Vào nội dung chính
ANH - CHÂU ÂU

Quốc Hội bác dự thảo Brexit : "Thất bại lịch sử" của chính phủ Anh

Dự thảo Brexit của thủ tướng Theresa May bị nghị viện Anh Quốc bác bỏ đẩy quốc gia này vào tình thế vô định, tổng thống Pháp khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc kéo dài hai tháng, trong bối cảnh khủng hoảng Áo Vàng tiếp diễn, là các tựa lớn của báo Pháp hôm nay 16/01/2019.

Nghị Viện Châu Âu thảo luận về Brexit, Strasbourg, ngày 16/01/2019.
Nghị Viện Châu Âu thảo luận về Brexit, Strasbourg, ngày 16/01/2019. REUTERS/Vincent Kessler
Quảng cáo

Về chủ đề dự thảo Brexit bị nghị viện Anh bác bỏ, Les Echos chạy tựa trang nhất : « Cú nhảy vào vô định ». Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc dự thảo của thủ tướng May bị bác là điều nằm trong dự kiến, điều bất ngờ là số lượng nghị sĩ bỏ phiếu chống cao hơn nhiều. Với 432 phiếu chống, 202 phiếu thuận, nghị viện Anh đặt thủ tướng May trước một áp lực rất lớn. Les Echos có bài nhận định về « thất bại lịch sử » ở nghị viện Anh.

Theo tờ báo, đây là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ Anh tại nghị viện nước này trong vòng một thế kỷ nay. Chênh lệch 230 phiếu giữa bên chống và bên ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu này đã « phá vỡ kỷ lục » 166 phiếu hồi năm 1924. Đòn trời giáng đối với bà Theresa May này khiến việc tìm ra phương thức để Anh Quốc có thể chia tay « trong trật tự » với Liên Âu đúng thời hạn, ngày 29/03/2019, trở thành điều gần như không thể.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dự báo dù là « bi quan nhất » cũng chỉ là thất bại với 225 phiếu chênh lệch (của Financial Times). Còn theo báo Times, thân chính phủ, thì khoảng cách sẽ là gần 200 phiếu.

Trước mắt thủ tướng Anh phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập yêu cầu.Nhiều khả năng bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu một cách an toàn, vì đa số các nghị sĩ liên minh cầm quyền không muốn tổ chức bầu cử nghị viện sớm. Trước mắt, nếu tiếp tục được tín nhiệm, chính phủ Anh sẽ phải thương thuyết lại với Liên Âu về một dự thảo mới (phương án B) để trình lại nghị viện vào thứ Hai tuần tới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh hứa sẽ đàm phán với các đảng phái trong nghị viện tìm một thỏa hiệp để thương lượng lại với Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngay lập tức tỏ ý tiếc về việc nghị viện Anh bác bỏ dự thảo và yêu cầu Luân Đôn « cho biết rõ lập trường càng sớm càng tốt ».

Nếu phương án này không được chấp thuận thì sao ? Nhiều viễn cảnh để ngỏ : Anh Quốc sẽ rời khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận, hay chính Luân Đôn sẽ từ bỏ quyết định Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit cũng là một kịch bản khác.

« Trái bóng trong chân » thủ lĩnh đối lập

Le Figaro trong bài « Kế hoạch của Theresa May bị bác bỏ » cho hay, đa số các nước châu Âu không muốn thương lượng lại dự thảo, vốn là kết quả của 17 tháng đàm phán cam go.Theo Le Figaro, trái bóng hiện giờ bên sân của Công Đảng, đảng đối lập chính tại Quốc Hội Anh. Nếu thất bại trong việc lật đổ chính phủ bảo thủ, lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn có thể đưa ra đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Đây chính là đòi hỏi của 86% đảng viên đảng này.

Tuy nhiên, khả năng nghị viện Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý lần nữa không cao, bởi lãnh đạo Công Đảng có lập trường « chống Liên Âu », cũng chủ trương rời bỏ Liên Hiệp. Như vậy, ông Corbyn có thể sẽ thương lượng trực tiếp với thủ tướng May để tìm một thỏa hiệp. Đây là điều mà Le Figaro cho là « rất khó xảy ra », nhưng không phải là không thể xẩy ra. Một số chính trị gia bảo thủ cũng có thể đưa ra một phương án khác với sự phối hợp của đối lập, để xác lập quan hệ đặc biệt giữa Anh với Liên Âu, như kiểu Na Uy hiện nay (tức là vẫn duy trì liên minh thuế quan và thị trường duy nhất với Liên Hiệp Châu Âu). Phủ thủ tướng Anh cho biết sẵn sàng đón nhận mọi đề xuất thiện chí từ các phía.

Cũng như Les Echos và Le Figaro, nhật báo Libération đặc biệt chú ý đến thái độ của những người phản đối việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu. Sau thất bại của chính phủ Anh, rất nhiều người phản đối Brexit đã ăn mừng trước nhà Quốc Hội, với những lá cờ 15 ngôi sao vàng trên nền xanh da trời, cờ của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, thủ tướng Anh đã cảnh báo : nếu các nghị sĩ chống lại dự thảo thỏa thuận hiện tại, thì chỉ còn hai khả năng. Thứ nhất là nước Anh rời châu Âu « no deal », tức không thỏa thuận, cũng có nghĩa là trong hỗn loạn. Và thứ hai là không còn chuyện Brexit nữa.

Châu Âu cũng bị « khủng hoảng niềm tin » chi phối

Nước Anh khủng hoảng với Brexit. Đi cũng khó, ở lại không xong. Nhưng bản thân các nước châu Âu khác, cụ thể là Pháp cũng bị hội chứng « khủng hoảng niềm tin » chi phối. Le Figaro có bài « Phải chăng châu Âu cũng bị cuộc khủng hoảng niềm tin tấn công ? » thông báo một số kết quả rút ra từ cuộc thăm dò dư luận của Cevipof-OpinionWay.

Theo đó, người Pháp có xu hướng « xa rời » với Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Figaro, lý do chính là nhiều người lo ngại cho cuộc sống riêng của họ, chứ không phải việc họ bác bỏ nguyên tắc một châu Âu đoàn kết.

Theo thăm dò dư luận nói trên, 38% người trả lời khẳng định nước Pháp cần phải tự bảo vệ mình nhiều hơn trong tình hình thế giới hiện nay, so với 23% đòi hỏi nước Pháp phải mở cửa hơn. Khoảng cách như vậy là 15 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với hồi năm ngoái.

Một trong các ví dụ cụ thể cho thấy Liên Âu có vẻ như đang trở thành một chủ đề nhạy cảm. Trong số 33 câu hỏi mà tổng thống Pháp gửi đến toàn dân trong cuộc Thảo luận quốc gia vừa khai mạc, chỉ có một câu hỏi nhắc đến châu Âu, nhưng không phải với cách hỏi trực tiếp, mà được gài vào một câu hỏi liên quan đến « cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ở quy mô châu Âu và quốc tế ». Trong khi đó, châu Âu vốn là phần cốt lõi trong dự án chính trị của tổng thống Pháp.

Khu vực euro phải bảo vệ người dân !

Về các thách thức với châu Âu hiện nay, Le Monde có cuộc phỏng vấn chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), bộ trưởng Tài Chính Bồ Đào Nha Mario Centelo. Bài phỏng vấn mang tựa đề : « Liên Âu phải có biện pháp hóa giải nỗi lo sợ của người dân do toàn cầu hóa ».

Trước hết, chủ tịch Eurozone khẳng định: so với cách nay 10 năm khu vực đồng euro vững mạnh hơn nhiều. Châu Âu đã có 22 quý tăng trưởng liên tục, và thêm 9 triệu việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008. Liên Âu cũng củng cố được liên minh ngân hàng, cho phép sẵn sàng đối phó với các nguy cơ khủng hoảng. Tình hình về cơ bản là tương đối đáng lạc quan. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, để tăng cường ổn định nền kinh tế châu Âu, thị trường lao động và các định chế. Việc các quốc gia Liên Âu tăng cường củng cố khu vực đồng euro hiện nay là theo chiều hướng tích cực.

Khủng hoảng « Áo Vàng » không chỉ riêng nước Pháp

Về nguy cơ cuộc khủng hoảng « Áo Vàng », làm suy yếu nền kinh tế Pháp và châu Âu, lãnh đạo khu vực đồng euro nhấn mạnh đây không phải là vấn đề của riêng nước Pháp. Nhiều nước châu Âu cũng gặp các khủng hoảng tương tự, với những hình thức khác.

Một trong những định hướng quan trọng là bảo vệ sức mạnh của đồng euro, đồng tiền vốn đã được dân chúng tin tưởng hơn nhiều so với cách nay hai thập niên. Củng cố đồng euro là một trong các biện pháp để khẳng định vị thế của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Chủ tịch khu vực đồng euro cũng nhấn mạnh là không thể dùng biện pháp « bảo hộ mậu dịch », để chống lại « các biện pháp cạnh tranh bất chính » của Trung Quốc, mà phương pháp hiệu quả nhất là thương lượng về mặt chính trị với Bắc Kinh, trong khuôn khổ đa phương.

Pháp khai mạc Thảo luận toàn quốc : Kẻ khen, người chê

Cuộc Thảo luận toàn quốc tại Pháp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng được hầu hết các báo hôm nay quan tâm.Buổi khai mạccuộc Thảo luận, dưới sự chủ trì của tổng thống Macron, tại một làng nhỏ miền tây nước Pháp, gây nhiều phản ứng rất khác nhau. Kẻ khen, người chê.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài « Thảo luận việt dã giữa tổng thống Pháp với các thị trưởng, xã trưởng » chú ý đến việc ông Macron đã dành 7 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi của các thị trưởng, xã trưởng, và có nhiều cử chỉ cởi mở. Cụ thể như việc giới hạn tốc độ xe hơi 80km/giờ trên các tuyến đường giao thông phụ, vốn bị người dân ở các vùng hẻo lánh phản đối mạnh. Ngay cả trong vấn đề bỏ thuế ISF (tức thuế đánh vào tài sản của những người giàu), một cải cách mà tổng thống Pháp cho là không thể đảo ngược, ông cũng cho biết sẵn sàng đánh giá lại hiệu quả của biện pháp này.

Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération nhìn buổi khai mạc Thảo luận toàn quốc hôm qua với vẻ rất hoài nghi, với bài « Eure : Đối diện với các thị trưởng, Macron khởi sự cuộc đối thoại bằng một cuộc độc thoại ». Libération nhấn mạnh là việc tổng thống Macron không mở cửa cho những người Áo Vàng tham gia vào cuộc gặp này, cũng như việc tổng thống chiếm trọn vị trí trung tâm, khiến cho buổi khai mạc mang dáng dấp của một buổi thuyết trình quan điểm của chính phủ. Đây là một cách mở đầu « kỳ lạ » cho một cuộc Thảo luận toàn quốc.

Lẽ ra phải tổ chức Thảo luận trước khi « Áo Vàng » nổi dậy

Nhân dịp Thảo luận toàn quốc khai mạc, Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến của các chính trị gia đối lập. Đáng chú ý có quan điểm của lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot. Lãnh đạo đảng Xanh, cũng là người đứng đầu các đảng vì môi trường tại Nghị Viện Châu Âu khẳng định một cuộc thảo luận như vậy là « điều tuyệt vời », mà lẽ ra không cần phải đợi đến phong trào Áo Vàng, rồi tổng thống mới quyết định tổ chức.

Lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa Laurent Wauquiez cho biết đảng này sẽ đóng góp tích cực vào cuộc thảo luận trong những tuần tới.

Thảo luận toàn quốc : Cơ hội để học cách nghe nhau

Cuộc Thảo luận toàn quốc, dự kiến kéo dài hai tháng, có ý nghĩa hệ trọng đối với đời sống chính trị nước Pháp. Nhật báo Les Echos trong mục « Mỗi ngày một sự kiện » có bài nhận định thú vị về cuộc Thảo luận chưa từng có này, với tựa đề « Cuộc trị liệu tập thể ».

Theo Les Echos, điều cơ bản không chỉ là việc các cử tri Pháp lên tiếng, mà vấn đề chính là người Pháp cần học lại cách nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng cho thấy một vấn đề chính của nước Pháp hiện nay là mức độ phân hóa xã hội vô cùng lớn. Nhiều người thuộc các nhóm xã hội khác nhau, có thể sống ngay sát cạnh nhau, nhưng không hề có quan hệ với nhau, không biết và không hiểu nhau nghĩ gì.

« Tìm lại được một ngôn ngữ chung », mà mọi người có thể chia sẻ được, hay ít nhất là « một số quan niệm chung tối thiểu » là mục tiêu chủ yếu của cuộc thảo luận này. Một người bạn của tổng thống Macron thì gợi ý nên thay đổi về phương pháp, phải biết cách đối thoại mềm mại hơn, nếu muốn nước Pháp qua cuộc thảo luận này đi đến được một số đồng thuận, thay vì tiếp tục bị chia rẽ do thái độ đối đầu không khoan nhượng giữa các bên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.