Vào nội dung chính
MỸ- QUỐC TẾ

Chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông : Cô lập Iran

Trong vòng công du Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chọn thủ đô Ai Cập để công bố bản « Tuyên bố Cairo » khẳng định Washington không có ý đồ thống trị Trung Đông. Thông điệp đọc tại Đại Học Mỹ, Cairo, ngày 10/01/2019, tập trung vào sách lược « hợp tác » với các nước trong khu vực để chống « Hồi giáo cực đoan », kẻ thù « thâm hiểm nhất » của các quốc gia Hồi giáo ôn hoà và cộng đồng Thiên Chúa giáo trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Cairo, ngày 10/01/2019.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Cairo, ngày 10/01/2019. Reuters
Quảng cáo

Trong diễn văn đọc tại Đại Học Mỹ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định những nét chính của sách lược Trung Đông đã được tổng thống Donald Trump loan báo vào năm 2017 tại Riyad : liên kết các nước đồng minh của Hoa Kỳ chống lại nước Iran hệ phái Shia, được mô tả là kẻ thù nguy hiểm nhất cho các chế độ ôn hoà và nước Mỹ.

Theo phân tích của Alexandre Buccianti, thông tín viên RFI tại Cairo, tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo có thể xem như sang trang chính sách của tổng thống Barack Obama năm 2009, cũng được tuyên bố từ Cairo.

Từ nay, Washington không nói đến quan hệ với Hồi giáo mà chỉ nhấn mạnh đến sự hợp tác với các quốc gia trong vùng vịnh Ba Tư, Ai Cập và Jordani.

Trong lúc Iran ngày càng tự tin - chế tạo tên lửa, trực tiếp can thiệp với lực lượng vệ binh cách mạng, hoặc qua các cố vấn quân sự, hay các tổ chức Shia võ trang như Hezbollah, Hamas, để bành trướng ảnh hưởng đến tận Liban và Syria -, thì các chế độ đồng minh của Mỹ lại chia rẽ, thậm chí đối nghịch như trường hợp Ả Rập Xê Út và Qatar.

Xây dựng « liên minh NATO tại Trung Đông »

Ngoại trưởng Mỹ phân tích ra sao và đề nghị giải pháp nào ? Theo cựu giám đốc CIA Mike Pompeo, tổng thống Barack Obama, mà ông không nêu đích danh, đã « khuyến khích » chính quyền Iran táo bạo hơn, vì không thấy bản chất « bướng bỉnh và thô bạo của Hồi giáo cực đoan ». Hậu quả là Mỹ bỏ rơi các đồng minh. Một khi Hoa Kỳ rút lui thì hỗn lọan tràn tới.

Theo ngoại trưởng Mike Pompeo, Hoa Kỳ không có tham vọng thống trị Trung Đông nhưng sẽ không rút quân cho đến khi nào cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc. Từ nay, Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân, nhưng « làm khác đi » theo nghĩa dùng ngoại giao và với các đồng minh để « đuổi Iran ra khỏi Syria ». Israel cũng được bảo đảm « duy trì khả năng quân sự » đối đầu với Iran.

Theo AFP, mục tiêu của « Tuyên bố Cairo » và vòng công du của ngoại trưởng Mỹ là nhằm chứng minh Washington có một « học thuyết mới », trong bối cảnh nhiều đồng minh hoang mang bởi hàng loạt quyết định của Donald Trump : bỏ hiệp định hạt nhân với Iran, dời sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem và rút quân khỏi Syria. Học thuyết này  nhắm đến việc thành lập một liên minh chiến lược tại Trung Đông, một hình thức « NATO Ả Rập ».

Để thực hiện mục tiêu này, Washington kỳ vọng vào các đối tác thân thiết nhất. Ngoại trưởng Mike Pompeo một mặt ca ngợi Cairo là đồng minh « vững chắc trong cuộc chiến chống khủng bố », nhưng mặt khác, tự nhận là tín đồ Tin lành phúc âm thuần thành, ông kêu gọi Ai Cập « phát huy nhân quyền, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo » khi gặp tổng thống Ai Cập, khi đi thăm một đền thờ Hồi giáo và một thánh đường của Thiên Chúa giáo thuộc hệ phái Copte. Một tín hiệu trấn an cộng đồng Thiên Chúa, thường xuyên là nạn nhân của khủng bố Hồi giáo, nhân mùa Giáng sinh của hệ phái Copte.

Liệu chiến lược mới của Washington có tác động ra sao ? Rob Malley, nguyên là thành viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời tổng thống Barack Obama, nay là chủ tịch Nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế International Crisis Group, phê phán : Có thể công luận Ả Rập sẽ « lên tinh thần » với thông điệp Cairo, nhưng công luận thế giới sẽ xem đây là « bức tranh tự mãn của chính quyền Trump ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.