Vào nội dung chính
IRAN - CÁCH MẠNG

Iran kỷ niệm 40 năm Cách Mạng Hồi Giáo

Hôm nay 11/02/2019 là ngày Iran kỷ niệm 40 năm Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ kéo dài suốt 2.500 năm. Hàng năm, theo thông lệ, nhiều người tập trung ở trung tâm thủ đô Teheran để kỷ niệm Cách Mạng. Năm nay, nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra trong không khí căng thẳng, do Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Cách Mạng Hồi Giáo Iran, Teheran, ngày 11/02/2019
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Cách Mạng Hồi Giáo Iran, Teheran, ngày 11/02/2019 Hossein Zohrevand/Tasnim News Agency/via REUTERS
Quảng cáo

Từ Teheran, đặc phái viên RFI Nicolas Falez gửi về bài phóng sự :

« Đây là một cái lều do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng dựng lên trong một bảo tàng tại Teheran. Những bức ảnh và tài liệu ca tụng nước Cộng Hòa Hồi Giáo, xen lẫn đả kích Hoa Kỳ, Israel và mạng Internet mà theo họ là mối đe dọa khiến giới trẻ Iran hư hỏng.

Trong số các khách thăm quan, một người đàn ông về hưu hồi tưởng lại năm 1979: Điều chúng tôi muốn khi đó là bãi bỏ chế độ chuyên chế, như mọi nước Hồi Giáo khác. Vào thời đó, khắp nơi chỗ nào cũng chuyên quyền, độc đoán, xảy ra trấn áp, nền kinh tế thì yếu kém, đất nước bị tàn phá. Và tất cả những điều mà nhà vua Iran làm là ca tụng chế độ quân chủ 2.500 năm.

Hôm nay, nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran kỷ niệm 40 năm Cách Mạng. Thế nhưng, một phần dân chúng cảm thấy không quan tâm tới các hoạt động kỷ niệm. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi sống tại Teheran chia sẻ: Tôi tự thấy mình không tham dự gì vào buổi lễ lớn này, có đầy người cũng không thích thú gì. Họ thậm chí còn không được sống bình thường do những vấn đề thường ngày. Tôi thích ngồi nhà xem phim hơn.

Cho dù họ có tham dự lễ kỷ niệm này hay không, thì đa phần người dân Iran hiện giờ vẫn lo ngại về tình hình kinh tế của đất nước, vốn bị tác động mạnh mẽ kể từ khi Mỹ thiết lập lại các biện pháp trừng phạt Iran. »

Cuộc Cách Mạng Hồi Giáo Iran năm 1979

Ngày 16/01/1979, quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi cùng gia đình đào thoát khỏi đất nước, sau gần 40 năm tại vị và một năm đối mặt với các làn sóng phản đối, đình công rầm rộ. Ngày 11/02/1979, chính phủ thủ tướng Shapour Bakhtiar bị sụp đổ, đưa lãnh đạo tôn giáo Rouhollah Khomeini, sau 15 năm tị nạn chính trị tại Pháp, trở về nước và lên cầm quyền.

Diễn biến này chính là hệ quả của các chính sách cải cách hiện đại hóa đất nước theo hướng công nghiệp hóa mà quốc vương Pahlavi tiếp nối có từ thời cha ông. Một cuộc cải cách kinh tế và xã hội quá tham vọng và nóng vội dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa để hiện đại hóa đất nước.

Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng dầu lửa. Vật giá leo thang, nguồn thu từ dầu lửa giảm trong khi nền kinh tế đất nước vẫn còn mong manh. Sản xuất dầu khí giảm. Nạn đầu cơ địa ốc đẩy giá bất động sản tăng vọt. Bất bình đẳng ngày càng đào sâu dẫn đến hệ quả người dân mất kiên nhẫn và ngày càng tỏ ra bất mãn.

Ngay sau khi lật đổ chế độ quân chủ, một chính phủ lâm thời đã được thành lập. Ngày 31/03/1979, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với kết quả là kể từ ngày 01/04, một nước Cộng Hòa Hồi Giáo được hình thành, và Khomeini trở thành Lãnh đạo Tối cao.

Cũng trong năm này, quan hệ Mỹ - Iran trở nên xấu đi. Ngày 04/11/1979, khoảng 400 « sinh viên Hồi Giáo, trung thành đường lối chính trị của Imam » đã tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Teheran. Khoảng 52 nhân viên sứ quán cùng với 3 nhân viên bộ Ngoại Mỹ đã bị bắt giữ làm con tin. Cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài trong vòng 444 ngày với hệ quả là chính quyền tổng thống Jimmy Carter đoạn tuyệt bang giao với Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.