Vào nội dung chính
MỸ-Ả RẬP XÊ ÚT

Vụ Khashoggi : Mỹ trừng phạt 17 quan chức Ả Rập Xê Út

Ngày 15/11/2018, Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào 17 quan chức Ả Rập Xê Út dính líu tới vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi bên trong tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số này có nhiều người thân cận với hoàng thái tử Mohamed Ben Salman.

Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út bị khuấy động vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại hôm 02/10/2018.
Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út bị khuấy động vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại hôm 02/10/2018. AFP 2018 OZAN KOSE
Quảng cáo

Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland, hoan nghênh quyết định của Washington và cho biết chính quyền Ottawa cũng đang tính đến các biện pháp trừng phạt giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út.

Liên quan đến vụ điều tra về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, chưởng lý Ả Rập Xê Út đề nghị kết án tử hình đối với 5 người tham gia vụ sát hại. Quan chức này khẳng định ông Khashoggi đã bị « chuốc ma túy, giết hại và thi thể bị chặt ra », nhưng ông phủ nhận là hoàng thái tử Mohamed Ben Salman có dính líu đến vụ việc.

Theo Viện Công tố Ả Rập Xê Út, một nhóm được cử tới Istanbul với nhiệm vụ dẫn giải nhà báo Khashoggi về nước, dù ông có muốn hay không, và chính trưởng nhóm này đã ra lệnh giết nhà báo Khashoggi ngay tại chỗ mà không hỏi ý kiến cấp trên. Thế nhưng, Ankara không hài lòng với kết quả điều tra của Viện công tố Ả Rập Xê Út.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette cho biết thêm chi tiết :

« Các tuyên bố của Viện công tố Ả Rập Xê Út không theo hướng mà chính quyền Ankara mong muốn. Lãnh đạo Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ công nhận đó là một bước tiến tích cực, nhưng cho rằng những lời giải thích của Riyad là chưa đủ. Bởi vì theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là vụ sát hại được quyết định tại chỗ ở Istanbul, mà đã được quyết định từ trước đó rất lâu, và những người chỉ đạo vụ sát hại là những quan chức cấp rất cao của Ả Rập Xê Út.

Thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ muốn buộc chính quyền Riyad phải thừa nhận trách nhiệm của họ trong vụ giết người, và đó là lý do khiến báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thân chính phủ tiếp cận được các thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra và hàng ngày đăng tin. Đó cũng là lý do khiến Ankara giờ đây đòi mở một cuộc điều tra quốc tế để đưa vụ sát hại nhà báo ra ánh sáng. Yêu cầu này ngay lập tức bị Ả Rập Xê Út bác bỏ.

Trước đó, Riyad đề nghị ký một thỏa thuận với Ankara để hai nước trao đổi thông tin về vụ sát hại. Đề nghị nói trên đương nhiên là không được Ankara phản hồi. »

Tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet thân chính phủ trong ấn bản ngày 16/11/2018 khẳng định Ankara đang nắm giữ nhiều bằng chứng, nhất là một băng ghi âm thứ hai, cho phép phản bác các tuyên bố mà Viện công tố Ả Rập Xê Út đã đưa ra. Theo báo này, băng khi âm cho thấy những người giết nhà báo Khashoggi không hề thuyết phục ông trở về Ả Rập Xê Út như giải thích trước đó của tư pháp Riyad. Nhà báo Khashoggi cũng không bị chuốc ma túy, mà bị siết cổ bằng dây thừng hoặc túi ni lông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.