Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nga cần châu Á để phát triển miền viễn Đông

Đăng ngày:

Tổng thống và thủ tướng Nga chia nhau đi dự hội nghị ASEAN và diễn đàn APEC 2018. Ngoài quan hệ thắm thiết với Bắc Kinh, tại Singapore lần này Matxcơva đặc biệt vồn vã với châu Á, từ Nhật Bản đến Ấn Độ, và nhất là Đông Nam Á trong bối cảnh bang giao với Âu, Mỹ đang nguội lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp ảnh lưu niệm bên lề thượng đỉnh ASEAN 2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp ảnh lưu niệm bên lề thượng đỉnh ASEAN 2018. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Đánh dấu 50 năm Matxcơva thiết lập bang giao với Singapore, Vladimir Putin lần đầu tiên chính thức công du quốc gia Đông Nam Á này và dự thượng đỉnh ASEAN mở rộng.

Vào lúc tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình cùng vắng mặt, cử phó tổng thống Pence và thủ tướng Lý Khắc Cường dẫn đầu phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc, tổng thống Nga rộng đường đàm phán với các Á Châu. Như thể chủ nhân điện Kremlin muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ vốn có ảnh hưởng rộng lớn với ASEAN.

Nga và ASEAN : còn nhiều tiềm năng mở rộng quan hệ

Tại Singapore, tổng thống Putin đã đàm phán với thủ tướng Mahathir về dự án bán chiến đấu cơ cho Malaysia. Riêng với chủ tịch luân phiên của ASEAN lần này, tổng đầu tư của Singapore vào Nga tới nay đã lên tới 17 tỷ đô la. Thủ tướng Lý Hiển Long và tổng thống Vladimir Putin chứng kiến lễ ký kết một loạt các hợp đồng đầu tư đồ sộ khác của Singapore, đặc biệt là dự án khai thác hóa chất tại Cộng Hòa Tarastan, thuộc Liên Bang Nga.

Nhìn rộng ra hơn trong quan hệ giữa Matxcơva với toàn khối, ngày 14/11/2018 Đông Nam Á và Liên Hiệp Kinh Tế Á Âu - Eurasian Economic Union, mà Matxcơva là đầu tầu, ký kết một văn bản ghi nhớ  cùng đẩy mạnh "thương mại, đầu tư, y tế, dịch vụ và giao thương trên mạng" giữa 10 thành viên ASEAN và 5 nước trong Liên Hiệp Kinh Tế Á Âu gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgystan. Hai khối Á và Âu hướng tới việc thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung.

Tổng trị giá vốn đầu tư hai chiều giữa Nga và ASEAN năm 2017 vượt quá ngưỡng 25 tỷ đô la. Singapore là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất từ Đông Nam Á đổ vào Nga.

Trong lĩnh vực thương mại, trao đổi mậu dịch giữa Nga với 10 nước bạn hàng Đông Nam Á năm ngoái đạt 18 tỷ đô la, tăng 40 % so với hồi năm 2016. Trong thời gian từ 2010 đến 2014, tăng trưởng thương mại giữa đôi bên đã không được như mong đợi. Kể từ năm 2014, nước Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế, đồng rúp mất giá và bị Âu Mỹ trừng phạt, sự hiện diện của các doanh nghiệp Nga trong vùng lại càng bị thu hẹp lại.

Nhưng theo giới quan sát, Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay luôn quan hệ tốt với khối Đông Nam Á. Kể từ năm 1996 Matxcơva đã nâng cấp đối thoại với ASEAN và luôn quan tâm đến khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất cao này. Trong bối cảnh hiện tại, "nhiều nước Đông Nam Á đang nhìn về phía vũ khí của Nga và trong một chừng mực nào đó, là để tìm một điểm tựa về mặt ngoại giao".

Nhu cầu phát triển miền viễn đông Nga

Trả lời báo mạng chuyên về ngoại giao và chiến lược, Diploweb.com hồi tháng 4/2018 chuyên gia an ninh Nga Isabelle Facon, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) cho biết một cách cụ thể về tầm mức quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Matxcơva với các nước Á châu :

"Về mặt kinh tế, thì hiện tại các nước trong diễn đàn APEC chiếm khoảng từ 25 đến 30 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Liên Hiệp Châu Âu là khoảng 45 %. Cách nay một vài năm, thì châu Âu chiếm hơn 50 % còn châu Á là khoảng độ 20 %. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng phần lớn giao thương giữa Nga với APEC hướng về Trung Quốc, kế tới Nhật Bản, Hàn Quốc. Khối 10 nước Đông Nam Á bị bỏ xa lại phía sau. Từ năm 2010 Trung Quốc đã qua mặt Đức, trở thành bạn hàng số 1 của Nga".

Cân bằng quan hệ với toàn châu Á

Cho dù Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga nhưng Matxcơva không bỏ tất cả trứng vào một giỏ mà luôn thận trọng cân bằng quan hệ với Nhật Bản, một đối thủ kinh tế của Bắc Kinh, hay với ông khổng lồ Nam Á là Ấn Độ và đương nhiên là khối Đông Nam Á với một vị thế chiến lược.

Chuyên gia Isabelle Facon nhắc lại với tất cả các đối tác trong vành đai Châu Á Thái Bình Dương, năng lượng luôn là kim chỉ nam trong mọi dự án hợp tác của Nga :

Năng lượng là một vế rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế của nước Nga và vì những lý do kinh tế và chính trị, Matxcơva đã thực sự chú trọng hơn đến các đối tác phương Đông. Điều này thể hiện rất rõ qua ba dự án : kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến tận cửa ngõ Thái Bình Dương, chủ yếu là để cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, Nhật Bản và một số các nước đông Á khác. Dự án thứ nhì được nhắc đến nhiều là hợp đồng năng lượng gần 400 tỷ đô la - nếu tôi nhớ không nhầm, mà Matxcơva và Bắc Kinh đã ký kết hồi năm 2014. Sau nữa là dự án xây dựng nhà máy khí lỏng tại Yamal do vốn của Trung Quốc tài trợ và chủ yếu để phục vụ thị trường châu Á. Tất cả những động thái vừa nêu cho thấy phía điện Kremlin thực sự muốn đa dạng hóa các nguồn tiêu thụ dầu và khí đốt của Nga.

Như chuyên gia Facon vừa nói, điện Kremlin thận trọng cân bằng quan hệ với tất cả các đối tác Á châu. Với Nhật Bản chẳng, hạn Nga cung cấp 10 % năng lượng cho xứ hoa anh đào ; tổng đầu tư của Nhật vào Nga năm ngoái lên tới 16 tỷ đô la trong lúc trao đổi mậu dịch hai chiều là 18 tỷ tăng 14 % so với năm 2016.

Giám Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc đại học Singapore, Rajamohan trong bài tham luận hồi tháng 10/2018 tại Valdai - Nga, nêu bật bốn lý do thúc đẩy Matxcơva mặn mà với châu Á : thứ nhất châu lục này đem lại một làn gió mới cho nền kinh tế của Nga, nhờ vốn của châu Á mà nước Nga có thể phát triển miền viễn đông như Siberia đất rộng người thưa, nơi mà các hoạt động công nghiệp đang chết dần.

Thứ hai là riêng với khối ASEAN, các nước Đông Nam Á có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của lẫn nhau. Đây là một ưu điểm của các bạn hàng châu Á trong mắt tổng thống Putin. Lý do thứ ba để bắt tay với Đông Nam Á đương nhiên là vì lợi ích quân sự và sau cùng, Matxcơva cần củng cố vị thế trong khu vực Đông Bắc Á, từ Nhật Bản đến bán đảo Triều Tiên.

Về phần chuyên gia Pháp thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, bà Isabelle Facon lưu ý trên một điểm : Nga đã quan tâm nhiều đến Châu Á từ trước khi quan hệ xấu đi với phương Tây do vụ thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina, khủng hoảng tại miền đông nước này và những nghi án Matxcơva can thiệp vào bầu cử Mỹ hay có dính líu đến vụ ám sát hụt cưu điệp viên Skripal trên lãnh thổ Anh.

Từ giữa những năm 2000, vì những lợi ích kinh tế và chiến lược, tương tự như Barack Obama ở Washington, tại Matxcơva, tổng thống Putin cũng đã có chủ trương "xoay trục sang châu Á".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.