaCơ quan quản lý môi trường và năng lượng của Pháp mà đài France Info trích dẫn hôm 17/11/2018 cũng khẳng định : « Đa phần tác hại mà xe hơi điện gây ra cho môi trường là ở giai đoạn sản xuất », chủ yếu từ việc chế tạo ắc quy, vốn chiếm hơn một nửa chi phí sản xuất xe, cũng là yếu tố gây hơn 50% tác hại đến môi trường so với các công đoạn còn lại trong quá trình chế tạo xe hơi điện.

Trả lời đài France Info, nhà báo Guillaume Pitron, tác giả cuốn sách « Cuộc chiến kim loại hiếm, mặt tối của công cuộc chuyển đổi năng lượng và công nghệ số » cho biết hoạt động khai thác kim loại hiếm tại nhiều nước như Trung Quốc, Cộng Hòa Congo gây nhiều tác hại cho môi trường, khiến bầu khí quyển bị axit hóa. Như vậy, cũng có nghĩa là xe hơi điện gián tiếp gây hại cho môi trường :

« Ắc quy xe gồm nhiều kim loại, đôi khi là các kim loại hiếm, như néodyme hay cobalt, graphite và lithium, chủ yếu được khai thác từ Trung Quốc, Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Nam Mỹ. Việc chiết xuất và tinh lọc các kim loại quý này cần rất, rất nhiều nước và hóa chất. Nạn ô nhiễm môi trường như vậy được chuyển sang các nước nghèo ».

Không chỉ vậy, quá trình lắp ráp ắc quy cũng « ngốn » rất nhiều năng lượng và xả thải một lượng lớn khí cacbon. Giáo sư Jean-Marie Tarascon, nhà nghiên cứu về lưu trữ năng lượng giải thích trên báo Libération và được France Info trích dẫn : « Hiện giờ, các nguyên vật liệu được nung trong lò ở nhiệt độ 400 độ C, việc này tiêu thụ một lượng năng lượng rất lớn ». Còn nhà báo Guillaume Pitron nhấn mạnh : « Có một nghịch lý giữa các xe hơi được gọi là sạch và quá trình chế tạo ắc quy. Cần rất nhiều cái « bẩn » để tạo ra cái « sạch » ».

Kết quả là, theo Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng ADEME của Pháp khi đồng hồ xe chỉ 0km, tức là xe còn chưa lưu thông, thì đã tiêu tốn năng lượng nhiều gấp đôi so với xe hơi thông thường và lượng CO2 mà xe điện thải ra cũng nhiều hơn so với một chiếc xe chạy bằng diesel hoặc xăng.

Làm thế nào để hạn chế lượng cacbon xả ra trong quá trình sản xuất xe hơi chạy bằng điện. Ông Guillaume Berthier, giám đốc thương mại phụ trách mảng xe hơi chạy bằng điện của tập đoàn Renault-Nissan giải thích trên đài France 24:

« Làm thế nào ư ? Một cách tổng quát, đó là bằng cách làm cho các nhà máy sạch hơn, liên quan đến việc xả thải khí CO2. Thực ra đây là vấn đề không chỉ liên quan đến xe hơi chạy bằng điện mà liên quan đến cả xe hơi truyền thống. Hiện giờ, người ta phát triển ngày càng nhiều nhà máy chế tạo sạch nhất có thể, chẳng hạn hiện nay Renault có các nhà máy có mức xả thải khí CO2 gần như ở mức trung bình, bởi vì chúng tôi sử dụng điện mặt trời, hoặc những nguồn điện tương tự như vậy ».

Tập đoàn Renault-Nissan từ năm 2010 đã bán được 400.000 xe điện trên toàn thế giới.

Quá trình sử dụng xe hơi điện

Xét về quá trình lưu thông, xe hơi chạy điện không xả thải trực tiếp CO2 ra môi trường, nên đúng là « sạch » hơn xe thường, nhưng nếu xét toàn diện thì theo các chuyên gia, còn phải tính đến nguồn điện sử dụng để sạc ắc quy cho xe, bởi vì quá trình sản xuất điện cũng gây ô nhiễm môi trường ở các mức độ khác nhau. Ông Aurélien Schuller, chuyên gia về xe hơi, cho biết trên đài France 2 :

« Lượng cac bon thải ra từ xe chạy bằng điện phụ thuộc vào từng quốc gia và phương thức sản xuất điện ở nước đó. Nếu sử dụng loại điện mà quá trình sản xuất thải rất ít CO2, chẳng hạn thủy điện, thì lượng cacbon thải ra một lần xạc ắc quy cho xe hơi điện tương đương 1kg CO2/kw. Nhưng nếu điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện thì một lần nạp ắc quy tương đương 40kg CO2/kw. »

Giáo sư Claude Crampes, tác giả một diễn đàn trên báo Le Monde về những điểm hạn chế của xe hơi chạy bằng điện, giải thích với France Info : « Khi quý vị ở Na Uy, nơi điện được sản xuất từ các nhà máy thủy điện, thì dùng xe điện là rất tuyệt vời. Nhưng nếu quí vị ở Trung Quốc hoặc Ba Lan, thì đó lại thành điều kinh khủng, bởi vì điện được sản xuất từ các loại nhiên liệu hóa thạch rất ô nhiễm, chẳng hạn than đá ».

Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Transport&Environment, tại Ba Lan, do 80% điện được sản xuất từ than đá, nên tính trung bình một chiếc xe hơi chạy điện chỉ thải CO2 ít hơn 25% so với xe hơi thông thường. Ở Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nơi nhiệt điện than chiếm 73% tỉ trọng điện, thì xe hơi điện cũng góp phần xả thải nhiều cacbon ra bầu không khí vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn tại Pháp, 77% sản lượng điện là điện hạt nhân, lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất điện thấp hơn 12,5 lần so với mức trung bình ở các nước châu Âu. Mỗi chiếc xe hơi điện lưu thông tại Pháp nhờ nguồn điện hạt nhân mà giảm được tới 80% lượng CO2 phát thải so với xe hơi chạy bằng diesel. Tuy nhiên, các nhà máy điện nguyên tử lại đặt ra vấn đề nan giải về xử lý rảc thải hạt nhân - một quả bom nổ chậm cho các thế hệ tương lai.

Ngoài ra, cho dù không phát thải khí CO2 và Nitơ, nhưng xe hơi chạy điện cũng thải ra các hạt bụi siêu nhỏ, vốn cũng rất độc hại. Ông Stéphane Lhomme, chủ tịch Đài quan sát hạt nhân, giải thích trên đài France 24 : « Cũng giống như các loại xe hơi khác, xe hơi chạy bằng điện cũng thải ra các hạt bụi siêu nhỏ, không phải từ ống xả thải mà là từ các má phanh, lốp xe và mặt đường mà xe chạy ».

Tái chế, tái sử dụng ắc quy

Không ai phủ nhận xe hơi điện có nhiều điểm tích cực, nhưng để xe điện « thân thiện » với môi trường hơn nữa, thì điểm mấu chốt vẫn nằm ở khâu chế tạo ắc quy. Nhiều người hy vọng sẽ sớm tìm ra giải pháp tái sử dụng, tái chế ắc quy xe hơi điện hiệu quả. Hiện giờ, các chuyên gia ngày càng lạc quan về khả năng tận dụng bình ắc quy để tích trữ năng lượng.Ông Guillaume Berthier, giám đốc thương mại phụ trách mảng xe hơi chạy bằng điện của tập đoàn Renault-Nissan giải thích :

« Điều là tôi gọi là tác dụng thứ phát của xe hơi chạy bằng điện, đó là việc sử dụng tối ưu những bộ ắc quy vì không đủ mạnh nên không còn tốt để chạy xe hơi nữa. Ngược lại, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sử dụng chúng cho một tòa nhà để tích trữ năng lượng. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp cực kỳ hữu hiệu trong việc sử dụng ắc quy, chẳng hạn để trữ phong điện hay quang điện rồi có thể sử dụng các nguồn năng lượng này bất cứ khi nào. Điều này là hoàn toàn mới và sẽ làm thay đổi thực sự phương thức tiêu dùng năng lượng trong tương lai ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.