Vào nội dung chính
NGA - THÁNH CHIẾN

Matxcơva hồi hương con của quân thánh chiến Nga từ Irak

Chính quyền Matxcơva ngày 30/12/2018 thông báo sẽ cho hồi hương 30 đứa trẻ thuộc các gia đình tham gia lực lượng thánh chiến, đang bị giam giữ tại Irak.

Một gia đình sống ở trại những người bị tình nghi có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, phía bắc Syria, ngày 15/02/2018.
Một gia đình sống ở trại những người bị tình nghi có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, phía bắc Syria, ngày 15/02/2018. Delil souleiman / AFP
Quảng cáo

Cũng như nhiều nước có công dân chọn đường tham gia quân thánh chiến Daech, đến lượt Nga phải đối mặt với vấn đề tiếp nhận trở lại những hộ gia đình thánh chiến này. Từ Matxcơva, thông tín viên Léo Vidal Giraud giải thích :

« Trong số những người nước ngoài dấn thân cùng với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, người Nga là một trong những đội ngũ đông đảo nhất. Phần đông những người này có nguồn gốc Kavkaz, một vùng đất mầu mỡ cho Hồi Giáo cực đoan kể từ những năm 1990.

Hơn nữa, chính lãnh đạo Tchetchenia, Ramzan Kadyrov là người đã thông báo đưa về Nga những đứa trẻ này. Ông Kadyrov, tự nhận là một người sùng đạo Hồi, nhưng cũng rất nhiệt thành bày tỏ tinh thần yêu nước Nga.

Điều này đã giúp ông trở thành một kênh giúp ngăn chận người Hồi Giáo Nga dễ bị quân thánh chiến cám dỗ, nhưng đồng thời là một trung gian đối thoại hoàn hảo cho kiểu chiến dịch hồi hương này.

Vấn đề trước tiên là trợ giúp y tế, bởi vì theo chính quyền Nga, rất nhiều trẻ nhỏ đã bị đối xử tệ ở trong tù, nhưng bên cạnh đó cũng phải có cả hỗ trợ về mặt tâm lý.

Cũng theo chính quyền Nga, từ năm 2017, khoảng một trăm phụ nữ và trẻ nhỏ đã được hồi hương từ Irak và Syria, thông qua trung gian Tchetchenia. Các tổ chức nhân đạo ước tính hiện vẫn còn khoảng 115 trẻ em Nga tại các nhà tù Irak. Matxcơva khẳng định tiếp tục chính sách hồi hương này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.