Vào nội dung chính
NGA - TÊN LỬA

Nga đặt mục tiêu 2 năm hoàn thiện hỏa tiễn tầm trung trên bộ

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung INF, có thể mang đầu đạn hạt nhân, Nga cũng quyết định rời khỏi INF. Hôm qua, 05/02/2019, Matxcơva khẳng định sẽ phát triển các tên lửa tầm trung có tầm bắn hơn 500 km, vốn bị cấm theo Hiệp định nói trên. Nhiều chuyên gia lo ngại Nga và Mỹ sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

TT Nga Vladimir Putin họp với bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và ngoại trưởng Sergei Lavrov tại điện Kremlin (Mátxcơva - Nga) ngày 02/02/2019.
TT Nga Vladimir Putin họp với bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và ngoại trưởng Sergei Lavrov tại điện Kremlin (Mátxcơva - Nga) ngày 02/02/2019. Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

« Chưa đầy ba ngày kể từ khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung INF để đáp trả Mỹ, chính quyền Nga đã quyết định hành động khẩn trương hơn, với việc chuyển nhanh sang giai đoạn tiếp theo, phát triển một loại hỏa tiễn đạn đạo mới.

Hôm qua, tại Matxcơva, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu thông báo : ‘‘Kể từ ngày 02/02, Hoa Kỳ ngừng tuân thủ các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước INF. Cùng lúc đó, phía Mỹ cũng nỗ lực hoàn thiện các tên lửa trên bộ có tầm bắn xa hơn 500 km, vượt quá các giới hạn mà thỏa thuận nói trên đặt ra. Vì lý do đó, tổng thống Nga đã ra lệnh cho bộ Quốc Phòng có các biện pháp tương thích’’.

Để nhanh chóng có được loại tên lửa mới này, Matxcơva sẽ phát triển hỏa tiễn hành trình Kalibr, vốn được dùng trong Hải quân, cho các hoạt động tác chiến trên bộ. Hỏa tiễn Kalibr từng được Quân đội Nga sử dụng hồi mùa thu 2015, để oanh kích các lực lượng nổi dậy tại Syria. Với tầm bắn hơn 500 km, loại tên lửa này cho phép nước Nga tấn công vào bất cứ mục tiêu nào ở châu Âu. Sau tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou, Quân đội Nga có hai năm để hoàn thiện vũ khí nói trên ».

Pháp kêu gọi Mỹ - Nga triển hạn Hiệp ước START Mới

Cùng với việc Mỹ và Nga đồng loạt rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân chiến thuật INF, cộng đồng quốc tế cũng lo ngại Washington và Matxcơva chạy đua trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược, sau khi Hiệp ước START Mới (New START), ký kết năm 2010, hết hiệu lực vào đầu năm 2021. Hôm qua, 05/02, bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp, bà Nathalie Loiseau, kêu gọi hai siêu cường hạt nhân triển hạn Hiệp ước START Mới, và đàm phán để chuẩn bị cho một hiệp ước kế tục.

Hiệp ước START Mới yêu cầu hai bên giảm dần trong vòng 10 năm số lượng đầu đạn hạt nhân, đồng thời khai triển một chế độ kiểm tra nghiêm ngặt và trao đổi dữ liệu. Hôm thứ Sáu, 01/02, một thứ trưởng Ngoại Giao Nga thông báo Hiệp ước vũ khí hạt nhân chiến lược này rất có thể sẽ không được triển hạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.