Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HUNGARY

Hungary : Viktor Orban một mình đối đầu với Liên Hiệp Châu Âu

Thủ tướng Vikor Orban lãnh đạo Hungary suốt 9 năm qua với không ít điều tiếng trong Liên Hiệp Châu Âu bởi những phát ngôn không kiêng nể cũng như các chính sách cải cách nhiều tranh cãi, đang một lần nữa là trung tâm chú ý của dư luận khi đảng của ông đang trước nguy cơ  trở thành ly khai của cánh hữu tại Nghị Viện châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người gây không ít khó chịu với Liên Hiệp Châu Âu. (Ảnh chụp ngày 10/02/2019 tại Budapest).
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người gây không ít khó chịu với Liên Hiệp Châu Âu. (Ảnh chụp ngày 10/02/2019 tại Budapest). REUTERS/Bernadett Szabo
Quảng cáo

Hôm nay, 20/03/2019, đảng Fidesz do Viktor Orban đồng sáng lập và lãnh đạo phải đối mặt với khả năng bị khai trừ khỏi nhóm nghị sĩ cánh hữu chiếm đa số ở Nghị Viện Châu Âu, Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE). Nguyên nhân chỉ vì chính phủ của ông mở chiến dịch tuyên truyền, thông tin thất thiệt đả kích nhà tỷ phú hảo tâm người Mỹ gốc Hung, George Soros cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Jungker.

Vài nét chân dung chính của nhà lãnh đạo mà có người thì gọi ông là « chuyên quyền độc đoán », người khác thì lại cho ông là « nhà bảo vệ quốc gia ».

Từ ly khai Cộng sản đến đứa con ngỗ ngược trong gia đình Châu Âu

Vikto Orban nổi lên là nhà chính trị từ những biến động tan rã của khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu cuối thập niên 1980. Đó là vào năm 1989, Viktor Orban, một thanh niên cấp tiến 26 tuổi đã xuất hiện như một nhà ly khai dám đương đầu với chế độ Cộng sản ở Budapest trong bài diễn văn hừng hực khát vọng tự do nhân một cuộc mít tinh kỷ niệm sự kiện Hungary nổi dậy chống lại đô hộ của Liên Xô năm 1956.

Ba mươi năm sau, Viktor Orban đã có bốn nhiệm kỳ, trong đó có ba nhiệp kỳ liên tục lãnh đạo đất nước Hungary, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Điều để cả Liên Âu phải lưu tâm lo ngại đó là Victor Orban trở thành một ngương mặt tiêu biểu của các phe hữu dân tộc chủ nghĩa ở trong cũng như ngoài lục địa châu Âu. Cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, một người nổi tiếng có tư tưởng cực hữu, từng ca tụng ông Orban như là « người hùng ».

Năm 1998, lên làm thủ tướng khi mới 35 tuổi, nhưng Viktor Orban chỉ cầm quyền được một nhiệm kỳ 4 năm vì thất bại trước Đảng Xã Hội, do những người Cộng sản cũ lập nên. Đây là một sự sỉ nhục không thể quên đối với một người có tư tưởng chống Cộng sản ăn sâu vào máu như Victor Orban.

Năm 2010, ông trở lại nắm quyền giữa lúc đất nước Hungary bị trao đảo bởi khủng hoảng kinh tế và đầy rẫy những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến chính phủ cánh tả chủ trương tự do hóa. Ông bắt đầu gây dựng sự chi phối ảnh hưởng của đảng Fidesz trong toàn bộ hệ thống  thể chế đất nước nhân danh vì « dân tộc Hungary », đồng thời với việc đó là các cải cách cắt xén các quyền tự do của người dân để  thao túng quyền lực.

Vị thủ tướng này tự nhận đang thực thi một kiểu « dân chủ phi tự do » và ông luôn tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt và thường xuyên gặp gỡ  tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đứng đầu một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, ông Orban luôn có những chỉ trích gay gắt các chính sách cũng như cách lãnh đạo của Liên Âu, đặc biệt trong chính sách về người nhập cư.

Thủ tướng Hungary vẫn khẳng định chính sách đóng cửa với người nhập cư trong cuộc khủng hoảng di dân ồ ạt vào châu Âu hồi năm 2015 là đúng đắn. Dường như chủ trương dựng hàng rào biên giới ngăn người nhập cư dù bị cả Liên Âu lên án nhưng lại củng cố thêm vị thế lãnh đạo của Victor Orban ở trong nước. 

Bên cạnh đó thủ tướng Orban mở cuộc tấn công không thương tiếc vào nhà tỷ phú Mỹ gốc Hung George Soros, tố cáo ông này cung cấp tài chính cho nhiều tổ chức xã hội dân sự nhằm mục đích gây mất ổn định chính trị và muốn "nhấn chìm Châu Âu trong biển người nhập cư". Ông không kiên quyết không chấp nhận một đất nước Hungary đa văn hóa với lập luận bảo vệ « bản sắc Thiên chúa giáo châu Âu ».

Ở trong nước chính phủ của Orban có vẻ như vẫn thuận buồm xuối gió với kết quả nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn, 4,8% trong năm 2018, tỷ lệ nạn thất nghiệp ở mức thấp nhất từ trước đến nay, 3,7%. Đối lập tiếp tục bị chia rẽ, đảng Fidesz của ông vẫn thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội đầu năm 2018.

Phong trào biểu tình rầm rộ chống chính phủ Orban cuối năm ngoái cũng đột ngột dừng lại vì đối lập không đoàn kết. Lời kêu gọi tổng đình công của các công đoàn cũng không được đáp ứng.

Vẫn giữ quan điểm bài bác các giá trị chung của Liên hiệp Châu Âu, nhưng Viktor Orban lần này đã đi quá giới hạn khi tháng Hai vừa qua mở chiến dịch quy mô trong cả nước để bài bác chính sách nhập cư của Liên Âu trong đó chỉ đích danh ông chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean- Claude Junker.  Đó là lý do mà 12 đảng thành viên của PPE yêu cầu khai trừ đảng Fidesz ra khỏi nhóm tại Nghị Viện .

Nhật báo Les Echos số ra ngày 11/03, trong một bài phân tích nhận định : Cho dù xảy ra với đảng Fidesz ở Nghị Viện Châu Âu, thủ tướng Hungary vẫn sẽ tiếp tục củng cố thanh thế ở châu Âu bằng việc tập hợp các phong trào dân túy. Gần 10 năm sau khi trở lại nắm quyền ở Budapest, dường như không gì có thể ngăn được Viktor Orban trở thành người dẫn đầu phong trào dân túy ở châu Âu.

 Phần đông giới quan sát đều có chung một nhận định : Mục tiêu của thủ tướng Hungary là lãnh đạo những lực lượng cực hữu nhằm chuyển hóa từ bên trong Liên Hiệp Châu Âu.  Tuy bài bác các giá trị châu Âu, nhưng Viktor Orban vẫn muốn trở thành người cầm lái con tầu châu Âu. Thế nhưng đó là một châu Âu khác hoàn toàn, một châu Âu của các quốc gia có chủ quyền tự quyết trong các chính sách riêng của mình.

Theo phân tích của Les Echos thì, nếu đảng Fidesz không bị loại khỏi PPE, Orban sẽ càng khẳng định vị thế lãnh tụ cánh hữu cứng rắn nhất để đối đầu với đảng phái khác trong Liên Hiệp Châu Âu.  Còn nếu như Fidesz bị loại thì cũng chẳng thay đổi gì, lập trường chống châu Âu của Orban càng được củng cố và liên minh với các trào lưu dân túy khác ở châu Âu càng được thắt chặt. Cho đến lúc này Viktor Orban đã phần nào thành công trong mục tiêu áp đặt « luật chơi » của ông đối với châu Âu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.