Vào nội dung chính
NEW - ZEALAND - KHỦNG BỐ

Thảm sát tại hai nhà thờ Hồi Giáo New Zealand

Ít nhất 49 người chết, 20 người bị thương nặng trong vụ thảm sát hôm nay, 15/03/2019, tại Christchurch, thành phố ở miền nam New Zealand. Nạn nhân là tín đồ Hồi Giáo dự lễ cầu nguyện hàng tuần tại hai nhà thờ bị tấn công. Một trong các sát thủ là người Úc thuộc một nhóm kỳ thị sắc tộc, xem dân da trắng là thượng đẳng.

Lực lượng đặc nhiệm AOC (Armed Offenders Squad) bao vây khu vực xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Christchurch, New Zealand, ngày 15/03/2019.
Lực lượng đặc nhiệm AOC (Armed Offenders Squad) bao vây khu vực xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Christchurch, New Zealand, ngày 15/03/2019. REUTERS/SNPA/Martin Hunte
Quảng cáo

« Hôm nay là một trong những ngày đen tối của New Zealand ». Nữ thủ tướng Jacenda Arden tuyên bố như trên. Trong khi đó tại Sydney, thủ tướng Úc Scott Morrison tiết lộ một trong bốn nghi can bị bắt có một người Úc thuộc phe « da trắng thượng đẳng ».

Từ Melbourne, thông tín viên Caroline Lafargue tường thuật :

« Chúng tôi không còn được an toàn ở New Zealand », một nhân chứng tuyên bố như trên ngay sau khi may mắn thoát chết vì đang ở trong nhà bếp khi vụ thảm sát diễn ra. Mohammed cho biết có gần 400 tín đồ đạo Hồi đang cầu nguyện tại nhà thờ Al Noor thì nghe tiếng súng nổ. Anh chỉ kịp nắm tay đứa cháu thoát ra ngoài bằng cửa nhà bếp.

Cảnh sát New Zealand bắt được bốn nghi can, trong đó có một phụ nữ và một công dân Úc tên là Brenton Tarrant, 28 tuổi. Chi tiết này được thủ tướng Úc xác nhận. Brenton Tarrant khai là hành động một mình do bất bình ảnh hưởng của đạo Hồi và làn sóng nhập cư.

Toàn bộ vụ thảm sát tại nhà thờ Al Noor được chính sát thủ thu hình trực tiếp và phát đoạn phim 17 phút trên mạng xã hội. Brenton Tarrant cho biết lý do chọn New Zealand là để chứng minh rằng « không có một địa điểm nào trên thế giới là khu an toàn cho dân nhập cư ».

Vụ tấn công cực kỳ tàn bạo này là một bước ngoặt lịch sử tại quốc gia nam Thái Bình Dương hiền hoà với 4,8 triệu dân. Hồi Giáo chỉ đứng hàng thứ ba hay thứ tư so với các tôn giáo khác, nhưng bị một thiểu số công luận xem là mối đe dọa.

Theo ông Paul Buchanan, chuyên gia Mỹ về an ninh và quan hệ quốc tế tại New Zealand, cho biết vụ tấn công không làm ông ngạc nhiên : Các nhóm cực hữu hoạt động rất mạnh ở Chrischurch. Trong 10 năm trở lại đây, họ thường xuyên hành hung người nhập cư.

Từ Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Pháp, Nga, Indonesia, Malaysia, cho đến Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO hôm nay đã đồng loạt lên án vụ tấn công vào hai nhà thờ Hồi Giáo New Zealand.

Tuyên ngôn chống Hồi Giáo

Theo AFP, trước khi phát trực tiếp trên mạng Facebook những hình ảnh của vụ tấn công vào hai nhà thờ Hồi Giáo hôm nay, 15/03/2019, hung thủ người Úc đã đăng trên mạng Twitter một tuyên ngôn với nội dung kỳ thi sắc tộc, chống Hồi Giáo.

Trong tuyên ngôn này, hung thủ cho biết anh ta là sinh tại Úc trong một gia đình nghèo và năm nay 28 tuổi. Tác giả của tuyên ngôn giải thích rằng tư tưởng của anh ta đã trở nên cực đoan kể từ khi lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 và khi xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Stockholm tháng 04/2017, khiến 5 người chết, trong đó có một bé gái 11 tuổi.

Hung thủ người Úc cho biết anh ta muốn tấn công vào người Hồi Giáo. Tựa của bản tuyên ngôn dường như cho thấy tác giả tin vào chủ thuyết của nhà văn Pháp Renaud Camus về nguy cơ diệt vong của « các dân tộc châu Âu », do bị dân nhập cư thay thế dần dần. Đây là chủ thuyết được rất nhiều người trong giới cực hữu hưởng ứng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.