Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Venezuela : Nga-Trung-Cuba có thể cứu được Nicolas Maduro ?

Đăng ngày:

Tại Venezuela, danh sách các nước ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido ngày càng dài thêm. Sau Hoa Kỳ, đến lượt hơn một chục quốc gia châu Mỹ và tiếp đến là 19 thành viên Liên Hiệp Châu Âu công nhận tổng thống tự xưng. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc cũng như Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia tiếp tục ủng hộ tổng thống Nicolas Maduro.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Venezuela Nicolas Maduro, tại khu Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 05/12/2018
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Venezuela Nicolas Maduro, tại khu Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 05/12/2018 REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo
Quảng cáo

Vì sao các đối tác này không bỏ rơi Caracas ? Và liệu có thể giúp được chế độ Nicolas Maduro không bị sụp đổ hay không ?

Nga-Venezuela : quyền lợi tương đồng

Từ ngày 23/01/2019 , tổng thống đương nhiệm của Venezuela ngày càng bị cô lập. Cô lập nhưng không có nghĩa là hoàn toàn cô đơn. Nicolas Maduro vẫn được một số nước, ngoài Cuba và Bolivia ở châu Mỹ, còn có hai đại cường quốc tế là Nga và Trung Quốc, ủng hộ trong ván cờ chính trị với đối thủ Juan Guaido.

Matxcơva và Bắc Kinh được xem là lá bùa hộ mạng của vị tổng thống đang xuống dốc chống lại đe dọa can thiệp quân sự của Washington. Vladimir Putin cảnh báo là sẽ « phản ứng nếu Mỹ vi phạm chuẩn mực cơ bản của công pháp quốc tế ». Bắc Kinh « quan ngại » về những mưu toan can thiệp vào nội bộ Venezuela.

Thế nhưng, hầu hết giới phân tích cho rằng các đồng minh của tổng thống Nicolas Maduro, tuy bề ngoài vững chắc, kiên quyết, nhưng hậu thuẫn chính trị và tài chính có giới hạn. Vì nhiều lý do, tổng thống Vladimir Putin sẽ cân nhắc lợi hại tránh xung đột với nước Mỹ của Donald Trump tại địa bàn Nam Mỹ nơi mà Nga không có nhiều hậu thuẫn. Còn Trung Quốc, tuy có ảnh hưởng tài chính trong khu vực nhưng đang kẹt trong cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, sẽ thận trọng không chọc giận Donald Trump.

Hai câu hỏi then chốt là vì sao Nga,Trung và Cuba gắn bó với Venezuela và liệu có thể cứu chế độ Maduro hay không?

Trước hết là mối giao hảo với Matxcơva : Vì sao Putin chống lưng cho chế độ Maduro ?

Sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện Cao đẳng châu Mỹ Latinh Paris, trong chương trình « Giải mã » của RFI tiếng Pháp với chủ đề Khủng Hoảng Venezuela, phân tích :Venezuela là quốc gia mà Nga có ảnh hưởng mạnh nhất trong khu vực Nam Mỹ. Có hai yếu tố giải thích vì sao Putin hết lòng ủng hộ Nicolas Maduro. Trước tiên là lý do kinh tế. Hiện giờ, Nga là chủ nợ thứ hai của Venezuela sau Trung Quốc. Nga có quyền lợi rất lớn tại Venezuela vì với trữ lượng dầu hỏa đứng đầu thế giới, Venezuela tiếp tục có vị thế chiến lược trong hai hoặc ba thập niên tới đây. Lý do thứ hai là địa chiến lược. Như bàn bi da ba băng, ủng hộ chế độ Venezuela là thọc gậy vào chính sách đơn cực của Donald Trump, phá thế trận của Washington tại châu Mỹ Latinh. Iran đã áp dụng chiến thuật này từ đầu thập niên 2000 khi liên kết với Hugo Chavez phá George Bush. Teheran và Caracas bị Mỹ xem là kẻ thù chung.

Cùng câu hỏi này, chuyên gia Eduardo Rios, đại học chính trị Paris chia sẽ nhận định của ông về nước Nga như sau : « Trên thực tế, Nga không có thừa tiền như Trung Quốc. Viện trợ kinh tế của Nga không bằng một phần của Bắc Kinh nhưng bù lại viện trợ quân sự rất đáng kể : huấn luyện quân đội và bán vũ khí. Mất Venezuela, Nga sẽ bị thiệt hại rất lớn về mặt đối ngoại. Có tin cho biết tổng thống Maduro đang được 400 lính đánh thuê của Nga bảo vệ ».

Trở lại với sử gia Olivier Compagnon, ông nghĩ rằng Matxcơva không thể bỏ rơi Venezuela một cách dễ dàng sau khi đã « ứng trước » cho chế độ Chavez hơn 17 tỷ đôla từ năm 2006 . Bảo vệ Maduro bằng lính tư nhân là một giải pháp tình thế : Điện Kremlin bác bỏ tin này. Tôi không hoạt động tại hiện trường nhưng rất nhiều nhà quan sát xác nhận tin này có thật. Viện trợ quân sự của Nga rất quan trọng. Đối với Kremlin, Venezuela vừa là một thị trường vũ khí vừa là một đầu cầu chiến lược cho phép Matxcơva thiết lập hiện diện quân sự tại châu Mỹ latinh, nơi mà Nga không có ảnh hưởng bao nhiêu.

Trung Quốc : con đường tơ lụa

Trung Quốc, tuy khả năng quân sự yếu hơn Nga, nhưng thừa tiền và nhiều tham vọng hơn. Từ 2007, Bắc Kinh đã yểm trợ chế độ Caracas hơn 50 tỷ đô la dưới dạng cho vay, triển hạn nợ. Cũng như Matxcơva, lòng tốt của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu hỏa nhiều nhất địa cầu, gắn liền với trữ lượng dầu hỏa của Venezuela. Từ khi Maduro cầm quyền, do khủng hoảng làm tê liệt đất nước, tác động làm giảm sản xuất dầu, Venezuela không đủ tiền trả nợ cho Trung Quốc.

Viễn ảnh chế độ Maduro sụp đổ là mối lo của Bắc Kinh, đứng về mặt quyền lợi kinh tế và tài chính.

Sử gia Olivier Compagnon :Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất lớn nếu chế độ ở Caracas thay đổi cho dù sự sụp đổ của một chế độ chính trị không hẳn sẽ làm chủ nợ mất cả chì lẫn chài. Tuy nhiên, nợ của Caracas là thế cờ hóc búa trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Từ 20 năm nay, Venezuela là con nợ của Trung Quốc. Không riêng gì Venezuela mà nhiều nước Trung Mỹ đã trở thành đối tác thương mại « chặt chẽ » của Bắc Kinh. Cố tổng thống Hugo Chavez được Trung Quốc đánh giá là một đối tác tốt, rất có giá vào thời điểm mà Venezuela còn là một bạn hàng truyền thống của Washington và Hoa Kỳ là thị trường số một của Venezuela.

Từ năm 2000, Trung Quốc giành ưu thế của Mỹ, độc chiếm vị thế đối tác thương mại lẫn tài chính trong quan hệ với Venezuela. Hệ quả là giờ đây, Caracas thiếu Bắc Kinh một món nợ khổng lồ 54 tỷ đôla.

Bắc Kinh không khước từ đề nghị đối thoại của Juan Guaido cũng như thái độ thận trọng của các công ty dầu hỏa Nhà nước đầu tư tại Venezuela cho phép suy đoán Trung Quốc tính chuyện lâu dài.

Chuyên gia Eduardo Rios :Caracas trở thành mục tiêu số một trong chiến lược « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh. Với hơn 400 tỷ đôla đầu tư vào Venezuela, Bắc Kinh muốn thụ hưởng thành quả . Ẩn số ở đây là liệu Trung Quốc chấp nhận trắng tay nếu Maduro sụp đổ ? Trong bối cảnh tình hình bất ổn hiện nay, các công ty năng lượng Trung Quốc cho biết tạm ngưng khai thác dầu hỏa cho đến khi nào khủng hoảng lắng dịu. Nói cách khác, bất kỳ chế độ nào, nếu chấp thuận hợp tác với Trung Quốc thì Trung Quốc cũng nhìn nhận.

Juan Guaido tìm cách hóa giải lá bùa hộ mệnh của Maduro

Trả lời câu hỏi của tuần báo Pháp l’Express ngày 09/02/2019 « có tiếp xúc với hai đồng minh của Maduro hay chưa ? » tổng thống tự xưng cho biết « đã tiếp xúc với đa số các nước và sẵn sàng thảo luận với mọi nước ». Bắc Kinh và Matxcơva, theo Juan Guaido, thấy rõ tình hình Venezuela : Maduro không được dân chúng ủng hộ, không có khả năng kinh bang tế thế. Ông ta là nhà vô địch sản xuất lạm phát trong khi đất nước này là cường quốc dầu hỏa thế giới.

Theo Wall Street Journal, Maduro từ trước đến nay sử dụng dầu hỏa và nợ để nắm hầu bao của Trung Quốc và Nga. Nhưng Trung Quốc bắt đầu suy tính hơn thiệt. Tiếp tục ủng hộ chế độ đang suy sụp để làm gì nếu để mất ảnh hưởng và uy tín với các nước trong vùng làm hại cho chiến lược « Con đường tơ lụa » ?

Nước Nga của Putin còn mệt hơn Trung Quốc. Kinh tế mong manh của Nga không cho phép Matxcơva hoang phí 17 tỷ đô la tín dụng, chưa kể tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft lo sợ bị mất cả chì lẫn chài nếu ôm chân Maduro, theo phân tích của Bloomberg.

Moscow Times khẳng định là Matxcơva đang âm thầm thương lượng với đối lập Venezuela.

Cuba : đồng thuyền

Ngoài Nga và Trung Quốc, chính quyền Maduro còn được Cuba, đồng minh đáng tin cậy số một trong khu vực.

Lo âu cho vận mệnh tương giao, Cuba, còn nước còn tát, cố tìm một giải pháp kéo dài chế độ cánh tả ở Caracas nhưng không có hy vọng đảo ngược thời thế.

Sử gia Olivier Compagnon : Không một cường quốc nào trên thế giới này mà dại dột không chuẩn bị giao thiệp với nước Venezuela tương lai. Trong bối cảnh chiến lược chuyển đổi công nghệ sạch chống ô nhiễm vẫn còn ì ạch thì dầu hỏa vẫn còn tương lai. Trong tình huống này, Venezuela với trữ lượng dầu hỏa hàng đầu thế giới, cho dù thuộc loại xấu phải tinh lọc rất tốn kém, vẫn là trung tâm quyền lợi của nhiều nước lớn kể cả Pháp, chứ không riêng gì Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Về phần Cuba, đồng minh keo sơn của Venezuela từ 27 năm nay, chúng ta không nên quên là cách mạng Cuba tồn tại được đến ngày nay là nhờ Hugo Chavez. Trong thập niên 1990, khi Cuba sắp khánh tận thì tại Venezuela, trung tá Hugo Chavez, sau âm mưu đảo chính bất thành, đắc cử tổng thống. Nhà lãnh đạo mới khẩn cấp viện trợ dầu hỏa, thực phẩm cho Cuba.

Cuba không bao giờ quên ơn Venezuela và Venezuela không quên Cuba hỗ trợ chính trị. Do vậy, nếu Maduro phải lưu vong, thì Cuba sẽ là nơi tị nạn.

Nhưng điều quan trọng là Cuba, với uy tín ngoại giao rất lớn trong vùng châu Mỹ Latinh, đang nỗ lực vận động để tạo một sự ủng hộ tối thiểu cho Maduro.

Là sử gia, tôi khó có thể phát biểu dự báo tương lai của tổng thống Venezuela nhưng rõ ràng là ông Maduro hiện nay chỉ được một bộ phận nhỏ trong dân chúng ủng hộ. Người dân thiếu ăn, thực phẩm khan hiếm, bất mãn chế độ độc tài, đời sống bất an, nạn lạm phát, không thể chịu đựng mãi. Ủng hộ của một số đồng minh có thể giúp Maduro trụ thêm một thời gian nào đó nhưng diễn tiến hiện nay sẽ đưa đến một chế độ chuyển tiếp. Những nỗ lực của Uruguay, của Mêhicô giải quyết xung khắc trong hoà bình cũng như lời kêu gọi hai bên đối thoại của đức giáo hoàng Phanxicô , theo tôi, là giải pháp hợp tình, hợp lý nhất.

Theo thông tin ngày 13/02/2019, Matxcơva tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Maduro và Guaido và một lần nữa kêu gọi Washington đừng can thiệp vào nội tình Venezuela. Trong khi đó, Bắc Kinh cải chính nguồn tin của Wall Street Journal, theo đó các nhà ngoại giao Trung Quốc đang đàm phán với đối lập Venezuela để bảo vệ đầu tư Trung Quốc một khi thời thế thay đổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.