Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Khi nhạc Jazz là một vũ khí bí mật…

Đăng ngày:

Năm 1945, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Nhưng ngay sau đó, cuối những năm 1950, một cuộc chiến khác lại nảy sinh : cuộc Chiến Tranh Lạnh. Thế giới như bị phân thành hai khối : Một bên theo Hoa Kỳ và bên kia theo Liên Xô.

Louis Armstrong, Duke Ellington, và Georges Auric (Académie du Jazz - 1960).
Louis Armstrong, Duke Ellington, và Georges Auric (Académie du Jazz - 1960). © Claude Poirier/Roger Viollet
Quảng cáo

Người ta chứng kiến một cuộc chiến hình ảnh, tuyên truyền và gây ảnh hưởng dữ dội đến từ hai phía cứ như là Hoa Kỳ và Liên Xô làm mọi cách để chiếm lĩnh trái tim của người dân toàn cầu. Và cuộc chiến này cũng đã lan sang cả lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc.

Nếu như nhạc jazz giờ là một phần đời sống thường nhật của những người mê nhạc, ít ai biết rằng dòng nhạc này từng có giai đoạn « lẫy lừng » trong lịch sử thế giới đương đại. Jazz, một công cụ giải phóng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, từng được sử dụng như là một phương tiện để phô trương hình ảnh một nước Mỹ tự do trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Chính vì điều này mà Adam Clayton Powell Jr, nghị sĩ da mầu đầu tiên trong Quốc Hội Mỹ đã đề xuất một ý kiến nhằm chống lại những tuyên truyền đến từ Liên Xô ví Hoa Kỳ như là một quốc gia « tàn bạo » « phân biệt chủng tộc » : Dùng nhạc jazz như là một vũ khí.

Một loại vũ khí không như bao kiểu vũ khí khác, một loại vũ khí rõ ràng có tính răn đe hơn, hoàn toàn không có hại so với các loại vũ khí thông thường. Và loại vũ khí này đã ra đời dưới một cái tên nổi tiếng « Jazz Ambassadors ».

Vì sao Hoa Kỳ thời ấy lại chọn jazz như là một vũ khí chính trị ? Trên làn sóng RFI, ông Claude Carrrière, chủ tịch danh dự Viện Hàn lâm nhạc Jazz giải thích :

« Đúng là nhạc Jazz là hình thức âm nhạc duy nhất đặc thù Mỹ. Chắc chắn đó là hình thức nghệ thuật duy nhất Mỹ. Và đúng như vậy, trong thế kỷ 20 hay đúng ra là kể từ thế kỷ 20, nhạc Jazz được coi là biểu tượng của nước Mỹ. Thật là tốt nếu như nước ngoài, đặc biệt là các nước cộng sản nghe được nhạc Jazz. Bởi vì đó là thứ âm nhạc lai trộn, có nguồn gốc châu Phi và sau đó, châu Âu phát triển cách hòa âm, sử dụng nhạc cụ. Nhạc Jazz phản ánh, minh họa khá rõ nét về xã hội Mỹ. »

Trong những năm 1950, dòng nhạc jazz đã đạt đỉnh tại Hoa Kỳ. Nhạc jazz phát triển mạnh mẽ, trở thành một dòng nhạc trí thức. Jazz là thể hiện bởi nhiều nhân vật nổi tiếng, Duke Ellington, Louis Armstrong và Dizzie Gillespie. Vẫn theo ông Claude Carrière, việc chọn nhạc Jazz là một ý tưởng độc đáo để có thể làm đối trọng vũ kịch ballet Bolchoi và Kirov đang tung hoàng ngang dọc trên khắp năm châu.

« Nước Mỹ chẳng có gì độc đáo để giới thiệu với thế giới bên ngoài. Chẳng lẽ họ lại đưa dàn nhạc sang châu Âu biểu diễn George Gershwin. Ở châu Âu, người ta chơi hay hơn nhiều, rồi có Ravel và người Nga thì có âm nhạc cổ điển theo truyền thống châu Âu thật tuyệt vời, có thể sánh vai với mọi loại âm nhạc khác. Trong khi đó, Jazz là một loại âm nhạc rất độc đáo, đã chinh phục được một phần lớn thế giới và tiếp tục chinh phục các nước ở bên kia bức màn sắt, nhờ có đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. »

Và thế là những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc Jazz lúc bấy giờ đã được bộ Ngoại Giao Mỹ mời tham gia vào chương trình « Jazz Ambassadors ». Những vị đại sứ này đã thực hiện những chuyến lưu diễn huyền thoại trên toàn thế giới từ Châu Âu cho đến Nam Á, qua cả vùng châu Phi. Mục đích là nhằm đưa ra hình ảnh một nước Mỹ tự do, đầy hy vọng ngay giữa lòng cuộc chiến tranh lạnh đối mặt với các nước thuộc khối Hiệp ước Vacxava.

Nhưng rồi những đại sứ Jazz đó cũng nhanh chóng nhận ra rằng trong khi đang thực hiện sứ mệnh « cao cả » ở bên ngoài biên giới, ngay tại quê hương xứ sở của mình, họ và những người thân phải gánh lấy nỗi dằn vặt của một xã hội phân biệt và kỳ thị chủng tộc. Họ đã tận dụng các sự kiện này để thể hiện chính kiến theo cách có lợi cho mình. Claude Carrière không quên được câu nói nổi tiếng của Louis Armstrong :

« Ông đã thể hiện một cách rất mạnh mẽ. Và lại, ông đã nói : Tôi sẽ không đại diện cho một đất nước có những cấm đoán đối với những người cùng chủng tộc với tôi, họ tới trường thì phải hứng chịu những lời sỉ nhục của những kẻ thuộc cộng đồng khác. (…) Tôi thấy Louis Armstrong thật là tuyệt vời. Đôi khi ông không câu nệ câu chữ ngôn từ để bày tỏ suy nghĩ của mình. »

Chuyến lưu diễn bắt đầu từ tháng 3/1956, kéo dài trong vòng ba tháng. Mỗi một nơi họ đi qua từ Iran, Pakistan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Nam Tư cũ, Anh Quốc hay Liên Xô đều để lại một dấu ấn riêng biệt.

Nhưng chuyến lưu diễn ngoại giao này cũng để lại trong tâm trí những nghệ sĩ da mầu này những nỗi đau khôn tả khi khám phá ở từng nơi họ đi qua những cảnh bần hàn tại những nước sống dưới chế độ độc tài. Và họ đã thể hiện một tình liên đới còn mạnh mẽ hơn so với những gì các sĩ quan Mỹ tại chỗ cho thấy.

Người ta còn nhớ đến câu nói nổi tiếng của Dizzie Gillespie tại Karachi, Pakistan khi biết rằng khán giả đến xem phải trả tiền vé đắt. Ông đã từ chối biểu diễn cho đến khi nào chiếc cổng nhà hát được mở rộng cho tất cả mọi người kể cả người nghèo có thể vào và nghe ông hát. Ông nói : « I came here to play for all people, not just for the elite » (Tôi đến đây để hát cho tất cả mọi người cùng nghe, chứ không chỉ cho người giàu).

Dĩ nhiên, không có gì là « toàn diện ». Cuộc lưu diễn tại Liên Xô, được cho là cuộc trình diễn quan trọng nhất đã xảy ra vài sự cố nhỏ. Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ, ông Nikita Khrouchtchev vốn dĩ không thích nhạc Jazz nhưng cũng đến dự một buổi hòa nhạc, và đã bày tỏ thất vọng chỉ vì những bất đồng trong dàn nhạc. Ông Claude Carrière giải thích :

« Ông ta không thích nhạc Jazz nhưng cuối cùng cũng tới nghe hòa nhạc. Goodman là một người rất có học, ông có một dàn nhạc mà đa số nhạc công là người da trắng, chỉ có hai người thổi kèn trompette là người da đen và một nữ ca sĩ da đen, trước khi hát ở dàn nhạc của Duke Ellington. Ông ta là một người rất khó chịu, tới mức mà nhiều nhạc công và một người thổi trompette đã kiếm cớ để về nước sớm. Người thổi trompette bịa chuyện là mẹ vợ qua đời để rời dàn nhạc và về nước sớm nhất. Ông ta đối xử không tốt với nữ ca sĩ da đen. Lúc mới đi công diễn, ông ta để cho nữ ca sĩ này hát 3 bài, sau rút xuống hai bài và giai đoạn cuối chuyến đi công diễn, cô ta chỉ được hát có một bài. Một nửa cuốn sách của Bill Crow, người chơi contrebasse trong dàn nhạc của ông ta, kể lại chuyến đi biểu diễn đầy náo loạn này. »

Dẫu sao thì những chuyến lưu diễn đó đã để lại ấn tượng đáng nhớ trong lòng người hâm mộ. Thành công có được của các đại sứ Jazz cũng nhờ vào những chương trình phát sóng trên đài The Voice of America (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ), một công cụ tuyên truyền nhắm vào các nước Đông Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến. Những ai sống qua thời kỳ ấy hẳn sẽ không bao giờ quên chương trình Jazz Hour, nổi tiếng rất được nhiều người hâm mộ lắng nghe.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.