Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Sự vụng về của quân báo Nga - GRU

Đăng ngày:

Vụ Skripal tiếp tục làm cho quan hệ Nga và Liên Hiệp Châu Âu thêm căng thẳng. Ngày 21/01/2019, Hội đồng các Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu quyết định trừng phạt một lãnh đạo của cơ quan quân báo Nga – GRU.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước các sĩ quan quân báo - GRU nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập cơ quan tình báo Nga, ngày 02/11/2018 tại Matxcơva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước các sĩ quan quân báo - GRU nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập cơ quan tình báo Nga, ngày 02/11/2018 tại Matxcơva. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Trong năm qua, GRU - Cục Tình báo Trung ương Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Nga, nhiều lần trở thành tâm điểm của các vụ bê bối. Chưa bao giờ, uy tín của một tổ chức quân sự, vốn từ trước tới nay vẫn hoạt động rất « kín đáo », lại bị sứt mẻ và chỉ trích mạnh mẽ như lúc này.

GRU : Đối thủ cạnh tranh với FSB (hậu thân KGB)

Theo báo chí và các cơ quan an ninh, tình báo phương Tây, GRU đã dính líu đến nhiều vụ, như đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal tại Anh Quốc, chỉ đạo, thậm chí tiến hành nhiều vụ tấn công tin tặc, rồi bị bắt quả tang khi tìm cách thu thập thông tin của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) tại Hà Lan.

Theo ông Raymond Nart, cựu Cục phó Cục phản gián Pháp – DST, được báo Le Figaro trích dẫn, thì cho đến gần đây, các sĩ quan của GRU thường « kín đáo hơn, ít bị chính trị hóa hơn nhưng cũng tàn bạo hơn » các đồng nghiệp KGB, thuộc cơ quan an ninh, tình báo Nga trước đây.

Việc so sánh này không phải là ngẫu nhiên. Ngay sau khi Cách mạng tháng 10 của phe Bôn-sê-vích thành công, công an chính trị và tình báo quân đội Nga đã lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Vào năm 1918, để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Tchéka, tiền thân của KGB, Hồng quân Liên Xô đã thành lập ra cơ quan tình báo riêng của mình, với nòng cốt là sư đoàn 4 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu.

Đến năm 1950, cơ quan quân báo này chính thức mang tên Tổng cục Tình báo Trung ương Bộ Tổng Tham Mưu – GRU. Trên lý thuyết và theo chức năng, KGB có nhiệm vụ bảo vệ đảng Cộng Sản, còn GRU bảo vệ Nhà nước. Thế nhưng, theo Le Figaro, lãnh đạo của hai cơ quan này lại không ưa nhau.

Từ năm 2016, mặc dù GRU được lãnh đạo bởi tướng Igor Korobov, một người thân cận của Vladimir Putin, nhưng cơ quan tình báo này vẫn tiếp tục đối chọi với FSB (hậu thân của KGB) trong một bầu không khí mà giới chuyên gia gọi là « cuộc chiến thượng tầng » tại điện Kremlin. Cuộc cạnh tranh FSB – GRU sắp tới sẽ ra sao hiện chưa rõ, bởi vì ông Igor Korobov, vốn nằm trong danh sách bị trừng phạt của Hoa Kỳ, đã đột ngột qua đời ngày 22/11/2018. GRU hiện do phó đô đốc Igor Kostyukov, 57 tuổi, tạm thời lãnh đạo.

GRU và những chiến dịch « vụng về »

Thường hay bị KGB « phỗng tay trên », nhưng GRU cũng cho thấy có những kết quả « đáng nể ». Chính người của GRU đã phát hiện tiến triển công trình nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Còn theo tình báo Ý, GRU dường như cũng đứng sau mưu toan ám sát giáo hoàng Phao Lô II thông qua một người Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Ali Agça, ngày 13/05/1981. Giai đoạn này cho thấy các nhiệm vụ của GRU khá đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc thu thập thông tin quân sự.

Về điểm này, Libération còn lưu ý rằng trên phương diện địa chính trị, GRU cũng như bộ Quốc Phòng Nga đều chủ trương một đường lối cứng rắn trong quan hệ với phương Tây và nhất là đối đầu với NATO. Với địa bàn hoạt động rộng hơn so với FSB, không những GRU có một mạng lưới nhân viên tình báo ở nước ngoài rất lớn, mà còn có cả những đơn vị quân đội tinh nhuệ - Spetznaz – và một đơn vị trinh sát kỹ thuật, tương đương với NSA của Hoa Kỳ.

Những tháng gần đây, GRU đã làm hao tốn giấy mực của các phương tiện truyền thông. Điều này đã thật sự gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia tình báo theo như nhận định của nhà báo Daniel Vallot, thông tín viên đài RFI tại Matxcơva. Trong các vụ tai tiếng gần đây, GRU đều bị điểm mặt chỉ tên, thậm chí các nhà điều tra còn dễ dàng lần ra được dấu vết, mà vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên người Nga, Serguei Skripal là một ví dụ điển hình.

Chỉ trong vòng có hai tuần, hai website điều tra đã chứng minh được mối liên hệ của hai nghi can này với quân báo Nga GRU. Trả lời câu hỏi nhà báo Daniel Vallot, ông Roman Dobrokhodov, phụ trách website Nga The Insider giải thích làm thế nào mà từ một trong hai hộ chiếu đã được các nghi can sử dụng trong vụ Skripal, ông đã tìm ra gốc tích và liên hệ của họ với GRU :

« Chúng tôi đưa ngày sinh và hai tên giả của người này vào một cơ sở dữ liệu tại Saint-Petersburg và chúng tôi chỉ tìm thấy có một người đáp ứng với hai tiêu chí nói trên. Trên cơ sở đó, mọi việc trở nên rất dễ dàng : chúng tôi xem xét tất cả các thông tin liên quan cho phép khẳng định nhân diện thực của người này. Chúng tôi đã tìm thấy xe hơi của ông ta, đăng ký với địa chỉ là trụ sở của GRU, rồi số điện thoại di động của ông ta và cuối cùng, chúng tôi tìm thấy hộ chiếu thật của người này, có ảnh đúng như trong hộ chiếu giả. »

Đây không phải là lần hành động duy nhất cho thấy sự « vụng về » của GRU. Trong một vụ khác, liên quan đến việc được cho là thu thập, dò tìm thông tin của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) ở La Haye, Hà Lan, các nhân viên GRU đã để lại một loạt các dấu vết, bằng chứng.

Cảnh sát Hà Lan cũng phát hiện ra một điện thoại di động mà thẻ SIM được kích hoạt trong khu vực gần tổng hành dinh của GRU ở Matxcơva và nhất là hóa đơn đi taxi từ một cơ sở của quân báo Nga ra đến sân bay Sheremetovo, ở Matxcơva… Đây là những sơ hở sai sót làm cho giới chuyên gia rất ngạc nhiên và khó hiểu.

GRU : Thiếu đào tạo, nguyên nhân của những sai lầm

Vậy thì làm thế nào để giải thích về những hành tung vụng về của các điệp viên Nga mà một số chuyên gia coi như là dân không chuyên nghiệp ? Theo chuyên gia phân tích quân sự Alexandre Golts, quân báo Nga được giao những nhiệm vụ mới và chính điều này giải thích vì sao họ lại vụng về như vậy.

« Các cơ quan tình báo quân đội Nga đã thay đổi vai trò : thay vì cố gắng tìm cách có được những bí mật của đối phương, giờ đây, họ lại lao vào các hoạt động mới, được gọi là các « biện pháp chủ động » ở bên ngoài. Nếu người ta chỉ tiến hành tình báo, dò xét người khác, thì khó bị nhận diện. Nhưng nếu tiến hành các hoạt động khác như vụ đầu độc cha con Skripal, thì hiển nhiên, điều này sẽ thu hút sự chú ý của cơ quan phản gián ».

GRU được giao các nhiệm vụ mới khác và các nhân viên của tổ chức quân báo này không hẳn đã được đào tạo để làm những việc đó. Đây là nhận xét của ông Roman Dobrokhokov. Theo ông, sở dĩ các nhân viên của GRU mắc nhiều sai lầm như vậy, đơn giản là vì không được đào tạo đầy đủ.

« GRU là một cơ quan quân báo, các nhân viên của tổ chức này được đào tạo để hoạt động trong môi trường quân sự và do vậy, họ không có thói quen xóa các dấu tích của mình. Chính vì vậy mà người ta đã dễ dàng tìm ra dấu vết của họ.

Trên thực tế, không có một tổ chức nào đảm nhiệm công việc này bởi vì cơ quan FSB chỉ hoạt động tại Nga. Còn các nhân viên của SVR, một cơ quan tình báo khác của Nga, họ rất kín tiếng và họ cũng không được huấn luyện để tiến hành các « biện pháp chủ động ». Họ là điệp viên và được đào tạo để tiến hành thu thập thông tin, làm công tác tình báo. »

Chính quyền Nga luôn luôn bác bỏ các cáo buộc nhắm vào GRU. Không có chuyện bỏ rơi các cơ quan tình báo quân đội. Bằng chứng là ngày 02/11/2018, tổng thống Vladimir Putin đã hết lời ca ngợi quân báo Nga, khẳng định sự ủng hộ của ông đối với cơ quan tình báo mà Matxcơva sử dụng như một công cụ chủ yếu trong chính sách đối ngoại của mình.

« Các đồng chí quý mến, tôi nhìn nhận một cách không hề phóng đại, về năng lực độc nhất vô nhị của các đồng chí, kể cả trong các chiến dịch đặc nhiệm. Tôi rất tin tưởng về tính chuyên nghiệp và lòng can đảm của từng người, và tôi biết rằng mỗi đồng chí đều nỗ lực làm tất cả vì nước Nga và vì nhân dân chúng ta ».

Tóm lại, như nhận xét của ông Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, « GRU được ví như là một công cụ chiến tranh. Nhân viên của GRU giống như là những người lính, mà đối với họ, kết quả đạt được mới đáng quan tâm. Rủi ro và cái giá phải trả ra sao không quan trọng. Do vậy, họ liều lĩnh hơn những điệp viên khác, và đương nhiên họ cũng dễ bị phát giác ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.