Vào nội dung chính
ANH - BREXIT

Brexit : Theresa May mất quyền kiểm soát Hạ Viện

Một sự kiện chưa từng thấy tại Anh Quốc: trong một cuộc bỏ phiếu tối hôm qua, 25/03/2019, với 329 phiếu thuận và 302 phiếu chống, các dân biểu Anh đã thông qua đề nghị của nghị sĩ Bảo Thủ Letwin, cho Hạ Viện toàn quyền về chương trình nghị sự trên hồ sơ Brexit. Ngày mai, thứ Tư 27/03, sẽ có các cuộc bỏ phiếu thăm dò ý định về các phương án khác nhau của Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Nghị Viện ở Luân Đôn ngày 25/03/2019.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Nghị Viện ở Luân Đôn ngày 25/03/2019. ©UK Parliament/Mark Duffy/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Marina Daras giải thích :

"Thủ tướng Anh đã mất quyền kiểm soát Hạ Viện vào tối hôm qua thứ Hai. Đa số dân biểu, trong đó có khoảng ba chục người thuộc đảng Bảo Thủ và một vài bộ trưởng, đã bỏ phiếu chống lại các mệnh lệnh của chính phủ và giành lấy quyền kiểm soát chương trình nghị sự Brexit.

Ngoài ra, ba quốc vụ khanh trong nội các của bà Theresa May đã từ chức hôm qua vì không đồng ý với chiến lược rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu của bà. Các ông Richard Harrington (bộ Công Nghiệp), Alistair Burt (bộ Ngoại Giao) và Steve Brine (bộ Y Tế) đã từ chức để có thể tự do bỏ phiếu tán đồng đề nghị của nghị sĩ Letwin.

Mục tiêu của đề nghị đó là trao cho Hạ Viện cơ hội tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính chất tham khảo chứ không ràng buộc về các phương án Brexit khác nhau, với hy vọng tìm được giải pháp có đa số dân biểu ủng hộ, để rồi sau đó đưa ra bỏ phiếu chính thức.

Trong số sáu phương án được đề xuất, có khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Các dân biểu cũng có quyền chọn một thỏa thuận theo kiểu Na Uy, duy trì quy chế thành viên thường trực trong liên minh thuế quan châu Âu, hoặc thậm chí hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit.

Hạ Viện Anh Quốc chưa bao giờ tổ chức các cuộc bỏ phiếu theo kiểu này. Bà Theresa May đã từ chối cho biết là bà có chấp nhận các kết quả hay không, nhưng việc bà bị tước quyền ấn định chương trình nghị sự tại Hạ Viện đánh dấu một bước ngoặt tiến trình đàm phán Brexit đầy hỗn loạn hiện nay.

Trong một tuyên bố, bộ phụ trách vấn đề Brexit đã cho rằng việc các dân biểu Anh giành lấy quyền kiểm soát chương trình nghị sự của tiến trình ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu là một điều nguy hiểm vì đảo ngược thế cân bằng của thể chế dân chủ Anh Quốc và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và bấp bênh cho tương lai."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.