Vào nội dung chính
ANH - BREXIT

Brexit : Thời hạn 29/03 khó mà được giữ nguyên

Cho dù kết quả cuộc biểu quyết tại Quốc Hội Anh tối nay sẽ như thế nào, ngày càng khó mà Anh Quốc có thể ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng thời hạn dự trù là 29/03/2019, mặc dù cho tới hôm qua, thủ tướng Theresa May vẫn cho rằng không nên dời lại ngày Brexit.

Người dân Anh biểu tình chống Brexit tại trung tâm thủ đô Luân Đôn, ngày 12/01/2019.
Người dân Anh biểu tình chống Brexit tại trung tâm thủ đô Luân Đôn, ngày 12/01/2019. REUTERS/Henry Nicholls
Quảng cáo

Cuộc bỏ phiếu về Brexit lẽ ra đã được tổ chức vào ngày 11/12/2018, nhưng do có quá nhiều bất đồng giữa các dân biểu, nên thủ tướng Anh đã quyết định dời lại cuộc biểu quyết này đến tháng Giêng năm 2019. Khi đưa ra quyết định này, bà Theresa May dường như nghĩ rằng đến tháng Giêng, các dân biểu Anh Quốc, vì hoảng sợ trước nguy cơ « no deal », tức là ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận, sẽ buộc phải bỏ phiếu thuận.

Sau cuộc biểu quyết hôm nay, một số kịch bản có thể xảy ra, tùy theo các dân biểu Anh bỏ phiếu thuận hay chống thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đã thương lượng với Bruxelles. Việc dời lại cuộc biểu quyết cho đến hôm nay càng khiến cho tiến trình Brexit thêm nhiều rủi ro và trái với hy vọng của thủ tướng Theresa May, do có rất ít khả năng các dân biểu Anh Quốc bỏ phiếu thuận.

Trong trường hợp Quốc Hội bỏ phiếu chống, có nhiều khả năng là Anh Quốc sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận nào, một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt.

Kịch bản thứ hai là Anh Quốc tổ chức lại trưng cần dân ý về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Nhưng nếu tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai thì Anh Quốc không thể nào tuân thủ thời hạn 29/03.

Nếu thủ tướng Theresa May thất bại trong cuộc biểu quyết hôm nay, một kịch bản khác có thể xảy ra là Anh Quốc tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, như yêu cầu của Công đảng đối lập. Nếu Công đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, họ dự tính sẽ thương lượng một thỏa thuận mới với Bruxelles. Nhưng trong trường hợp đó, cần phải có nhiều thời gian để làm việc này. Do vậy, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã nêu lên khả năng dời lại ngày Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng cho dù Theresa May có « chiến thắng » trong cuộc bỏ phiếu hôm nay ở Quốc Hội Anh, bà sẽ có rất ít thời gian để thông qua các quy định, luật lệ cần thiết trước khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/03.

Hãng tin AFP cho biết khoảng 100 nghị sĩ châu Âu thuộc các xu hướng chính trị khác nhau hôm qua đã cam kết sẽ ủng hộ yêu cầu của Luân Đôn dời lại ngày Brexit. Nhưng nếu dời lại thời hạn 29/03 thì có thể dời đến ngày nào ? Vấn đề càng thêm rối rắm bởi vì bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/05.

Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, không thể nào dời lại ngày Brexit đến sau 30/06, vì lúc đó Nghị viện châu Âu mới đã được thành lập xong. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao tránh được việc Anh Quốc, do vẫn là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu và sẽ lại có các nghị sĩ trong Nghị viện mới, trong khi nước này đang chuẩn bị ra khỏi châu Âu ? Đây chính là một bài toán đang làm nhức đầu các chuyên gia pháp lý châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.