Vào nội dung chính
THỤY SĨ - DAVOS

Diễn đàn Davos dự báo: Nhân loại đang "nhắm mắt đi vào" khủng hoảng mới

Một tuần trước Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới thường niên tại Davos, Thụy sĩ, khai mạc hôm qua 22/01/2019, World Economic Forum công bố The Global Risks Report (Báo cáo về các nguy cơ toàn cầu) lần thứ 14 (1).

Hoàng tử Anh William trong một cuộc nói chuyện về môi trường tại Diễn đàn Davos, ngày 22/01/2019.
Hoàng tử Anh William trong một cuộc nói chuyện về môi trường tại Diễn đàn Davos, ngày 22/01/2019. REUTERS/Arnd Wiegmann
Quảng cáo

Báo cáo được sử dụng để làm chỗ dựa cho các thảo luận trong diễn đàn quan trọng hàng đầu của giới lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới, diễn ra trong bốn ngày (từ 22 đến 25/01/2019). Giới quan sát đồng loạt ghi nhận báo cáo Davos năm nay nhấn mạnh đến nguy cơ « Thế giới đang nhắm mắt bước vào một cuộc khủng hoảng mới ». Các hiểm họa về khí hậu và môi trường được coi là những tác nhân hàng đầu của cuộc khủng hoảng này (2).

Báo cáo của Davos nói như thế nào về nhân loại và cuộc khủng hoảng rất có thể sắp xảy ra ?

« Phải chăng thế giới đang nhắm mắt đi vào một cuộc khủng hoảng mới ? Các nguy cơ đối với thế giới ngày càng tăng mạnh, nhưng quyết tâm phối hợp tập thể để hóa giải chúng dường như thiếu vắng » là hai câu mở đầu của bản Báo cáo thường niên của Diễn đàn Davos năm nay.

Thế giới đang nhắm mắt bước chân vào khủng hoảng hay đúng hơn là « chúng ta đangbước vào một cuộc khủng hoảng tiếp theo, trong tình trạng mộng du (Sleep-walking) » là diễn đạt của cựu thủ tướng Anh Gordon Brown, trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 9/2018, nhân dịp kỷ niệm 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đầu tiên trong thế kỷ 21, đánh dấu bằng sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers.

Xin nhắc lại là, tiểu tựa của báo cáo thường niên của Davos năm 2018 là « Fractures, Fears and Failures / Các rạn nứt, sợ hãi và thất bại ». Báo cáo Davos năm nay tăng mức báo động thêm một bậc, với tiểu tựa « Out of control / Vượt tầm kiểm soát ». Phần dẫn nhập của báo cáo nhấn mạnh đến 5 nhóm hiểm họa lớn đối với xã hội toàn cầu.

Cụ thể là 5 nhóm hiểm họa nào ?

Tính dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ xung đột địa chính trị toàn cầu và khu vực gia tăng, căng thẳng chính trị - xã hội tại nhiều quốc gia, môi trường - đa dạng sinh học ngày càng mong manh và các phát triển đột biến về công nghệ - kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học… - đe dọa ổn định. Trên đây là năm nhóm hiểm họa lớn mà báo cáo của Davos tìm cách làm sáng tỏ.

Ba loại hiểm họa đầu tiên được báo cáo Davos nêu ra có thể thấy rõ ngay trong thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019. Cuộc chiến thuế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc  tạm ngưng trong ba tháng (từ tháng 12/2018 đến cuối tháng 2/2019), nhưng đông đảo các chuyên gia dự đoán xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ còn dai dẳng, và đây chỉ là một thời kỳ hưu chiến. Thế đối đầu về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gây lo ngại. Báo cáo của Davos dựa trên các kết quả phỏng vấn khoảng 1.000 chuyên gia và nhà hoạch định chính sách. Khoảng 90% người trả lời dự đoán căng thẳng về kinh tế giữa các cường quốc sẽ gia tăng trong năm nay.

Một ví dụ tiêu biểu khác tại châu Âu là tình trạng giới chính trị Anh vô cùng lúng túng trong việc chuẩn bị cho quyết định chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Chính quyền thực hiện quyết định của toàn dân sau trưng cầu dân ý là nguyên tắc chủ đạo của một nền dân chủ. Thế nhưng trong cuộc ly hôn với châu Âu, đa số giới chính trị lại không đồng ý với giải pháp của chính phủ. Nhưng nước Anh cũng rất khó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Hệ quả là rất nhiều khả năng Luân Đôn sẽ phải chia tay với Liên Âu không thỏa thuận, có nghĩa là sẽ có một thời kỳ hỗn loạn, và hậu quả với hai bên sẽ rất lớn. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị vạ lây.

Riêng tại Hoa Kỳ, đó là tình trạng Shutdown nổi tiếng, do việc đảng Dân Chủ đối lập không chấp thuận đòi hỏi xây tường chặn dân nhập cư của tổng thống Trump, khiến chính quyền Liên bang Mỹ tê liệt từ hơn một tháng nay, điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Nước Pháp như mọi người đều biết cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, với sự trỗi dậy của phong trào Áo Vàng.

Về lĩnh vực công nghệ, báo cáo của Davos nêu bật tình trạng nguy cơ tin tặc gia tăng, việc đánh cắp dữ liệu ngày càng phổ biến, đe dọa đời sống riêng tư của các cá nhân.

Về môi trường, báo cáo của Davos nhấn mạnh đến tình trạng đa dạng sinh học sụt giảm 60% kể từ những năm 1970, cùng rất nhiều đe dọa khác như ô nhiễm, nước biển dâng cao, nước sạch khan hiếm, rừng bị tàn phá và nhất là thiên tai gia tăng với biến đổi khí hậu, Trái đất bị hâm nóng.

Điều đặc biệt đáng chú ý là, theo Điều tra về cảm nhận các nguy cơ toàn cầu (Global Risks Perception Survey - GRPS) trong báo cáo Davos năm nay, các hiểm họa liên quan đến lĩnh vực môi trường – khí hậu chiếm 6 trong số 10 nguy cơ có xác suất xảy ra nhiều nhất (cụ thể là « các hiện tượng thời tiết cực đoan » xếp thứ nhất, thất bại trong việc thực thi Thỏa thuận Paris về Khí hậu đứng thứ hai, thảm họa môi trường do con người gây ra xếp thứ 6…). Các hiểm họa liên quan đến môi trường – khí hậu cũng chiếm 5 trong số 10 hiểm họa gây tác động nặng nề nhất (thất bại trong việc thực thi Thỏa thuận Paris về Khí hậu đứng thứ hai, các « các hiện tượng thời tiết cực đoan » xếp thứ ba…). Về hiểm họa gây tác động nặng nề nhất, các nguy cơ về môi trường chỉ xếp sau nguy cơ « vũ khí hủy diệt hàng loạt ».

Theo Davos, thách thức chủ yếu với nhân loại hiện nay là gì ? Hay nói cách khác, làm thế nào để tránh được việc « nhắm mắt bước vào » một khủng hoảng mới ?

Làm sao để nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng trong một bối cảnh đầy hiểm họa là thách đố hàng đầu, theo các chuyên gia Davos. Chủ tịch Diễn đàn Davos, cựu ngoại trưởng Na Uy Borge Brende, nêu bật trong những dòng đầu tiên của bản báo cáo là thế giới hiện nay đang đi vào một kỷ nguyên hết sức dồi dào về nguồn lực và các tiến bộ công nghệ chưa từng có, thế nhưng cùng lúc đó, đối với một bộ phận rất đông đảo dân cư trên hành tinh, đây cũng là một kỷ nguyên « không an ninh ».

Các hiểm họa với thế giới hiện nay như được nêu trên không hề dễ hóa giải, bởi chúng rất phức tạp và tương tác qua lại, khủng hoảng ở một phương diện này sẽ kéo theo các phương diện khác, và lại càng nguy hiểm hơn khi nhiều hiểm họa đồng loạt xảy ra. Theo chủ tịch Diễn đàn Davos, để đối phó với tình trạng tăng trưởng chững lại hiện nay, điều chủ yếu là cần có « các hành động phối hợp » để hậu thuẫn tăng trưởng và tự vệ trước các thách thức nghiêm trọng.

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các định chế quốc tế là phương tiện chủ yếu cho phép vượt qua các thử thách chưa từng có. Theo chuyên gia Aengus Collins (3) - đứng đầu chương trình « Head of Global Risks and the Geopolitical Agenda » của Diễn đàn Davos, cũng là người phụ trách bản báo cáo nói trên - thì thế giới hiện nay đang đi vào một giai đoạn mới mang tính « phân ly », sau một thời kỳ toàn cầu hóa mãnh liệt, đã khiến toàn bộ hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu thay đổi sâu sắc.

Chính sách co cụm của chính quyền Mỹ, hay của chính quyền Anh chính là biểu hiện cho xu hướng phân ly này. Tuy nhiên, tính chất kết nối sâu sắc của các hệ thống toàn cầu về mặt kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường… hiện nay buộc nhân loại phải chọn cách tiếp tục đoàn kết hơn nữa mới có thể tìm ra các giải pháp chung cho rất nhiều hiểm họa, mà đa số đều mang tính toàn cầu. Tìm ra các cơ chế hợp tác mới cũng chính là thách thức của Diễn đàn Davos lần này.

Các hiểm họa đã được nhận dạng và mục tiêu chung cũng đã được xác định, vấn đề là phối hợp tập thể. Cụ thể như trong vấn đề chống biến đổi khí hậu : Thế giới đã đi đến đồng thuận cao với Hiệp định Paris 2015, nhưng việc cam kết và phối hợp hành động tập thể thì lại hoàn toàn ở dưới mức cần thiết.

Việc chẩn bệnh, kê đơn như trên của Diễn đàn Davos có hiệu quả hay không ?

Trước hết, phải khẳng định là không khí hoài nghi trong giới kinh tế đang gia tăng. Theo một điều tra vừa được công bố hôm 21/01 (4), của văn phòng tư vấn kinh doanh có tiếng PwC, thì có đến 29% trong số 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp được phỏng vấn, bi quan về triển vọng tăng trưởng thế giới (so với 5% vào năm ngoái). Niềm tin đặt vào các cường quốc kinh tế cũng sụt giảm mạnh. Chỉ còn 27% đặt niềm tin vào nước Mỹ ở vị trí số một (so với 46% năm 2018), tin nhiều nhất vào Trung Quốc (24 so với 33%), Anh (8 so với 15%)...

Khẩn trương hành động để đối phó với các hiểm họa hàng đầu, đặc biệt như vấn đề khí hậu là mảng thiếu hụt nghiêm trọng của Diễn đàn Davos, bị một bộ phận giới môi trường chỉ trích mạnh.

Về báo cáo của Davos, giám đốc điều hành của Greenpeace International, bà Jennifer Morgan, cho rằng Diễn đàn Davos - với tư cách là hội nghị quốc tế đầu tiên của năm 2019 - lẽ ra đã phải coi việc hành động khẩn cấp để hạn chế biến đổi khí hậu là một mục tiêu chính, thì « giới tinh hoa » Davos vẫn coi đây chỉ là một trong các vấn đề, và trì hoãn giải quyết.

Hiện tượng giới chóp bu về kinh tế, tài chính sử dụng 1.500 chuyến bay tư nhân để đến dự Diễn đàn Davos năm nay cũng bị chỉ trích như một biểu hiện cho thấy giới tinh hoa đã hoàn toàn coi nhẹ vấn đề khí hậu, môi trường, hay nói cách khác, nói không đi đôi với làm.

Trong lĩnh vực tài chính, tổng giám đốc tổ chức tư vấn tài chính phi chính phủ Finance Watch, ông Benoit Lallemand (5), đã lên tiếng tố cáo là nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp tới sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với khủng hoảng 2008, đặc biệt với sự bành trướng của các thế lực đầu cơ tài chính, với mục tiêu duy nhất là tăng trưởng lợi nhuận, chứ không phải đầu tư thực sự cho nền kinh tế. Tổng giá trị cổ phiếu, trái phiếu, và các sản phẩm tài chính thứ cấp cao gấp khoảng 10 lần so với tổng GDP thực của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo người phụ trách Finance Watch, chống lại nạn trốn thuế, đầu cơ tài chính lại không phải là ưu tiên của giới lãnh đạo kinh tế - chính trị thế giới hiện nay.

Ghi chú

1. Báo cáo về các nguy cơ toàn cầu 2019 của Diễn đàn Davos ra mắt ngày 16/01/2019, tại Luân Đôn.

2. « Davos 2019: climate change causing most anxiety for business leaders, says report », trang mạng The National, ngày 16/01/2019.

3. « Are we sleepwalking into a new global crisis? », weforum.org, ngày 16/01/2019.

4. « A Davos – les patrons broient du noir », Le Monde, ngày 22/01/2019.

5. « La prochaine crise financière pourrait être bien plus violente que la dernière », L’Obs, 19/01/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.