Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - ÚC - THỔ NHĨ KỲ

Thảm sát Christchurch: Căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và Canberra

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, đang vận động tranh cử, vào hôm qua 19/03/2019, đã lợi dụng vụ thảm sát tại hai đền thờ Hồi Giáo ở New Zealand. Ông lên án hành động mà ông cho là nhắm vào đạo Hồi, đồng thời đe dọa “tử hình” những người Úc,đồng hương với kẻ sát nhân, nếu họ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Những lời lẽ này đã bị thủ tướng Úc cho là “thiếu suy nghĩ” và “ghê tởm”. Hôm nay 20/03, ông đã triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ lên để phản đối, nhưng không chấp nhận lời xin lỗi.

Tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng vào người Hồi Giáo ở Christchurch, New Zealand ngày 19/03/2019. Vụ khủng bố đã làm dấy lên căng thẳng ngoại giao Úc-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng vào người Hồi Giáo ở Christchurch, New Zealand ngày 19/03/2019. Vụ khủng bố đã làm dấy lên căng thẳng ngoại giao Úc-Thổ Nhĩ Kỳ. REUTERS/Jorge Silva
Quảng cáo

Thông tín viên RFI, Caroline Lafargue, tường thuật từ Melbourne :

Theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, những người Úc bài Hồi Giáo mà dám đến Thổ Nhĩ Kỳ… đơn giản là sẽ bị tử hình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho họ cùng số phận với những người Úc qua chiến đấu bên cạnh người Anh chống người Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên đất của mình vào thời Thế Chiến Thứ Nhất.

Ông nói là những người Úc đó đã hồi hương trong quan tài, và hãy tin chắc là chúng tôi sẽ gởi trả về nước những người đến đây trong cùng tình trạng với cha ông họ.

Ông Erdogan đã thốt ra những lời đe dọa trên sau cuộc thảm sát Christchurch, kẻ sát nhân, một người Úc, Brenton Tarrant, theo xu hướng kỳ thị chủng tộc cực đoan, bài Hồi Giáo, đã nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ trong bản tuyên ngôn của mình, kêu gọi ám sát tổng thống Erdogan và tất cả những người Thổ ở châu Âu, những người sống ở phía tây eo biển Bosphore…

Tại Canberra, những lời đe dọa của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gây phẫn nộ. Thủ tướng Úc Scott Morrison cho là những lời lẽ này vô cùng xúc phạm, vì sỉ nhục ký ức của những người Úc chết trên mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915, và hoàn toàn vô trách nhiệm vì đặt người Úc hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng nguy hiểm.

Ông Scott Morisson đã không chấp nhận lời xin lỗi của đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Korhan Karakoc, mà chờ chính lời xin lỗi của tổng thống Erdogan, đồng thời đòi đài truyền hình Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt những tuyên truyền bài Úc. Bằng không, ông Morisson hứa sẽ không dừng lại ở đây, mà cảnh báo là để ngỏ mọi phương án.

Tang lễ các nạn nhân đầu tiên vụ thảm sát ở New Zealand

Khủng hoảng Úc-Thổ Nhĩ Kỳ bùng lên vào lúc tại New Zealand, hàng trăm người vào sáng nay, 20/03, đã tề tựu ở  một nghĩa trang gần đền thờ Hồi Giáo Linwood tại thành phố Christchurch để tham gia lễ tang của Khalid Mustafa, 44 tuổi và con trai Hamza, 15 tuổi, hai trong số 50 nạn nhân bị sát hại hôm thứ Sáu 15/03.

Vụ xả súng đẫm máu đã được quay và phát trực tiếp trên Facebook trước khi bị gỡ bỏ. Cảnh sát New Zealand ngày hôm qua 19/03 đã bắt giữ một người đàn ông, 44 tuổi, mang tên Philip Arps, với cáo buộc chia sẻ video livestream (truyền trực tiếp) vụ thảm sát.

Đây là người thứ hai bị bắt giữ về tội phát tán video truyền trực tiếp vụ giết người. Hôm 18/03, một thanh niên 18 tuổi cũng đã bị đưa ra tòa án Christchurch với tội danh trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.