Vào nội dung chính
BREXIT - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Brexit: Châu Âu bực bội trước một số đòi hỏi mới của Anh Quốc

Nhân hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2018 này, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lại phải nhức đầu vì hồ sơ Brexit. Một hôm sau khi giành thắng lợi trước phe phản kháng trong nội bộ đảng bảo thủ của bà, nữ thủ tướng Anh vào hôm qua, 13/12/2018 đã đến Bruxelles tìm kiếm hậu thuẫn của các lãnh đạo Liên Âu.

Bà Theresa May (P) thảo luận với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ngày 13/12/2018 tại Bruxelles.
Bà Theresa May (P) thảo luận với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ngày 13/12/2018 tại Bruxelles. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Một cách cụ thể, bà Theresa May muốn Bruxelles chấp nhận thêm một vài nhượng bộ để có thể trấn an một số nghị sĩ Anh, mà đa phần đều có ác cảm đối với một vài điều khoản cụ thể của thỏa thuận. Tuy nhiên, vào tối hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu đã từ chối các đòi hỏi của thủ tướng Anh bằng một văn kiện rõ ràng.

Đặc phái viên Anastasia Becchio tường trình từ Bruxelles:

Bà Theresa May đã rời trụ sở của Hội Đồng Châu Âu trước 21 giờ một chút mà không phát biểu gì. Trong gần 45 phút trước đó, bà đã trình bày với các đối tác châu Âu về những khó khăn bà gặp phải trong nước để thuyết phục các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận mà bà đã có được. Tóm lại, bà May muốn có thêm nhượng bộ, hay ít ra là thêm bảo đảm, từ phía các đối tác châu Âu.

Sau một bữa ăn tối kéo dài gần hai tiếng rưỡi, 27 lãnh đạo châu Âu đã ra một văn kiện gồm 5 điểm : Họ khẳng định rằng thỏa thuận Brexit không thể thay đổi.

Về điểm gây tranh cãi nhất tại Anh Quốc là cơ chế Backstop, được thiết kế để tránh việc tái lập một đường biên giới thực tế giữa hai miền Nam và Bắc Ireland, Hội Đồng Châu Âu nhấn mạnh rằng điều khoản đó chỉ có giá trị tạm thời.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, ông Donald Tusk, nêu bật là cơ chế đó chỉ là một đảm bảo, và ngay khi được áp dụng, Bruxelles sẽ nhanh chóng đàm phán với Luân Đôn về một thỏa thuận thương mại rộng rãi sẽ có tác dụng thay thế cơ chế Backstop đó.

Chưa biết là liệu các đảm bảo từ phía châu Âu có đủ sức thuyết phục đối với các nghị sĩ Anh cứng đầu hay không, nhưng Ủy Ban Châu Âu đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất : Ông Jean Claude Juncker đã loan báo việc tăng cường các biện pháp đối phó với tình trạng No deal, tức là Anh Quốc ra đi mà không có thỏa thuận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.