Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - QUỐC PHÒNG

« Quân đội châu Âu » và « Sáng kiến can thiệp châu Âu »

Có những giải pháp nào để tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu ? Đôi khi thật là khó khăn để thúc đẩy mọi việc với 28 thành viên trong khuôn khổ hợp tác quân sự châu Âu, do vậy, nước Pháp, vào năm 2017, đã đề xuất một công cụ được giới thiệu là « linh hoạt và thực tế » hơn, đặt tên là Sáng kiến can thiệp châu Âu (IEI).

Diễu binh nhân Quốc khánh Pháp 14/07/2017
Diễu binh nhân Quốc khánh Pháp 14/07/2017 Reuters
Quảng cáo

Vậy đâu là ý tưởng về một quân đội châu Âu ? Liệu quân đội này có tương phản với sự hiện diện của NATO hay không ? Khi chúng ta nói đến IEI vậy thì đó là gì ? Những cấu trúc nào của châu Âu thích hợp cho việc thực hiện và phát triển một cơ chế phòng thủ cộng đồng ? Sau đây là quan điểm của Jean-Pierre Maulny, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp – IRIS. Bài viết có tựa : « Phòng thủ châu Âu : Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi đến đâu ? » đăng ngày 09/11/2018, trên website của Học viện (www.iris-france.org)

*

Ngày 06/11/2018, Emmanuel Macron đã gây bối rối khi lại nêu ra nguyên tắc có một « quân đội châu Âu ». Vậy ý tưởng này phát triển ra sao bên trong các định chế châu Âu ? Liệu quân đội này có cạnh tranh với vai trò của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO - hay không ?

Không, quân đội châu Âu không cạnh tranh với NATO. Nếu như Emmanuel Macron nói đến quân đội châu Âu, đó là bởi vì không có một cụm từ rõ ràng và phù hợp, để cho công luận dễ hiểu, khi nói đến việc xây dựng châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng. Đối với đa số công chúng, đương nhiên là cụm từ quân đội châu Âu có nghĩa là một cái gì đó nhưng không thể ứng vào trường hợp cơ chế « hợp tác chặt chẽ thường xuyên » hoặc « sáng kiến can thiệp châu Âu ». Vậy, ta nên dùng một thứ ngôn từ đơn giản và dễ hiểu: châu Âu muốn tự bảo đảm phòng thủ cho mình. 

Đương nhiên, chúng ta sẽ không thành lập một quân đội châu Âu với các đơn vị hợp nhất. Bởi vì, một mặt, tất cả quân đội của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu không nói cùng một thứ ngôn ngữ và mặt khác, các quân đội này không hoạt động giống nhau. Như vậy, đó không phải là một quân đội của châu Âu, hiểu theo nghĩa kỹ thuật mà chúng ta đang nói đến ở đây.

Ngược lại, điều mà nước Pháp và đa số các nước châu Âu mong muốn phát triển, đó là Liên Hiệp Châu Âu có được một sự tự chủ lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng, để khối này có thể đảm đương các nhiệm vụ gắn liền với chính sách an ninh và phòng thủ chung (PSDC). Quả thực là Liên Hiệp Châu Âu có quyết tâm bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO, bởi vì châu Âu không thể mãi mãi trông cậy vào Hoa Kỳ. Châu Âu cần có khả năng gánh vác vận mệnh riêng của mình và không thể mãi mãi trông cậy vào người khác.  

Giờ đây, châu Âu càng tự hành động và gia tăng khả năng quân sự một cách tập thể, thì càng góp phần củng cố NATO. Dầu sao, cần phải thấy rõ là các quân đội và các đơn vị, cho dù đó là của Liên Hiệp Châu Âu hay của NATO, thì đó là của từng quốc gia. Như vậy, mỗi hành động phát triển hay tăng cường khả năng quân sự của một nước châu Âu đều giúp tăng cường sức mạnh của NATO. 

Cuộc họp đầu tiên về Sáng kiến can thiệp châu Âu được tổ chức ngày 25/06/2018 tại Paris, giữa bộ trưởng Quân Lực Pháp và chín đồng nhiệm châu Âu. Cuộc họp đó nhằm mục đích gì ? Đâu là các giai đoạn và những thách thức ? Bằng cách nào mà dự án này sẽ cho phép Anh Quốc duy trì « cắm rễ » vào châu Âu cho dù có Brexit?.

Sáng kiến can thiệp châu Âu ra đời từ bài diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron đọc tại trường đại học Sorbonne, Paris, ngày 26/09/2017. Ý tưởng là cùng với nhiều nước châu Âu, tạo ra một văn hóa chiến lược châu Âu hiện đang bị thiếu vắng nghiêm trọng. Văn hóa chiến lược này phản ánh khả năng của các quân đội của những nước tham gia Sáng kiến can thiệp châu Âu tiến hành các chiến dịch quân sự chung khi cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến sự gắn kết tốt hơn giữa các quân đội của các nước khi Liên Hiệp Châu Âu tiến hành can thiệp và cho phép can thiệp nhanh hơn.

Do vậy, trong khuôn khổ Sáng kiến can thiệp châu Âu, người ta dự tính lên các kế hoạch từ trước. Chính xác hơn là lên kế hoạch các chiến dịch quân sự trước khi tiến hành. Hãy lấy ví dụ trường hợp Mali, nước Pháp đã lên kế hoạch tiến hành chiến dịch trước đó ba tháng, ngay từ tháng 10/2012. Thực vậy, nước Pháp biết chắc là phải can thiệp. Thế nhưng các đối tác châu Âu lại không tham gia. Do vậy, cần phải đối thoại, thông báo từ trước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm kế hoạch hóa. Đặc thù của Sáng kiến can thiệp châu Âu là dự án này được thành lập bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Vào thời điểm đó, một số nước phân vân là phải chăng Sáng kiến này cạnh tranh với cơ chế Hợp tác chặt chẽ thường xuyên, ra đời gần như cùng thời điểm. Từ đó đến nay, nước Pháp đã nhất quyết bảo đảm rằng không phải là như vậy. Lợi thế của Sáng kiến can thiệp châu Âu là cho phép một nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu tham gia. Đó sẽ là trường hợp nước Anh khi Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đó cũng là trường hợp Đan Mạch, thành viên Liên Hiệp Châu Âu không tham gia chính sách an ninh và phòng thủ chung, nhưng tham gia Sáng kiến can thiệp châu Âu.

Gần đây, dự án Phòng thủ châu Âu đã có những bước tiến, với việc thành lập hai cơ chế mới trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu : đó là cơ chế Hợp tác chặt chẽ thường xuyên và cơ chế Quỹ phòng thủ châu Âu. Hai hồ sơ này hiện ra sao ? Các thách thức đối với Liên Hiệp Châu Âu là gì ?

Cơ chế Hợp tác chặt chẽ thường xuyên (CSP) và Quỹ phòng thủ châu Âu tiến triển. Ngày 08/12/2017, CSP đã được thông báo. Đó là một khuôn khổ chuẩn tắc mà các quốc gia châu Âu phải tuân thủ, các nước châu Âu sẽ phải đưa ra các cam kết và phải thực thi. Sẽ có kiểm tra việc thực thi các cam kết và thậm chí, một nước có thể bị loại ra khỏi CSP nếu không tuân thủ các cam kết. 

Trong khuôn khổ CSP, 17 dự án đầu tiên đã được thông qua hồi mùa xuân 2017. Cuối tháng 11/2018, hai dự án mới có thể được thông qua. Nhìn chung, chỉ có vài thành viên Liên Hiệp Châu Âu tham gia cơ chế này, chứ không phải tất cả 25 nước thành viên CSP. Cơ chế này sẽ buộc các nước phải tư duy và sáng tạo ra hệ thống phòng thủ của họ trong khuôn khổ tập thể, chứ không phải trong khuôn khổ quốc gia như trường hợp trước đây. Như vậy, công việc này hoàn toàn phù hợp với ý tưởng về quân đội châu Âu, cho dù đây hoàn toàn không phải là một dự án xây dựng quân đội châu Âu. Quỹ phòng thủ châu Âu, cho dù không hoàn toàn kết gắn với cơ chế Hợp tác chặt chẽ thường xuyên, cũng đáp ứng những mục tiêu này.  

Trước tiên, chính Ủy Ban Châu Âu vào ngày 07/06/2017 đã thành lập Quỹ phòng thủ châu Âu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ký Hiệp định Roma năm 1957 mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ tài trợ cho vấn đề phòng thủ trên phạm vi cộng đồng. Đó là một cuộc cách mạng. Việc phòng thủ không còn chỉ là công việc của các quốc gia mà là của châu Âu. Cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tài trợ các hoạt động nghiên cứu quốc phòng, chiếm gần một phần tư tổng chi hiện nay của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong lĩnh vực này. Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ bổ sung nguồn tài chính cho các chương trình hợp tác mà các nước tiến hành, đây là một động lực khuyến khích rất mạnh mẽ để gia tăng các sáng kiến. Hiện nay, chỉ có 15% các thiết bị của châu Âu được sản xuất trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước. Với Quỹ phòng thủ châu Âu, chúng ta có thể tăng gấp đôi tỷ lệ này trong 10 năm tới.

Và tất cả những việc này sẽ tiến triển rất nhanh. Các dự án đầu tiên sẽ được Quỹ phòng thủ châu Âu tài trợ ngay từ năm 2019 và các quốc gia thành viên, cùng với Ủy Ban Châu Âu, đang lập kế hoạch làm việc.Trong dự thảo ngân sách cộng đồng 2021-2027, khi đi vào hoạt động ổn định, Quỹ phòng thủ châu Âu sẽ tài trợ cho lĩnh vực quốc phòng là 13 tỷ euro trong 7 năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.