Vào nội dung chính
ANH - BREXIT

Nghị viện Anh thảo luận các dự thảo sửa đổi thỏa thuận Brexit

Chỉ còn đúng hai tháng nữa là đến thời hạn nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, 29/03/2019, theo như quy định của Hiệp Định Lisboa. Hôm nay, 29/01, nghị viện Anh tiến hành thảo luận và bỏ phiếu các kiến nghị sửa đổi, bổ sung thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Theresa May đã đưa ra và bị nghị viện bác bỏ ngày 15/01 vừa qua.

Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn phát biểu sau phiên bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng Theresa May ngày 16/01/2019 tại Quốc Hội Anh Quốc. .
Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn phát biểu sau phiên bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng Theresa May ngày 16/01/2019 tại Quốc Hội Anh Quốc. . UK Parliament/Jessica Taylor/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Sau khi dự thảo thỏa thuận Brexit bị bác bỏ, thủ tướng Theresa May không đề xuất kế hoạch B. Do vậy, các dân biểu đưa ra kiến nghị sửa đổi bổ sung. Qua động thái này, nghị viện Anh muốn làm chủ tiến trình đàm phán và giảm bớt vai trò của chính phủ trong hồ sơ Brexit.

Có tất cả 14 dự thảo sửa đổi bổ sung và chủ tịch nghị viện là người quyết định lựa chọn các kiến nghị đem ra bỏ phiếu. Theo AFP, có bốn dự thảo quan trọng : Thứ nhất là dự thảo Brexit của chính phủ phải được nghị viện thông qua, muộn nhất là vào ngày 26/02. Nếu không, nghị viện sẽ bỏ phiếu về việc đề nghị Liên Hiệp Châu Âu triển hạn Brexit đến 31/12/2019, thay vì 29/03, để tránh trường hợp Brexit mà không có thỏa thuận với châu Âu.

Kiến nghị thứ hai liên quan đến các giải pháp trong hồ sơ « backstop – vấn đề biên giới Ai Len », ví dụ không lập đường biên giới, nhưng vẫn có thể tiến hành các kiểm tra ở cách xa khu vực ngăn cách giữa Cộng Hòa Ai Len (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) và vùng Bắc Ai Len (thuộc vương quốc Anh). Nếu kiến nghị này được nghị viện thông qua, thủ tướng Anh có thể đề nghị châu Âu đàm phán lại về « backstop » và trấn an là bà có được sự hậu thuẫn của nghị viên trong hồ sơ Brexit.

Theo đề xuất thứ ba là trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Ba năm 2019, mỗi tuần, nghị viện có một ngày được quyền đề ra các nội dung thảo luận và bỏ phiếu. Nếu được thông qua, các nội dung này không mang tính ràng buộc, nhưng chính phủ khó có thể bỏ qua.

Đề xuất quan trọng thứ tư liên quan đến các giải pháp tránh tình trạng Brexit mà không có thỏa thuận, ví dụ đàm phán với châu Âu về liên minh thuế quan hoặc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.