Vào nội dung chính
MỸ - NGA

NATO lên án Nga vi phạm hiệp định hạt nhân INF

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương kỳ hạn cho Matxcơva « 60 ngày » để tuân thủ hiệp định cấm tên lửa hạt nhân tầm trung được gọi tắt là INF, ký kết năm 1987. Sau vụ Nga uy hiếp hải thuyền Ukraina tại biển Đen, tên lửa tầm trung loại mới của Nga trở thành mối lo âu của NATO. Quyết định của 29 thành viên trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 04/12/2018 tại Bruxelles cụ thể ra sao ?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Bruxelles, ngày 5/12/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Bruxelles, ngày 5/12/2018. JOHN THYS / AFP
Quảng cáo

Từ trụ sở NATO, thông tín viên Pierre Benazet tường thuật :

Trong bản nghị quyết, lần đầu tiên toàn thể 29 thành viên NATO tố cáo đích danh nước Nga vi phạm hiệp định về lực lượng hạt nhân tầm trung INF. Vũ khí bị lên án là tên lửa Novator 9M729 mà NATO gọi là SSC-8.

Từ nhiều năm nay, NATO luôn yêu cầu Matxcơva giải thích về tên lửa tầm trung loại mới này với dàn phóng di động có thể gắn trên quân xa. Xung khắc này đã bắt đầu từ thời tổng thống Mỹ Barack Obama (trước khi Donald Trump quyết định bỏ INF).

Tiềm năng đe dọa tên lửa SSC-8 được tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg giải thích như sau : « Đương nhiên, tất cả các loại tên lửa đều nguy hiểm, nhưng SSC-8 là loại nguy hiểm nhất vì rất khó phát hiện. Tên lửa được đặt trên dàn di động và có thể gắn đầu đạn hạt nhân, làm cho đối phương khó phản ứng kịp ». Ông cho biết thêm : « tên lửa mới của Nga có thể phóng đến nhiều thành phố châu Âu và do vậy nếu xảy ra một cuộc xung đột thì nguy cơ dùng đến vũ khí hạt nhân sẽ tăng cao ».

NATO muốn cho Nga một cơ may cuối cùng để cứu hiệp định INF, một trong những cột trụ của chiến lược duy trì ổn định cho thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rõ thêm « cho Nga 60 ngày » để tuân thủ.

Phản bác lập luận của NATO, trong thông cáo công bố hôm nay 05/11, bộ ngoại giao Nga cho là những cáo buộc của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là « không có cơ sở ».

Trong khi đó, tình hình tại eo biển Kertch có dấu hiệu « giảm nhiệt » đầu tiên. Kiev cho biết phía Nga đã « giảm một phần biện pháp phong tỏa » giao thông sau vụ cưỡng chế ba hải thuyền Ukraina ngày 25/11 vừa qua.

Trái lại, theo tham mưu trưởng quân đội Ukraina, Nga tăng cường một lực lượng đông đảo chưa từng thấy ở biên giới với Ukraina kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimée. Trả lời phỏng vấn của Reuters, tướng Viktor Moujehko, với hình ảnh vệ tinh làm cơ sở cho biết số chiến xa của Nga đã tăng từ 93 lên 250 chiếc từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 « để chuẩn bị cho vụ 25/11 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.