Vào nội dung chính
BREXIT - ANH

Khủng hoảng chính trị Anh vì Brexit

Vào lúc phải đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit, thủ tướng Anh bị tấn công từ nhiều phía. Ngày 15/11/2018 một loạt các bộ trưởng xin từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit của Luân Đôn. Một nghị sĩ trong đảng Bảo Thủ còn đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Theresa May.

Thủ tướng Anh, Theresa May họp báo ngày 15/11/2018 tại Luân Đôn về Brexit.
Thủ tướng Anh, Theresa May họp báo ngày 15/11/2018 tại Luân Đôn về Brexit. R
Quảng cáo

Ngày hôm trước, nữ thủ tướng Anh đã phải trải qua một cuộc họp hội đồng bộ trưởng kéo dài trong 5 giờ đồng hồ để thuyết phục các thành viên trong nội các về kế hoạch chia tay với Liên Âu bà đề xuất với Bruxelles. Kế hoạch này đang được đem ra thảo luận tại Quốc Hội. Liệu Theresa May có nguy cơ bị truất phế hay không ? Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn trình bày :

07:12

Lê Hải - Khủng hoảng chính trị tại Luân Đôn 16/11/2018

Lê Hải : Trước mắt, nhật báo Guardian đưa ra 6 kịch bản diễn biến sắp tới. Nếu các nghị sĩ quốc hội trong đảng Bảo Thủ muốn phế truất thủ tướng thì cần kiếm được 48 phiếu ban đầu, rồi tổ chức bỏ phiếu nội bộ vào tuần sau. Tiếp theo đó đảng này phải chọn người thay thế bà Theresa May. Còn nếu không thì họ phải để yên cho thủ tướng làm việc trong vòng ít nhất là 12 tháng tiếp theo. Thế nhưng, câu chuyện chính hiện nay là liệu Quốc Hội có thông qua bản thỏa thuận mà chính phủ đã đồng ý với Liên hiệp châu Âu hay không. Hạn chót để 27 nước trong Liên Âu phê chuẩn là ngày 25/11/2018.

Cho nên theo kịch bản thứ hai thì đến tận tháng 12/2018 thủ tướng mới phải đưa thỏa thuận đó ra Quốc Hội Anh. Nếu Quốc Hội không thông qua thì bà May còn thêm 21 ngày để đưa ra một kế hoạch mới. Kịch bản thứ ba là nếu liệu rằng quốc hội sẽ không thông qua thỏa thuận đó, thì bà thủ tướng sẽ không đưa ra bỏ phiếu, mà chấp nhận mất mặt với Liên Hiệp Châu Âu để thương thuyết lại.

Kịch bản thứ tư là chính phủ Anh sẽ đề nghị kéo dài hạn chót theo qui định của điều khoản số 50 về việc rút khỏi Liên Âu. Con đường này cũng không hề an toàn cho chiếc ghế thủ tướng.

Kịch bản thứ năm cũng khó có khả năng xảy ra, là thủ tướng ra quyết định giải tán Quốc Hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn. Sau cùng, kịch bản thứ sáu là nước Anh sẽ lại trưng cầu dân ý một lần nữa xem có muốn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không. Nhìn chung thì bất kể là cuộc đua chính trị chạy theo hướng nào, thì bầu không khí ảm đạm vẫn tiếp tục bao phủ chính trường nước Anh.

Ai có đủ trọng lượng để thay thế Theresa May ?

Lê Hải : Qui trình thay thế thủ tướng bắt đầu từ một cuộc họp trung ương của đảng Bảo Thủ. Việc từ chức thủ tướng có nghĩa là rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng. Những ai cảm thấy mình có thể lên thay thế sẽ ra ứng cử để toàn thể đại biểu bỏ phiếu. Nếu nhìn lại con đường bà Theresa May lên làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ rồi sau đó là thủ tướng thay cho ông David Cameron, mọi người còn nhớ rằng lúc đó bà May chỉ được xếp ở hàng thứ 5, nhưng rồi lần lượt 4 ứng viên nặng ký hơn vì lý do này lý do khác đã rút tên. Cuối cùng thì chỉ còn lại Theresa May là ứng viên duy nhất.

Thế nhưng, quan sát những động thái mới nhất của bà thủ tướng, thì có lẽ bà đang cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng tuyên bố sẽ vận động để Quốc Hội thông qua kế hoạch Brexit mà chính phủ của bà đã đàm phán xong. Nghị sĩ Michael Gove được mời vào thay thế chiếc ghế của người chuyên trách Brexit là ông Dominic Raab mới vừa từ chức hôm 15/11/2018. Ông Gove là người luôn ủng hộ rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và điều kiện ông đưa ra là thủ tướng phải thay đổi chiến lược đàm phán. Điều này cũng khiến bà Theresa May phần nào thêm lúng túng vì cứ nghĩ là sẽ được ông Gove ủng hộ giống như trong những ngày qua. Tuy nhiên, trên các báo ngày hôm nay chưa thấy nói đến chuyện ai có khả năng thay thế thủ tướng, mà tập trung vào nội dung của báo cáo 585 trang về những gì mà chính phủ Anh đã thỏa thuận với các nhà đàm phán từ 27 nước Liên hiệp châu Âu.

Thỏa thuận Brexit với Liên Âu bất lợi cho nước Anh

Lê Hải : Khủng hoảng chính trị tại Luân Đôn hiện tại bắt nguồn từ đàm phán về Brexit. Theresa May bị chỉ trích tứ bề. Đầu tiên hết là số tiền bồi thường mà nước Anh sẽ phải chi để chia tay Liên Hiệp Châu Âu, lên tới khoảng 39 tỷ bảng Anh. Vấn đề thứ hai được nhắc đến chi tiết trong báo cáo là việc giữ nguyên quyền lợi của công dân châu Âu đã nhập cư vào Anh sống và làm việc, nhưng lại rất mơ hồ về quyền lợi của công dân Anh đang sống và làm việc ở các nước Liên Âu.

Về mặt thời gian, thì sau ngày chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu là 29/03/2019, nước Anh sẽ còn tiếp tục áp dụng luật châu Âu thêm 21 tháng nữa trong giai đoạn chuyển đổi và biên soạn luật riêng để thay thế. Qui định đó có nghĩa là các thỏa thuận về thương mại giữa hai bên sẽ bị gác lại đến tận cuối năm sau mới bàn xong. Tức là, nước Anh vẫn bị dính vào qui định về thị trường chung và thuế quan chung. Đây là điều khiến cho giới bình luận chỉ trích nhiều nhất, khi cho rằng chính phủ Anh đàm phán với Bruxelles, chịu mất hàng chục tỷ bảng Anh bồi thường, mà về kinh tế vẫn tiếp tục mở cửa thuế quan và thị trường cho Liên Hiệp Châu Âu như trước. Số này cho rằng, đây là một bản thỏa thuận còn tệ hơn là tình trạng hiện nay khi đang còn là thành viên của Liên Hiệp, như một bài phân tích dài của nghị sĩ John Redwood, một người ủng hộ Brexit trong đảng Bảo Thủ.

Tương tự vậy, nghị sĩ David Davis, cựu bộ trưởng đặc trách về Brexit, yêu cầu thủ tướng Anh phải đàm phán lại với Liên Âu. Hôm nay, 16/11/2018 là một ngày bận rộn để bà Theresa May thuyết phục dân chúng rằng những gì bà đã thỏa thuận với Bruxelles là hợp lý. Thế nhưng có vẻ như càng lúc bà càng thêm đơn độc, như nhận xét của báo chí nước Anh. Tệ hơn nữa, những gì bà đã thỏa thuận không chỉ tạo ra rắc rối cho bản thân, mà trong trường hợp có người thay thế, thì cũng sẽ khiến chính phủ mới mệt mỏi để giải quyết hậu quả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.