Vào nội dung chính
BREXIT - CHÂU ÂU

Tương lai Brexit bất định dù chính phủ thông qua thỏa thuận ly hôn với EU

Chính phủ Anh Quốc vừa đạt được thỏa thuận chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sau hai mươi tháng đàm phán. Thủ tướng Theresa May đã vượt qua được chướng ngại vật đầu tiên là nội bộ chính phủ, tuy nhiên dự thảo này có qua được cửa ải Quốc Hội hay không và đây mới là trở ngại lớn.

Thủ tướng Anh Theresa May trình bày về Brexit tại Quốc Hội ngày 15/11/2018.
Thủ tướng Anh Theresa May trình bày về Brexit tại Quốc Hội ngày 15/11/2018. Parbul TV/Handout via Reuters TV
Quảng cáo

Đó cũng là thách thức sống còn cho chính phủ của thủ tướng May, trong khi chính trường Anh ngày càng chia rẽ vì Brexit.

Lên làm thủ tướng tháng 07/2016, bốn tháng sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ nước Anh chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, bà Theresa May đã phải lao ngay vào cuộc chạy đua với thời gian, đàm phán vất vả với Bruxelles các điều kiện Brexit sao cho thuận cả bên trong và bên ngoài nước Anh.

Sau khi đã thuyết phục được đủ số lượng các bộ trưởng trong nội các về nội dung dự thảo thỏa thuận sẽ ký với Liên Hiệp Châu Âu, bà May giờ phải đối mặt với Nghị Viện Anh. Tại đây, bà Theresa May chỉ có một đa số rất mỏng manh, đảng bảo thủ của bà thì lại đang bị chia rẽ sâu sắc trên vấn đề Brexit. Liên minh bảo đảm sự tồn tại của chính phủ là đảng DUP thì liên tục đòi hỏi các yêu cầu áp dụng Brexit cho Bắc Ailen, lấy đó làm điều kiện để bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận của chính phủ.

Cốt lõi của vấn đề vẫn làm sao duy trì được Bắc Ailen trong thị trường chung châu Âu nhưng vẫn không phải thiết lập đường biên giới thực sự giữa Bắc Ailen và Cộng Hòa Ailen láng giềng - thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Trong nỗ lực tìm giải pháp chia tay nhưng vẫn muốn duy trì được mối quan hệ gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu hậu ly hôn, bà May đã phải có những nhượng bộ nhất định với Bruxelles. Dự thảo thỏa thuận hiện nay, ở điểm này hay điểm khác, đều vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ kiên quyết Brexit đến những người chống Brexit hay những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland và nhất là đảng nhỏ Bắc Ailen DUP, một liên minh quyết định cho chính phủ của bà trụ vững. Ngoài ra, ngay cả trong nội bộ chính phủ, bản dự thảo thỏa thuận cũng không được sự nhất trí toàn thể các bộ trưởng.

Để thông qua thỏa thuận, bà Theresa May phải thuyết phục được 320 trên tổng số 650 nghị sĩ tại Hạ Viện. Nhìn vào bối cảnh chính trường Anh chia rẽ và bất đồng còn nhiều như hiện nay thì đây quả là thách thức rất lớn đối với bà May.

Những nhân vật bảo thủ ủng hộ Brexit chủ chốt như nghị sỹ Jacob Rees-Mogg và cựu ngoại trưởng Boris Johnson nói rằng bà May đã bán rẻ nước Anh và họ sẽ phản đối bản thỏa thuận. Trong khi đó, ông David Davis, cựu bộ trưởng đặc trách về Brexit, cho rằng chính phủ sẽ phải sẵn sàng chia tay Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận. Theo phỏng đoán của của báo chí Anh, sẽ có khoảng từ 30 đến 40 dân biểu bảo thủ có xu hướng chống Liên Âu bỏ phiếu chống dự thảo thỏa thuận.

Về phần đảng Tự Do Dân Chủ thì đòi một cuộc trưng cầu dân ý mới. Lãnh đạo đảng Vince Cable khẳng định, « thỏa thuận sẽ bị xé ngay cả khi chưa ráo mực ». Theo ông, để tập hợp được đa số ở Nghị Viện ủng hộ cho một văn kiện như thỏa thuận này sẽ « rất khó khăn thậm chí là không thể ».

Ở vào thời điểm này , bà Theresa May chỉ có thể kêu gọi các nghị sĩ hãy hành động « vì lợi ích quốc gia » mà không dự tính điều gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận không qua được cửa ải Nghị Viện. Tất nhiên, khi bị Quốc Hội bác bỏ, Luân Đôn vẫn có thể lại tiếp tục đàm phán thêm với Bruxelles. Nhưng rủi ro chính trị là rất lớn. Việc thỏa thuận bị bác bỏ sẽ châm ngòi cho một cuộc cuộc khủng hoảng chính trị, thậm chí làm đổ chiếc ghế thủ tướng của bà May và kéo theo giải tán Quốc Hội để bầu lại trong 4 tháng. Điều này có nghĩa là chính trường Anh rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị Anh nhận định, từ nay đến hạn chót chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 29/03/2019, thời gian không còn bao nhiêu, có thể nhiều nghị sĩ sẽ buông xuôi đành chấp nhận một thỏa thuận không hài lòng nhưng còn hơn là kịch bản phải giải tán Quốc Hội. Bà May không còn cách nào khác là phải cầu cạnh, mặc cả để có được sự ủng hộ của một số nghị sĩ đối lập Công Đảng. Theo AFP, một nghị viên thuộc Công Đảng cho biết có tới 45 lá phiếu ủng hộ thỏa thuận của đảng này.

Tương lai của Brexit đang trở nên bất định hơn bao giờ hết. Thủ tướng Theresa May, ngày 15/11, trước khi ra trước Quốc Hội để bảo vệ thỏa thuận, đã cảnh báo các nghị sĩ Anh rằng họ chỉ có thể lựa chọn giữa dự thảo thuận ly dị đã đàm phán với Liên Âu hoặc không có thỏa thuận nào hoặc « không có Brexit nữa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.