Vào nội dung chính
HUNGARY - XÃ HỘI

Hungary : Quốc Hội thông qua các đạo luật gây tranh cãi

Tối qua, 12/12/2018, khoảng một ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Budapest, phản đối chính phủ thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Biểu tình trước Quốc Hội Hungary ngày 12/12/2018.
Biểu tình trước Quốc Hội Hungary ngày 12/12/2018. ATTILA KISBENEDEK / AFP
Quảng cáo

Đây là một cuộc biểu tình tự phát, vì trong ngày, Quốc Hội Hungary, do cánh hữu dân tộc chủ nghĩa chiếm đa số, đã thông qua các đạo luật gây tranh cãi mạnh mẽ trong công luận, đặc biệt là việc sửa đổi luật lao động, theo đó, giới chủ có thể yêu cầu người lao động làm thêm đến 400 giờ mỗi năm và ba năm sau mới thanh toán.

Một số bộ trưởng tiết lộ là việc sửa đổi luật lao động là do yêu cầu của các tập đoàn sản xuất xe hơi Đức có nhiều nhà máy tại Hungary.

Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère tường trình cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Hungary.

« Người ta chưa bao giờ thấy tình trạng hỗn loạn như vậy tại Quốc Hội Hungary. Các dân biểu thuộc phe đối lập đã tìm cách ngăn chặn việc bỏ phiếu bằng cách huýt sáo phản đối trong nhiều phút, trong lúc thủ tướng Victor Orban thì có vẻ mặt chế giễu nhưng ông cũng cho gọi các cận vệ vào bên trong Quốc Hội. Phe đối lập đã không thể ngăn cản việc thông qua các đạo luật vì phe cánh hữu của thủ tướng chiếm đa số.

Theo dân biểu đối lập, bà Timea Szabo, thuộc đảng nhỏ Perbeszéd (Đối Thoại), cánh trung, thì có gian lận trong việc bỏ phiếu, bởi vì nhiều nghị sĩ không sử dụng thẻ bỏ phiếu điện tử, theo như quy định.

Bà nói : Cuộc bỏ phiếu hoàn toàn bất hợp pháp ! Người ta không được quyền bỏ phiếu mà không dùng thẻ điện tử, bởi vì một dân biểu của đảng Fidesz rất có thể ấn nút bỏ phiếu thay cho một nghị sĩ khác vắng mặt.

Đạo luật đầu tiên quy định việc thành lập một tòa án tối cao mới bao gồm các thẩm phán do chính phủ bổ nhiệm và kiểm soát. Đây là một đòn giáng mạnh vào sự độc lập của tư pháp. Đạo luật thứ hai cho phép số giờ làm thêm, trong khu vực tư nhân, có thể lên tới 400 giờ mỗi năm. Chủ doanh nghiệp có thể thanh toán số giờ làm thêm này 3 năm sau đó. Đối với giới công đoàn, không thể chấp nhận được quy định này. Hơn 80% người dân Hungary dường như chống lại đạo luật này, được gọi là đạo luật về nô lệ. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.