Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Trí thông minh nhân tạo: Châu Âu tranh đua không cân sức với Mỹ-Trung

Đăng ngày:

Báo kinh tế Les Echos ngày 16/10/2018 cho biết, hiện giờ tại 28 nước Liên Hiệp Châu Âu, Thụy Sĩ và Na Uy, có tổng cộng 2.261 công ty khởi nghiệp, 393 phòng nghiên cứu và 3.801 mạng xã hội và sự kiện (triển lãm, hội thảo) liên quan đến trí thông minh nhân tạo. Đó là kết quả nghiên cứu mà công ty tư vấn chiến lược Roland Berger thực hiện cho France Digitale, hiệp hội các doanh nhân và nhà đầu tư Pháp trong lĩnh vực công nghệ số, và được công bố tại hội thảo FranceisAI 17-18/10/2018.

Trí thông minh nhân tạo - công nghệ của thế kỷ XXI
Trí thông minh nhân tạo - công nghệ của thế kỷ XXI © Vie publique.fr
Quảng cáo

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là Liên Hiệp Châu Âu vẫn đi sau Mỹ và Trung Quốc về phát triển trí thông minh nhân tạo, công nghệ của thế kỷ XXI.

ý thức được về thách thức đang chờ đón trong việc cạnh tranh về trí thông minh nhân tạo với hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, nên hồi cuối năm 2018, Ủy Ban Châu Âu đã tổ chức một cuộc họp tập hợp 52 chuyên gia cao cấp, gồm các nhà nghiên cứu, đại diện các nghiệp đoàn, doanh nghiệp … nhằm lên một kế hoạch hành động chung cho toàn Liên Hiệp, đặc biệt là về trao đổi dữ liệu và đầu tư trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Kế hoạch sẽ chính thức được công bố vào mùa xuân 2019. Ủy Ban Châu Âu cũng đã hứa đầu tư 2 tỉ euro cho công nghệ trí thông minh nhân tạo để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như chế tạo sản phẩm, chăm sóc sức khỏe, phát triển nông nghiệp, phân tích dữ liệu cho chính phủ, sản xuất vũ khí …

Trên kênh truyền hình France 24, ngày 17/12/2018, khi được hỏi tại sao Liên Hiệp Châu Âu lại thua kém Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, bà Mady Delvaux, dân biểu châu Âu, thuộc đảng Xã Hội và Dân Chủ, Luxembourg, trả lời :

« Tôi nghĩ một phần là do chúng ta có ít phương tiện tài chính hơn, bởi vì trong những năm gần đây, dẫu sao thì chúng ta cũng bị hạn chế về ngân sách và không chú ý đến đầu tư. Cũng phải thấy là ở Mỹ, có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào trí thông minh nhân tạo.

Và Trung Quốc thì nhận thấy là Hoa Kỳ đã vượt trước họ, thêm vào đó Trung Quốc thực sự cũng có nhiều phương tiện để gây ảnh hưởng, tôi muốn nhấn mạnh là họ không chỉ có tiền, mà Trung Quốc còn có khả năng, nguồn nhân lực. Để phát triển trí thông minh nhân tạo, cần có rất nhiều trí thông minh của con người thì mới làm được. Và tất nhiên là Trung Quốc có tiềm lực về các nhà nghiên cứu, các nhân tài. Ở châu Âu, chúng ta cũng đang hướng tới điều đó, nếu chúng ta giữ được những người trẻ tuổi và người tài ở lại châu Âu. »

Quả thực, số tiền đầu tư của châu Âu « không ăn thua » so với mức đầu tư của Mỹ và Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện đã có GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft), Trung Quốc cũng có BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiomi). Mỗi năm, Trung Quốc đầu tư 5-7 tỉ đô la để kích thích phát triển trí thông minh nhân tạo « made in China ». Còn tại Mỹ, không chỉ chính phủ mà giới tư nhân cũng đầu tư rất nhiều vào trí thông minh nhân tạo. Chẳng hạn, Google chi 15 tỉ đô la/năm cho nghiên cứu và phát triển, chỉ tính riêng ở Mỹ. Ngoài ra, Mỹ rất giỏi về marketing, đứng đầu thế giới về triển khai hệ thống « nhập khẩu nhân tài », cho phép Hoa Kỳ thu hút những người giỏi nhất.

Cản lực từ quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân RGPD ?

Trí thông minh nhân tạo không thể tách rời Big Data - dữ liệu lớn có được nhờ thu thập một khối lượng khổng lồ thông tin cá nhân người sử dụng internet. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu lại rất chú trọng đến việc bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Để bảo vệ cư dân mạng Liên Hiệp trước mối nguy bị lạm dụng, đánh cắp thông tin, sau 4 năm thương lượng với từng thành viên, Hội Đồng Châu Âu đã thông qua Quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân(RGPD) vào ngày 08/04/2016.

Theo quy chế RGPD, nhà cung cấp dịch vụ trên internet chỉ được thu thập thông tin cá nhân của người dùng sau khi có được câu trả lời đồng ý rõ ràng của họ. Người dùng internet ở Liên Hiệp cũng sẽ phải được thông báo rành mạch, dễ hiểu về việc các công ty có ý định sử dụng thông tin cá nhân họ như thế nào, vì mục đích gì. Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm phải tôn trọng « quyền được lãng quên » : các kết quả tìm kiếm thông tin cá nhân của một người phải được dỡ bỏ khi họ yêu cầu. Người dùng internet cũng có quyền « thu hồi » thông tin mà họ đã cung cấp cho các nhà mạng hoặc lấy lại dữ liệu để cung cấp cho một nhà cung cấp dịch vụ khác. Quy chế RGPD chính thức được áp dụng ở châu Âu từ ngày 25/05/2018.

Vì RGPD có rất nhiều quy định cụ thể, khá chặt chẽ nên bà Eline Chivot, nhà phân tích thuộc Trung Tâm Sáng Kiến Dữ Liệu, cho rằng quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên Hiệp đang « thọc gậy bánh xe », « ngáng trở » Châu Âu phát triển trí thông minh nhân tạo. Nhà phân tích Eline Chivot giải thích : « Chẳng hạn nếu chúng ta nhìn vào cách thực hiện tiến trình quyết định tự động hóa, chúng ta nhận thấy là rất khó để các nhà lập trình tuân thủ những yêu cầu, sự bắt buộc mà quy chế RGPD đã đặt ra. (…) Và vì quy chế RGPD đề xuất là phải cắt nghĩa, giải thích cho người sử dụng, phải đảm bảo tính minh bạch, nên rất khó để các nhà lập trình tuân thủ quy chế, vì thế họ dễ bị phạt. »

Quá muộn để Châu Âu cạnh tranh với Mỹ - Trung ?

Trả lời cho câu hỏi liệu có phải là quá muộn để Châu Âu cạnh tranh về trí thông minh nhân tạo với Mỹ và Trung Quốc, nhà toán học Villani, dân biểu thuộc đảng Nước Pháp Tiến Bước, tác giả một báo cáo 240 trang cho chính phủ Pháp về về trí thông minh nhân tạo, khẳng định « châu Âu không bị muộn về kỹ thuật so với GAFA ». Điều nguy hiểm nhất lớn nhất trên quy mô châu Âu là không đổi hướng phát triển trí thông minh nhân tạo, và không thấy là các sản phẩm của châu Âu bị giảm giá trị so với sản phẩm trí thông minh nhân tạo ở các châu lục khác.

Còn ôngGuillaume Champeau, Giám đốc phụ trách pháp lý và đạo đức của Qwant - công cụ tìm kiếm của châu Âu - phát biểu : « Tôi nghĩ rằng không được nghĩ quá tiêu cực hoặc bi quan về hiện trạng lĩnh vực trí thông minh nhân tạo ở châu Âu. Chúng ta vẫn có những trường mà hầu hết những người giỏi nhất thế giới về trí thông minh nhân tạo đều được đào tạo từ đó. Ngoài ra, nhóm các công ty mà người ta gọi là GAFA của Mỹ, tức là các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng đến tìm kiếm các tài năng ở châu Âu, thậm chí các doanh nghiệp này còn đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại châu Âu.

Trái lại, đúng là chúng ta có một vấn đề : các doanh nghiệp muốn phát triển ở châu Âu có mối lo lâu dài về tài chính, họ cũng không thể thu hút các nhân tài. Hoạt động huy động vốn ở châu Âu có những nét riêng, các doanh nghiệp châu Âu cũng không dám mạo hiểm như các doanh nghiệp ở nơi khác ».

Châu Âu chỉ là thuộc địa công nghệ số ?

Quả thực, hồi đầu năm 2018, Google và Samsung đã thành lập các trung tâm nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo tại Paris. Cũng khẳng định là châu Âu có các trường đào tạo toán học và tin học tốt nhất thế giới, cung cấp nhiều nhân lực cao cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng bà Nozha Boujemaa, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc gia về tin học và tự động (Inria), giám đốc Viện Khoa Học dữ liệu, trí thông minh và xã hội, lưu ý trên báo Le Monde, ngày 08/11/2018, là châu Âu hiện nay chỉ là « một thuộc địa công nghệ số của các tập đoàn GAFAM ». Chừng nào không có được các công cụ riêng để thu thập dữ liệu, châu Âu vẫn không thể vươn lên đi đầu trong lĩnh vực công nghệ của thế kỷ XXI.

Ngoài ra, chỉ toán học và tin học thì không đủ, châu Âu còn thiếu hiệu quả về mô hinh kinh doanh trí thông minh nhân tạo. Nhiều công ty khởi nghiệp châu Âu đã gặt hái được nhiều thành công như DeepMind, Aldebaran, ARM … cuối cùng đều bị các tập đoàn đa quốc gia mua lại. Vấn đề của Châu Âu không phải là tạo ra các « con gà đẻ trứng vàng » mà là giữ được chúng cho Liên Hiệp. Riêng tại Pháp, nhà toán học Cédric Villani cũng nhấn mạnh tới « công cuộc khai thác thuộc địa công nghệ thông tin » của Google, Facebook. Hai tập đoàn này tới Pháp, mang đi những người tài giỏi nhất của Pháp, nhưng lại chẳng mang lại cho nước Pháp điều gì.

Một điểm khác, theo báo cáo của tổ chức tư vấn chiến lược Roland Berger, ở cả 30 nước ở châu Âu mà tổ chức này tìm hiểu, trí thông minh nhân tạo thường được ứng dụng trong một số lĩnh vực như công nghệ, truyền thông và văn hóa, tài chính và chăm sóc sức khỏe. Đối với tổ chức Roland Berger, sự thuần nhất này cũng góp phần kìm hãm sự phát triển của châu Âu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Roland Berger khuyến cáo mỗi nước cần chuyên sâu về những mảng thuộc thế mạnh và ưu tiên phát triển của mình trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Đồng thời kết hợp với các nước có cùng mối quan tâm để tạo thành những nhóm trong khu vực, điều đó sẽ cho phép tăng tính đa dạng và cải thiện trình độ, nâng cao tính cạnh tranh của châu Âu trên đấu trường thế giới về trí thông minh nhân tạo, nhất là trước hai siêu cường Mỹ - Trung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.