Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - TÀI CHÍNH

Chống biến đổi khí hậu : Mấu chốt là tiền

Thời sự trong nước là chủ đề hàng đầu của nhiều báo Pháp số ra ngày mùng 2 tháng Giêng 2019. Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu tổng thống Macron có dẫn dắt thành công các cải cách trong năm 2019 ? ». Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « Thuế : 2018 năm của những thay đổi lớn ». La Croix chú ý đến hiện tượng mới người di cư vượt biển từ Pháp qua Anh trên những chiếc thuyền mong manh. Libération dành gần như trọn số báo đầu năm mới cho cuộc chiến vì môi trường, với tựa đề trang nhất : « Gây ô nhiễm ít hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Các giải pháp của Libé ».

Khoảng 10 nghìn người tuần hành tại Paris kêu gọi quyết liệt chống biến đổi khí hậu, ngày 12/12/2015. Khẩu hiệu của cuộc tuần hành : ‘‘Công lý, Khí hậu, Hòa bình’’
Khoảng 10 nghìn người tuần hành tại Paris kêu gọi quyết liệt chống biến đổi khí hậu, ngày 12/12/2015. Khẩu hiệu của cuộc tuần hành : ‘‘Công lý, Khí hậu, Hòa bình’’ Photo : Coalition Climat 21
Quảng cáo

Hồ sơ « Sinh thái và xã hội, sự phối hợp của hai cuộc chiến » của Libération nhấn mạnh là cuộc chiến vì chuyển đổi sang kinh tế sinh thái và cuộc chiến vì công bằng xã hội hoàn toàn không đối lập nhau. Bởi những nhóm xã hội nghèo khó nhất cũng chính là các nhóm chịu các tổn thất lớn nhất, do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, các giống loài sinh vật bị tiêu diệt.

Libération nêu bật bốn biện pháp cho phép vừa giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa tiết kiệm được ngân sách. Đó là cải tạo lại nhà ở để tiết kiệm năng lượng hơn, nguyên tắc ai gây ô nhiễm người ấy trả tiền, với mục tiêu nhắm vào các ngành công nghiệp phát thải chính, cũng như các phương tiện giao thông phát thải chính, như hàng không, hàng hải. Thứ ba là cải tiến phương thức đi lại sao cho tiết kiệm năng lượng hơn và thứ tư là thay đổi cách ăn uống, ưu tiên các thực phẩm ít gây khí thải và tổn hại cho sức khỏe hơn. Libération cũng dành nhiều bài cho chủ đề làm sao để con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Gắn bó với thiên nhiên cần được coi là hậu thuẫn số một cho cuộc chiến vì sinh thái. Nhật báo Pháp có bài phỏng vấn nhà sinh học Emmanuelle Pouydebat. Bà kêu gọi đừng thờ ơ với thế giới sinh vật muôn màu muôn vẻ, bởi vì nhiều loại sinh vật có những khả năng hơn hẳn con người, có những bài học thú vị, những giải pháp mà con người có thể học hỏi. Từ loài sứa méducula kích thước 5 mm có khả năng cải lão hoàn đồng, đến nhiều loại kiến và chim có khả năng định vị tuyệt vời trong không gian, nhiều loài thú có khả năng tìm được những nguồn thuốc chữa bệnh cho mình…. Bên cạnh đó là những năng lực mang tính bản năng mà con người vốn có, với tư cách động vật, nhưng đã và đang mất đi với đời sống công nghiệp, hiện đại hóa.

Đặc biệt đáng chú ý trong loạt bài của Libération hôm nay là cuộc phỏng vấn nhà kinh tế Pierre Larrouturou, mang tựa đề « Cứu khí hậu : Cuộc chiến duy nhất không gây tổn thất nhân mạng ».

Các tổn thất khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra là điều mà ngày càng nhiều người nhận thức được. Không có tháng nào mà không có các trận khô hạn, cháy rừng, mưa lũ, hay các hiện tượng khí hậu bất thường khác – do Trái đất bị hâm nóng - làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Từ Nhật Bản, đến châu Âu, Hoa Kỳ hay châu Phi. Riêng tại nước Pháp, đợt lũ lụt hè 2018 gây thiệt hại 31% sản lượng lúa mì. Tại châu Phi, thu hoạch nông nghiệp sụt giảm từ 35% đến 60% tùy theo từng vùng, trong lúc dân cư lục địa này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến 2050. Nếu không có các nỗ lực đáng kể, xu thế Trái đất nóng lên ít nhất từ 2 đến 3°C trong vài chục năm tới là điều chắc chắn. Thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn.

Lấy đâu ra 1.000 tỉ euro ?

Theo nhà kinh tế Pháp, cũng giống như trong mọi cuộc chiến khác, vấn đề chủ chốt hiện nay là « tiền ». Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần phải tăng gấp 3 lần chi phí so với hiện nay mới đủ. Riêng tại châu Âu, chi phí cần thiết cho khí hậu là 1.000 tỉ đô la hàng năm. Lấy đâu ra số tiền khổng lồ này ?

Kinh tế gia Pierre Larrouturou nhấn mạnh là việc huy động số tiền này là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Liên Hiệp Châu Âu. Năm 2008, để tránh cho hệ thống ngân hàng sụp đổ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã tung ra 1.000 tỉ euro. Cách đây 3 năm, để kích thích tăng trưởng Liên Âu đã rót 2.500 tỉ. Do vậy, không có lý do gì mà hiện nay châu Âu không huy động được một số tiền tương đương. Một ví dụ cụ thể là, năm 1989, trong bối cảnh cần đầu tư khẩn cấp để giúp các nước khối Liên Xô cũ, Đức và Pháp đã quyết định lập ra một ngân hàng riêng dành để giúp các quốc gia này thành công giai đoạn quá độ.

Ngân hàng châu Âu về khí hậu có thể là một chi nhánh của Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI), để có thể được hưởng các điều kiện cho vay ưu đãi. Ngân hàng này có thể nhận được nhiều đầu tư, bởi BEI có hệ số tín nhiệm AAA. Đến lượt mình, Ngân hàng sẽ cho vay các dự án khí hậu vay với lãi suất 0%. Bên cạnh Ngân hàng chung của Liên Âu về khí hậu, theo kinh tế gia Pierre Larrouturou, mỗi quốc gia cần dành 2% GDB cho cuộc chiến vì khí hậu. Như vậy, Đức sẽ có thể đầu tư 65 tỉ euro cho khí hậu, Pháp 45 tỉ, Tây Ban Nha 25 tỉ… Bên cạnh Ngân hàng về khí hậu Liên Âu, đầu tư của mỗi nước, tác giả đề nghị lập ngân sách chung về khí hậu của Liên Âu.

Về nguồn lực huy động cho ngân sách khí hậu của các quốc thành viên, và của châu Âu, tác giả đề nghị tấn công vào nạn lậu thuế kinh doanh. Theo kinh tế gia Pháp, tỉ lệ tiền thuế trung bình đánh vào lợi nhuận ở châu Âu đã sụt giảm mạnh trong những thập niên gần đây, từ 40% còn 19% hiện nay. Trong lúc, tại Hoa Kỳ, từ thời Roosevelt đến trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, tỉ lệ này luôn ổn định ở mức 38%. Nếu Liên Âu lập ra được một sắc thuế của khối đánh vào lợi nhuận của các cổ đông, với mức 5%, hàng năm châu Âu sẽ có thêm 100 tỉ cho khí hậu. Đầu tư mạnh mẽ cho cuộc chiến khí hậu cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở châu Âu, riêng tại Pháp là khoảng một triệu, theo cơ quan Môi Trường và Quản Lý Năng Lượng Pháp.

« Hổ Việt Nam » dẫn đầu Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất từ hơn 10 năm nay : « Hổ Việt Nam » trỗi dậy mạnh mẽ. Trên đây là nhận định của Le Figaro. Nhật báo Pháp lược lại các thỏa thuận mậu dịch tự do khu vực, quốc tế, và song phương mới đây, đã giúp kinh tế Việt Nam cất cánh.

Hiệu ứng tổng hợp của các thỏa thuận là hàng rào thuế quan hạ thấp đáng kể, bên cạnh đó là các nỗ lực cải cách giảm nạn quan liêu, tư bản Nhà nước và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á. Sự vọt lên của Việt Nam kinh tế khởi sự từ ngành dệt may, nay là ngành xe hơi, điện tử bắt đầu thu hút các tập đoàn lớn của thế giới. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68 thế giới về năng lực cạnh tranh so với hạng 104 năm 2006 (xếp hạng của « Doing business » của Ngân Hàng Thế Giới).

Trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trái ngược với nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước được hưởng lợi.

Tuy nhiên đằng sau bức tranh sáng sủa này là mặt tối. Điểm yếu của Việt Nam, theo công ty bảo hiểm tín dụng Coface, là sự tương phản giữa khu vực kinh tế tư nhân năng động và các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước ngập trong nợ. Nợ công của Việt Nam chiếm gần 60% GDP, trong khi đây là một quốc gia có thu nhập trung bình. Tỉ lệ nợ xấu cao đe dọa lĩnh vực ngân hàng. Một số tệ nạn khác đe dọa Việt Nam là tham nhũng hoành hành trong các doanh nghiệp Nhà nước, và tiến độ tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm.

« Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga »

Nhật báo kinh doanh nổi tiếng tại Nga « Vedomosti » vinh danh Pavel Dourov là nhân vật của năm 2018. Báo La Croix có bài « Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga ». Vậy Pavel Dourov là ai ?

Doanh nhân 34 tuổi này là người sáng lập mạng nhắn tin Telegram, được sử dụng trên toàn thế giới, là nơi người Nga có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do, mà không sợ chính quyền can thiệp. Người sáng lập Telegram từ chối đòi hỏi của cơ quan an ninh Nga, cung cấp mã khóa để truy cập tài khoản của những người sử dụng. Một tòa án Nga đã quyết định phong tỏa Telegram tại Nga. Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, mạng xã hội này vẫn hoạt động bình thường.

Do tính bảo mật cao của Telegram, tại Nga, có nhiều quan chức trong chính quyền sử dụng mạng này, trong số 100.000 khách hàng. Telegram đặc biệt bảo vệ danh tính của những người cung cấp các nguồn tin cảnh báo, hay các tố cáo về những vấn đề nhạy cảm. Một số bộ trong chính quyền Nga thậm chí cũng sử dụng dịch vụ của Telegram để gửi thông tin đến các nhà báo.

Ông Pavel Dourov hiện sống lưu vong, sau khi chính quyền Nga tước quyền sở hữu của ông đối với mạng xã hội VKontakte, được coi là một mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga, được coi là một Facebook của thế giới nói tiếng Nga.

Châu Âu quyết nã thuế các tập đoàn đa quốc gia

Ủy Ban Châu Âu ước tính mỗi năm châu lục thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỉ đô la do việc các công ty đa quốc gia trốn thuế. Ngay từ ngày đầu năm mới 2019, Bruxelles coi đây là mục tiêu hàng đầu. Ủy Ban Châu Âu chỉ đích danh các tập đoàn đa quốc gia là thủ phạm chính gây thiệt hại cho Liên Âu. Ủy viên kinh tế, tài chính và thuế của Liên Âu, ông Pierre Moscovici, tuyên bố : « …. nhiều biện pháp mới sẽ đánh dấu một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại những ai mưu đồ khai thác những khiếm khuyết của các hệ thống thuế của các quốc gia thành viên ».

Một trong các biện pháp chính của Liên Âu là ngăn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận, không chịu thuế, sang các nước có mức thuế thấp, và nơi mà các tập đoàn này không có bất cứ một hoạt động kinh tế thực sự nào. Biện pháp này đã được thúc đẩy sau hàng loạt bê bối tài chính liên quan đến các « thiên đường thuế », như Luxleaks, Panama Papers, Paradise Papers… Vào đầu năm tới 2020, Liên Âu dự kiến sẽ đưa ra các quy định ngăn cản các doanh nghiệp đa quốc gia khai thác sự khác biệt giữa các hệ thống tài chính giữa hai nước thành viên Liên Âu, để trốn thuế.

Tổng thống Pháp cổ vũ cho việc « chia sẻ sự thật »

Giao thừa 2019, tổng thống Pháp có bài diễn văn chúc Tết gửi đến người Pháp, với ba từ chủ chốt : Sự thật, phẩm giá và hy vọng. La Croix đặc biệt chú ý đến từ đầu tiên : « Sự thật ».

Xã luận La Croix với tựa đề « Chia sẻ sự thật » nhấn mạnh là trong phát biểu của tổng thống Pháp, từ « sự thật » là từ gây bất ngờ nhất. Trước hết « sự thật » là một từ gây bất ổn do tính cách đòi hỏi của từ này. Người sử dụng từ sự thật dễ dàng bị nghi ngờ là « không có lòng khoan dung ». Tuy nhiên, nhật báo Công Giáo nhấn mạnh là việc tìm kiếm sự thật là một nhu cầu thực sự của xã hội, và một nhân tố cần thiết cho đoàn kết dân tộc. Đây chính là « một động lực cho phép vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và tinh thần hiện nay ở nước ta ». Cuộc khủng hoảng tuy La Croix không nói ra, nhưng mọi người đều biết là liên quan đến phong trào Áo Vàng trỗi dậy từ hơn một tháng rưỡi nay.

La Croix cũng lưu ý thêm là « mệnh lệnh của sự thật » còn có một đức hạnh khác, lớn hơn nữa. Đó là bắt buộc chúng ta phải đối chiếu các quan điểm riêng, phần sự thật riêng của mỗi người để đi đến một sự thật lớn hơn, sự thật cho phép chúng ta đoàn kết. Bởi trong sâu thẳm của khát vọng truy cầu sự thật ấy là « khả năng lắng nghe, đối thoại và sự khiêm nhường » như phát biểu của tổng thống Macron. La Croix nhìn thấy trong phát biểu này thái độ tự phê bình của người đứng đầu nước Pháp.

Vượt biển từ Pháp qua Anh bằng phương tiện thô sơ

Vượt biên qua eo biển Manche, rộng khoảng 30 km, từ Pháp sang Anh bằng các phương tiện thô sơ là hiện tượng ngày càng phổ biến trong những tuần cuối năm 2018. La Croix có bài phóng sự « Người di cư, những chiếc thuyền con trên eo biển Manche ».

Bài phóng sự trang nhất của La Croix cho biết : chỉ riêng trong hai tuần lễ, từ 13 đến 27/12, chính quyền Pháp đã phát hiện được 57 người, bao gồm nhiều trẻ em, đang tìm đường vượt sang Anh. Đa số họ là người Iran. Dĩ nhiên, so với nạn vượt biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi sang châu Âu, thì tình hình tại đây không thấm gì, nhưng mức độ người liều mình vượt biển Manche như hiện nay là hoàn toàn mới. Một trong những lý do khiến di dân mạo hiểm vượt biển là do đường qua ngả Pas de Calais bị quản lý rất chặt.

Hiện tại, ở Pas de Calais vẫn còn khoảng 400, 500 người tìm đường di cư sang Anh, so với khoảng 10.000 người cách nay hai năm. Tại chỗ, chính quyền tiếp tục phân phối thực phẩm và duy trì các điều kiện tối thiểu trong đời sống hàng ngày cho người di cư ở Pas de Calais. Nhưng một số tổ chức bảo vệ nhân quyền lo ngại cho đời sống của họ, trong bối cảnh chính quyền chưa có các biện pháp về dài hạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.