Vào nội dung chính
NGA - CRIMEE

Tổng thống Nga Putin tới Sébastopol dự lễ kỷ niệm 5 năm ngày sáp nhập Crimée

Vào ngày này cách nay đúng 5 năm, 18/03/2014, tổng thống Vladimir Putin và các lãnh đạo Crimée đã ký hiệp định chính thức hóa việc sáp nhập bán đảo này vào Nga. Chính quyền Kiev và phương Tây coi đó là hành động thôn tính một phần lãnh thổ Ukraina và phản đối mạnh mẽ.

Thủ hiến Crimée Sergei Aksyonov (T), tổng thống Nga Vladimir Putin (G) và thị trưởng Sébastopol Alexei Chaliy, sau lễ ký hiệp định sáp nhập Crimée vào Nga, điện Kremlin, Matxcơva, ngày 18/03/2014
Thủ hiến Crimée Sergei Aksyonov (T), tổng thống Nga Vladimir Putin (G) và thị trưởng Sébastopol Alexei Chaliy, sau lễ ký hiệp định sáp nhập Crimée vào Nga, điện Kremlin, Matxcơva, ngày 18/03/2014 REUTERS/Sergei Ilnitsky
Quảng cáo

Hôm nay, 18/03, nguyên thủ Nga tới Sébastopol để dự các hoạt động kỷ niệm sự kiện này. Đối với Kremlin, chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée không còn là chuyện phải bàn thảo nữa.

Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche tường trình :

« Theo thông cáo của điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin dự lễ khánh thành một nhà máy điện gần Sébastopol. Sự kiện nhà máy này đi vào hoạt động mang tính biểu tượng đối với bán đảo Crimée, vì trong những năm vừa qua, nơi đây đã nhiều lần bị mất điện. Tổng thống Nga cũng gặp các đại diện của xã hội dân sự và tham dự các hoạt động lễ hội trên bán đảo.

Theo cuộc thăm dò dư luận do viện VTsIOM của Nhà nước tiến hành, 89% người dân Crimée vẫn tán đồng việc sáp nhập bán đảo, cụm từ được sử dụng tại Nga. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân Nga vẫn hoàn toàn ủng hộ việc sáp nhập cho dù các trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế quốc gia.

Vòng một cuộc bầu cử tổng thống Ukraina sẽ diễn ra trong hai tuần nữa. Thông điệp mà Matxcơva đưa ra rất rõ ràng : quy chế của bán đảo Crimée không còn là chủ đề bàn thảo nữa. Vả lại, điện Kremlin chủ ý tổ chức các hoạt động lễ hội không mang màu sắc chính trị. Tại Matxcơva, vào dịp này, không có tập hợp mít tinh, không có biểu ngữ, mà chỉ có các buổi hòa nhạc, các cuộc thảo luận về văn hóa và thưởng thức ẩm thực ».

Ukraina: 18/03, một ngày buồn

Còn tại Ukraina, hôm nay là một ngày buồn thảm. Việc bị mất bán đảo Crimée gây ra một chấn thương nặng nề và kéo dài. Cho đến nay, hàng ngàn người, trong đó có sắc dân thiểu số theo đạo Hồi, người Tatar vùng Crimée vẫn phải sống lưu vong. Cuộc xung đột quân sự ở phía đông đã làm hơn 10 ngàn người thiệt mạng và vẫn chưa có lối thoát.

Các đảng phái chính trị đã khai thác vấn đề Crimée trong bối cảnh sắp có bầu cử tổng thống. Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert gửi về bài tường trình :

« Chúng ta sẽ giành lại Crimée. Lời hứa này như là một khẩu hiệu nhất thiết phải có đối với đa số các ứng viên tổng thống. Tất cả đều thề thốt là bán đảo Crimée sẽ trở về với Ukraina, nhưng không một ai nói rõ là làm thế nào. Từ 5 năm nay, tổng thống mãn nhiệm Petro Porochenko đã không có được bất kỳ nhượng bộ nào từ phía Nga, nhưng ông vẫn hứa là vấn đề này sẽ có những tiến triển sau cuộc bầu cử tổng thống. Các đối thủ của ông thì tỏ ra thận trọng hơn và nói đến các cuộc đàm phán quốc tế, chắc chắn là khó khăn và lâu dài. Tuy nhiên, các cử tri sẽ không bỏ phiếu cho các ứng viên vì lời hứa này. Bởi vì đa số người dân Ukraina nghĩ rằng cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở phía đông trước khi lấy lại được bán đảo Crimée. Đó là viễn cảnh viển vông, bởi vì ngay cả những vấn đề cụ thể cũng còn khó có thể đàm phán giữa Kiev và Matxcơva, như giao thông, thương mại hay việc xử lý một thảm họa công nghiệp gần đây.

Năm năm sau, Ukraina đã tìm ra các giải pháp khác thay thế cho Crimée, bằng cách phát triển các vùng duyên hải khác để thúc đẩy du lịch. Việc Crimée bị thôn tính không còn là mối bận thường nhật nữa, cho dù việc giành lại bán đảo này vẫn là một ưu tiên chính trị ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.