Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ra mắt phim ''Vice'' : Nhân vật trong bóng tối điều khiển nước Mỹ

Đăng ngày:

Bộ phim « Vice » về cuộc đời của Dick Cheney, nhân vật trong bóng tối, có ảnh hưởng ghê gớm đến lịch sử nước Mỹ đầu thế kỷ 21, công chiếu tại Pháp. Sắc tộc thiểu số biểu tình chống dựng tượng cha đẻ nền độc lập Miến Điện tại một bang miền đông. Giới khoa học Hungary lên án chính quyền can thiệp vào hoạt động nghiên cứu. Nhân dịp lễ Tình Nhân 14/2, giới bảo vệ môi trường tại Pháp kêu gọi bảo vệ hoa Anh túc đỏ. Trên đây là một số chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Phim Vice : Dick Cheny, người đàn ông điều khiển nước Mỹ, do Christian Bale thủ vai
Phim Vice : Dick Cheny, người đàn ông điều khiển nước Mỹ, do Christian Bale thủ vai capture d'ecran
Quảng cáo

« Vice », bộ phim của Adam McKay, ra rạp tại Pháp ngày 13/02, thuật lại cuộc đời của Dick Cheney, phó tổng thống Hoa Kỳ từ 2001 đến 2009. Vice trong tiếng Anh có nghĩa là cấp phó, nhưng cũng vừa để chỉ sự đồi bại, hay những thói tật xấu xa. Khó có tên gọi nào có thể nói đúng hơn về nhân vật chính trong bộ phim của Adam McKay. Dick Cheney là một chính trị gia rất hiếm khi xuất đầu lộ diện, nhưng cũng là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến các quyết định về đối ngoại của nước Mỹ, đầu thế kỷ 21, với nhiều hệ quả kinh hoàng mà nhân loại hiện tại đang phải gánh chịu, đặc biệt là tình trạng bạo lực lan rộng tại Trung Đông, với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Làm thế nào mà một sinh viên tầm thường tỉnh lẻ, một con sâu rượu, trong một vài thập niên đã trở thành quân sư số một của tổng thống George W. Bush ? Đạo diễn, nhà viết kịch bản Adam McKay đã phải dành nhiều năm trời để soi sáng đường đời của « phó tổng thống Dick Cheney », và đặc biệt là tìm ra được Christian Bale, nam diễn viên có thể nhập vai thành công nhân vật kỳ lạ này.

Đạo diễn Adam McKay từng đoạt giải Oscar cho kịch bản hay nhất, với bộ phim « The Big Short / hay Vụ trộm thế kỷ », cách nay 4 năm, nói về cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007. Trong bộ phim Vice, vừa ra mắt, tác giả đưa khán giả xuyên qua 40 năm lịch sử chính trị Mỹ, từ Chiến tranh Việt Nam, đến Chiến tranh vùng Vịnh, và đặc biệt là cuộc can thiệp tại Irak, năm 2003, trong đó Dick Cheney đóng một vai trò quyết định.

« Vice » là một bộ phim châm biếm, được dẫn dắt như một tấn kịch tâm lý gay cấn, ly kỳ. Bộ phim mang tính giải trí về phó tổng thống Dick Cheney đã soi tỏ hậu trường của hệ thống quyền lực Mỹ. Đặc biệt là giới chính trị đảng Cộng Hòa, một thế giới giả trá, tham nhũng và vô liêm sỉ, cái thế giới mà nhiều người nhận ra là, đã mở rộng cánh cửa cho sự thăng tiến của chính trị gia dân túy Donald Trump trong tương lai.

Cặp vợ chồng phó tổng thống Cheney trong phim Vice của đạo diễn Adam McKay (2018)
Cặp vợ chồng phó tổng thống Cheney trong phim Vice của đạo diễn Adam McKay (2018) Capture d'ecran

Vice không thể thành công, nếu không có đóng góp quyết định của tài tử Christian Bale, người được mệnh danh là « con kỳ nhông » của làng điện ảnh Hollywood. Người mà báo chí Pháp mô tả là chỉ mỗi cái nhướng mày có thể biểu lộ chiều sâu tâm hồn nhân vật. Để nhập vai nhân vật đầy quyền lực của nước Mỹ, Christian Bale đã biến mình thành một con người hoàn toàn khác, một phần nhờ hóa trang và đặc biệt là thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập để nặng thêm 20 kí.

Tuy nhiên, có lẽ nữ tài tử Amy Adams thủ vai Lynne Cheney, vợ của phó tổng thống Dick, mới chính là nhân vật làm nên linh hồn của bộ phim. Không có sự thúc đẩy của người vợ, tham vọng quyền lực của người vợ, một người đam mê văn chương và khao khát chồng đi đến tột đỉnh quyền lực, nước Mỹ sẽ không có phó tổng thống Dick Cheney. Lynne Cheney cặp đôi hoàn hảo với Dick Cheney, người gần như đã lập nên một bộ máy riêng, nhằm thâu tóm toàn bộ quyền lực cho hành pháp, bất chấp nguyên tắc tam quyền phân lập của nền dân chủ.

Phim Vice của Adam McKay được đề cử 8 giải Oscar : cho bộ phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản và dàn dựng hay nhất, diễn viên chính xuất sắc nhất, diễn viên nam và nữ trong vai phụ xuất sắc nhất và hóa trang giỏi nhất. Giải thưởng điện ảnh Oscar 2019 sẽ chính thức được công bố ngày 24/02 tới.

Miến Điện : Biểu tình phản đối dựng tượng lãnh tụ, chính phủ thương thuyết với dân

Tại Miến Điện, căng thẳng giữa chính quyền trung ương với các sắc tộc thiểu số lại có dịp bùng lên, với việc chính quyền khánh thành tượng đài của tướng Aung San - cha đẻ của nền độc lập Miến Điện (thân phụ của bà Aung San Suu Kyi). Việc xây dựng nhiều tượng đài và một cây cầu mang tên tướng Aung San tại bang Môn, ở miền nam, đã gây ra nhiều cuộc biểu tình lớn trong năm 2017.

Hôm 12/02/2019, tại bang Kayah, miền đông, hàng nghìn dân thuộc sắc tộc Karen chiếm đa số tại bang này, xuống đường để phản đối việc dựng một bức tượng tướng Aung San. Đụng độ nổ ra giữa người biểu tình với cảnh sát. Hơn 10 người bị thương do đạn cao su. Thông tín viên Eliza Hunt tường trình từ Rangoun :

« Trên điện thoại di động của mình cô Shar Myar Htwe xem các bức ảnh chụp những người bị thương trong cuộc biểu tình hôm thứ Ba tuần này tại thị xã Loikaw. Người phụ nữ này - thuộc cùng một sắc tộc thiểu số - chia sẻ nỗi tức giận của người biểu tình.

Cô nói : Chúng tôi tôn trọng tướng Aung San, nhưng chúng tôi có các lãnh đạo của chúng tôi. Nếu chính quyền tôn trọng sắc tộc thiểu số chúng tôi, thì họ phải chứng minh điều đó. Trong những ngày gần đây có thêm bốn nhà hoạt động bị bắt bớ. Đây là những người đã từng bị tù đày dưới chế độ độc tài, chính bởi vì họ trưng ra các bức ảnh tướng Aung San vào một ngày lễ của Liên hiệp Miến Điện vào thời điểm đó.

Theo cô Zar Li Aye, một người đến từ bang Chin, miền tây Miến Điện : Nếu như nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi coi hòa giải dân tộc và hòa bình là một trong những ưu tiên của mình, thì tại một quốc gia đang giằng xé với nhiều xung đột nội bộ này, chưa có gì thay đổi thực sự.

Cô nói : Chúng tôi không có trường đại học, giáo dục ở bậc cao. Ở đây chỉ có vài ba bệnh viện, nơi mà ngay cả thuốc paracetamol cũng khó mà có được. Tôi cảm thấy người dân thiểu số chúng tôi bị coi thường. Lúc sinh thời, tướng Aung San đã hứa hậu thuẫn chúng tôi, nhưng lời hứa của ông ấy đã không được thực hiện.

Thất vọng nói trên của các cộng đồng thiểu số có thể sẽ được thể hiện qua lá phiếu, trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới 2020. Hai người phụ nữ nói trên – từng bỏ phiếu cho đảng của bà Aung San Suu Kyi năm 2015 – cho biết sẽ bầu cho các đảng sắc tộc thiểu số ».

Tượng đài tướng Aung San, kiến trúc sư của nền độc lập Miến Điện, khánh thành đầu tháng 2/2019 tại Loikaw, thủ phủ bang Kayah.
Tượng đài tướng Aung San, kiến trúc sư của nền độc lập Miến Điện, khánh thành đầu tháng 2/2019 tại Loikaw, thủ phủ bang Kayah. Reuters

Tuy đụng độ xảy ra giữa cảnh sát với sắc tộc thiểu số Karen, nhưng chính phủ dân sự - do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo - dường như tìm mọi cách để giảm căng thẳng. Theo báo chí Miến Điện, ngay ngày hôm sau chính quyền đã tìm cách thương thuyết với những người phản đối, và chấp nhận không khởi tố người biểu tình. Ngược lại, phía phản kháng cũng chấp nhận đình chỉ các hoạt động chống đối.

Cũng về chính trị Miến Điện, hôm qua 15/02, hai thủ phạm vụ sát hại luật sư Koni, theo đạo Hồi, và là cố vấn của bà Aung San Suu Kyi, bị một tòa án nước này kết án tử hình. Tuy nhiên, kẻ chỉ đạo vụ giết người, một cựu quân nhân, vẫn đang lẩn trốn. Vụ luật sư Koni bị ám sát đầu năm 2017 tại sân bay Rangoun gây chấn động. Ông Koni là một chuyên gia về Hiến pháp, và là một trong số những người hiếm hoi dám lên tiếng trực diện chỉ trích tập đoàn quân sự thao túng Miến Điện, cũng như chống lại bầu không khí bất khoan dung tôn giáo, một nguồn gốc chính của nhiều xung đột tại quốc gia này.

Giới khoa học Hungary đoàn kết chống chính quyền can thiệp

Tại Hungary, sau khi tìm cách đuổi trường Đại Học Trung Âu, một ngôi trường cam kết vì một xã hội mở, tự do và dân chủ, chính quyền của thủ tướng Orban bắt đầu tấn công vào giới khoa học, Đầu tháng 2/2019, chính phủ Hung cho biết sẽ không để cho Viện Hàn Lâm Khoa Học được quyền tự quản về đầu tư nghiên cứu.

Viện Hàn Lâm Khoa Học là định chế khoa học lâu đời và lớn nhất tại Hung, với khoảng 3.000 nhà nghiên cứu, và nhân sự tổng cộng 5.000 người. Hôm 12/02, đông đảo các nhà khoa học đã biểu tình để phản đối quyết định nói trên. Thông tín viên Florence La Bruyère tường trình từ Budapest :

« Hàng trăm người tạo nên một chuỗi dài quanh Viện Hàn Lâm Khoa Học, nằm bên bờ sông Danub. Họ phản đối việc chính quyền tìm cách kiểm soát định chế khoa học này. Kể từ giờ trở đi chính phủ chứ không còn là Viện Hàn Lâm sẽ quyết định việc đầu tư cho nghiên cứu. Viktor Loirincz là một trong 5.000 nhà nghiên cứu của Viện Hàn Lâm (ông là thành viên của một trung tâm nghiên cứu pháp lý).

Giống như đông đảo các đồng nghiệp, ông kêu gọi tẩy chay cách quản lý mới. Nhà nghiên cứu Viktor Loirincz yêu cầu chính phủ rút lại cuộc cải cách này và trở lại với hệ thống như đã có.

Trong ngân sách sắp tới, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ cấp nhiều tiền hơn cho nghiên cứu. Chính là để kiểm soát ‘‘mỏ vàng’’ này mà thủ tướng Hung Viktor Orban quyết định cải cách cơ chế đầu tư cho nghiên cứu của Viện Hàn Lâm, theo nhà vật lý Dénès Lajos Nagy (thành viên của Viện Wigner, chuyên về hạt nhân).

Nhà vật lý cho biết thủ tướng Orban muốn kiểm soát các quỹ của cộng đồng châu Âu, với cách làm mới này, tiền của châu Âu sẽ không đến thẳng với các nhà nghiên cứu, mà thông qua một số doanh nghiệp trung gian. Với hệ thống này, sẽ có khoảng 20 đến 30% số tiền vào túi một ai đó.

Tối hôm đó, ban lãnh đạo Viện Hàn Lâm tuyên bố đứng về phía các nhà nghiên cứu, không chấp nhận cải cách, và yêu cầu chính phủ thương lượng ».

Ngày lễ Tình Nhân : Hãy bảo vệ hoa đồng nội !

Thiên nhiên đang bị các loại thuốc trừ sâu độc hại tàn phá. Các tác hại của thuốc trừ sâu đối với con người ngày càng là điều được thừa nhận. Tại Pháp, cách nay ít tháng, đã ra đời một tuyên bố kêu gọi bảo vệ loài hoa Anh túc đỏ, một biểu tượng của vẻ đẹp hoang sơ ở các vùng nông thôn nước Pháp.

Nhân dịp lễ Tình Nhân 14/02, ca sĩ - nhà soạn nhạc Emily Loizeau trao tặng cho phong trào « Chúng tôi muốn hoa Anh túc đỏ (tên tiếng Pháp là hoa coquelicot) » bài hát do cô sáng tác « Viens avec moi mon vieux pays », nhằm tiếp sức cho chiến dịch chống thuốc trừ sâu độc hại. Lời kêu gọi « Chúng tôi muốn hoa Anh túc đỏ » đã nhận được 500.000 chữ ký hưởng ứng.

Trong lá thư ngỏ của Emily Loizeau gửi phong trào « Chúng tôi muốn hoa Anh túc đỏ », có đoạn : « Bài hát của tôi chỉ là một giọt nước rất nhỏ thêm vào đại dương lo âu và sợ hãi dày vò chúng ta mỗi ngày, nhưng âm nhạc có thể mang lại một cái gì đó diệu kỳ... Tôi hy vọng bài hát ấy có thể nói thay cho các bạn, thấm vào toàn bộ con người bạn, khiến bạn muốn đứng lên, bước đi, chạy nhảy và ca hát… Chúng ta mong muốn con cái chúng ta sẽ không phải lo hãi khi nghĩ đến ngày mai. Chúng ta muốn có chim và có bướm. Chúng ta muốn hoa Anh túc đỏ ! »

Anh túc đỏ (coquelicot) : Một biểu tượng của nông thôn nước Pháp.
Anh túc đỏ (coquelicot) : Một biểu tượng của nông thôn nước Pháp. Wikipedia

Trả lời RFI, Emily Loizeau tâm sự :

« Chính là nhờ nói chuyện với những người làm việc với thiên nhiên, những người cảm thấy và phải chịu các hậu quả của tình trạng khí hậu bị hâm nóng, tình trạng đất đai thoái hóa, côn trùng, chim chóc bị tiêu diệt, mà ý thức của tôi trở nên thính nhạy hơn, sát với thực tại hơn (...) ‘‘Levons nos rêves le vent se lève aussi / Hãy nâng bổng giấc mơ của chúng ta, gió cũng sẽ nổi lên’’. Câu hát này muốn nói là chúng ta có thể biến ước mơ thành hiện thực. Sự co cụm ích kỷ, sống với hận thù, sẽ chỉ dẫn đến các thảm họa. Rõ ràng là như thế. Đây là lúc phải hành động ».

01:19

Nhạc phẩm "Viens avec moi mon vieux pays" của nhạc sĩ Emily Loizeau (2018)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.