Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thâm hụt ngân sách Ý: Liên Âu bị chỉ trích thiên vị

Đăng ngày:

Ý lao vào cuộc đọ sức với Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề ngân sách khi dự trù tăng mạnh các khoản chi tiêu công cộng, đẩy thâm hụt ngân sách Nhà nước lên cao gấp ba lần so với dự báo của chính quyền tiền nhiệm. Roma chỉ trích Bruxelles đối xử bất công.

Bộ trưởng kinh tế Ý  Giovanni Tria và Pháp  Bruno Le Maire trong cuộc họp tại Bruxelles ngày 5/11/2018.
Bộ trưởng kinh tế Ý Giovanni Tria và Pháp Bruno Le Maire trong cuộc họp tại Bruxelles ngày 5/11/2018. REUTERS/François Lenoir
Quảng cáo

Trên nguyên tắc tuần sau, thủ tướng Giuseppe Conte phải trình lên Ủy Ban Châu Âu một dự luật tài chính mới cho năm 2019 sau thất bại cách nay ba tuần. Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu với một thành viên sáng lập là Ý đang trải qua sóng gió.

Là nền kinh tế lớn thứ tư trong khối euro, quốc gia có mạng lưới công nghiệp đồ sộ thứ nhì trong toàn Liên Âu, thua Đức nhưng có trọng lượng hơn cả cỗ xe công nghiệp của Anh hay của Pháp, Ý liệu có là mầm mống đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mới ?

Ngày 23/10/2018 Roma trình lên Ủy Ban Châu Âu dự luật về ngân sách cho tài khóa 2019, dự trù tăng các khoản chi tiêu công cộng, đẩy thâm hụt ngân sách lên 2,4 % GDP thay vì 0,8 % như chính quyền tiền nhiệm từng cam kết. Lần đầu tiên trong lịch sử của khối euro, Ủy Ban Châu Âu đã bác bỏ văn bản nói trên và đòi liên minh cầm quyền tại Ý "không được vung tay quá trán". Đảng cực hữu La Ligua và Phong Trào 5 Sao (M5S) cùng tham gia chính phủ. Liên minh cầm quyền này chủ trương tăng sức mua cho người dân sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng.

Ưu tiên cho các khoản trợ cấp xã hội

Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 nghị viên châu Âu thuộc Phong Trào Năm Sao Fabio Massimo Castaldo giải thích vì sao Roma lại xem việc tăng ngân sách là một ưu tiên : « Lý do nào thúc đẩy chúng tôi đưa ra quyết định tăng ngân sách ? Đơn giản là do có hàng trăm ngàn người đã bị các ngân hàng lừa gạt và giờ đây họ mong muốn chính phủ hành động một cách độc lập. Họ muốn Nhà nước Ý thực sự có một chính sách rõ ràng để giúp hơn 5 triệu người đang sống dưới ngưỡng nghèo khó được hội nhập trở lại thị trường lao động. Chính vì thế mà Roma tập trung vào biện pháp cấp thu nhập cho các công dân để số này được đào tạo để tìm lại được một việc làm, đồng thời Ý cũng chủ trương tăng các khoản trợ cấp tối thiểu ».

Nước Ý dự trù tăng mức lương hưu kể từ ngày 01/01/2019, hạ tuổi tối thiểu về hưu, giảm thuế cho giới tiểu thương. Đáng chú ý nhất là kế hoạch cấp mức lương tối thiểu cho người nghèo, trong bối cảnh tại Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong số 19 nước sử dụng đồng euro sau Đức và Pháp, có tới 6,5 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Theo giải thích của liên minh cầm quyền tại Ý, các biện pháp này nhằm khắc phục hậu quả từ khủng hoảng tài chính 2008. GDP của Ý cho đến năm 2017 vẫn còn thấp hơn đến 8 % so với hồi năm 2008 và 11,7 % dân Ý trong tuổi lao động không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Ý cao hơn so với mức trung bình trong Liên Hiệp Châu Âu đến 3 điểm.

Những biện pháp tốn kém

Hiềm nỗi, mỗi biện pháp được thông báo nói trên đều rất tốn kém. Theo thẩm định của cơ quan thống kê quốc gia Ý, chỉ riêng dự án cấp thu nhập tối thiểu cho 6,5 triệu người nghèo đòi hỏi Roma phải dự trù một ngân sách 10 tỷ euro. Còn biện pháp tăng lương hưu tốn thêm 80 tỷ. Tất cả những biện pháp này đè nặng lên núi nợ vốn đã vượt quá toàn bộ của cải mà nước Ý có thể tạo ra.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của chính quyền Ý vào năm tới vẫn tuân thủ quy định chung của khối euro. Vậy thì tại sao tỷ lệ 2,4 % GDP thâm hụt ngân sách của Ý lại gây nhiều tranh cãi, khi biết rằng ngưỡng tối đa được châu Âu cho phép là 3 %. Sát cạnh với Ý là Pháp, thâm hụt ngân sách của Paris cho cùng thời kỳ được dự trù ở mức 2,8 % tức là còn cao hơn so với nước Ý nhưng Paris lại không bị Bruxelles dọa trừng phạt ?

Trả lời đài truyền hình France 24, nhà báo người Ý, Alberto Toscano, nhấn mạnh trên mức nợ khổng lồ của một quốc gia có trọng lượng kinh tế tương đương với 15 % của toàn Liên Hiệp Châu Âu : « Ý là một quốc gia nợ nần chồng chất. Nợ công lên tới 2.300 tỷ euro, tương đương với 131 % tổng sản phẩm nội địa. Năm ngoái, Roma đã phải chi ra 65 tỷ euro chỉ để trả tiền lãi cho các chủ nợ. Nước Ý rất cần đến thị trường tài chính và nếu như chính phủ phải trả giá đắt hơn khi đi vay thì đây sẽ là gánh nặng đối với tất cả các công dân Ý. Chủ trương vô trách nhiệm của Nhà nước Ý đánh thẳng vào túi tiền của người dân Ý ».

Châu Âu khắt khe với Ý ?

Thâm hụt ngân sách 2,4 % so với GDP mà chính phủ Ý dự trù không vượt quá ngưỡng 3 % như quy định của khối euro. Để so sánh thì năm 2011 khi khủng hoảng Hy Lạp bùng nổ, bội chi ngân sách Nhà nước của chính quyền Athens là 16 %.

Nhìn từ Roma, Ủy Ban Châu Âu đã thiên vị, bởi vì Ý không là quốc gia duy nhất trong khối euro tăng ngân sách. Fabio Massimo Castaldo, nghị viên châu Âu thuộc Phong Trào 5 Sao so sánh : « Có nhiều quốc gia khác từng vi phạm nguyên tắc chung của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp đã nhiều lần vi phạm nhưng rồi không bị kỷ luật. Tại sao có sự phân biệt đối xử như vậy ? Tại sao lãnh đạo châu Âu là ông Juncker khoan nhượng với Pháp nhưng lại đòi phạt Ý ? Nhìn xa hơn nữa, trong quá khứ, Đức cũng từng vượt quá ngưỡng thâm hụt ngân sách quy định. Đã có lúc khoản bội chi của Đức còn cao hơn cả so với GDP của cả vương quốc Bỉ nhưng không một ai phạt chính quyền Berlin cả. Thành thử, câu hỏi ở đây là các quy định của châu Âu có được áp dụng với tất cả các nước thành viên hay không hay đấy còn tùy thuộc vào cách diễn giải và Bruxelles chơi trò "sơn ăn tùy mặt" » ?

Giáo sư Patrick Martin Genier trường Khoa Học Chính Trị Paris trả lời đài truyền hình France 24 không đồng ý với phân tích về thái độ bên trọng bên khinh mà nghị viên châu Âu Castaldo vừa nêu. Ông nhấn mạnh đến những khác biệt cơ bản giữa trường hợp của Pháp và Ý : « Pháp được Liên Hiệp Châu Âu ưu đãi. Nhưng đồng thời có ba khác biệt rất lớn giữa Pháp và Ý. Thứ nhất là khác biệt về mức nợ công. Nợ công của Ý tương đương với 131 % GDP nước này, của Pháp là 97 % so với với tổng sản phẩm nội địa. Điều này hết sức quan trọng. Khác biệt thứ nhì là để tài trợ cho ngân sách, thì các chính phủ phải đi vay trên thị trường tài chính. Mức lãi đi vay tùy thuộc vào điểm tín nhiệm của mỗi quốc gia. Điểm của Pháp cao gần bằng so với của Đức. Ngược lại Ý đang bị các cơ quan thẩm định tài chính chấm điểm thấp. Khác biệt sau cùng giữa Pháp và Ý là Paris huy động ngân sách Nhà nước để đầu tư còn trong trường hợp của Roma, bội chi sẽ kéo dài. Ý tăng các khoản chi tiêu không nhằm nâng cấp guồng máy sản xuất và không đóng góp gì thêm cho tăng trưởng. Đấy là chưa kể, chính phủ Ý thông báo thâm hụt ngân sách 2,4 % căn cứ trên một tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các dự phóng của các cơ quan nghiên cứu độc lập ».

Công luận Ý ?

Vào lúc mà chính phủ Ýchấp nhận đương đầu với Bruxelles trên vấn đề ngân sách, tăng chi tiêu để bơm thêm mãi lực cho người dân, thì công luận Ý nghĩ gì về « ngân sách vì dân » đó ? Trung tuần tháng 10 trong cuộc họp đại hội các doanh nhân Ý, giới chủ không hài lòng khi thấy 80 % các khoản chi tiêu phụ trội dự trù vào năm tới là nhằm bơm thêm sức mua cho người dân. Hiệp hội các chủ công ty ở Ý tiếc là chính phủ không dành ưu tiên cho các chương trình đầu tư nhằm hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp đang bị xuống cấp. Hậu quả kèm theo là với đà này, năng suất có nguy cơ giảm sụt, Ý sẽ mất thị phần trên trường quốc tế.

Lo ngại thứ nhì là chính quyền liên minh giữa Phong Trào Năm Sao và đảng cực hữu Ligua không nhắc nhiều đến các công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi đó một phần công luận Ý còn bàng hoàng sau tai nạn sập đường xa lộ tại Genova hồi tháng 8 vừa qua. Nhiều nhà quan sát cho rằng những tai nạn tương tự có thể xảy ra.

Hy vọng tránh được khủng hoảng

Trở lại với cuộc đọ sức giữa chính quyền của thủ tướng Conte với Ủy Ban Châu Âu về ngân sách Ý : Liệu đây có là nguyên nhân dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng euro hay không ?

Trước mắt có hai yếu tố cho phép trả lời phần nào câu hỏi này. Thứ nhất, Ý luôn khẳng định quyết tâm ở lại trong eurozone và không có ý định đẩy châu Âu vào một cơn bão mới. Điều đó có nghĩa là chính quyền Giuseppe Conte sẽ có một số nhượng bộ làm hạ nhiệt căng thẳng với Bruxelles. Dù vậy thái độ cứng rắn của Roma trong tay hai đảng Ligua và Phong Trào Năm Sao đang thách thức các nền kinh tế yếu kém khác của khối euro. Do lo ngại về trường hợp của Ý, giới đầu tư đòi Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đi vay nợ với lãi suất cao hơn.

Thứ hai là về phía Ủy Ban Châu Âu, tuy gia hạn cho Roma đến tuần sau để trình một bản dự thảo mới về ngân sách và dọa mở thủ tục phạt nước Ý nếu thành viên này không « vào khuôn phép ». Nhưng trên thực tế theo phân tích của kinh tế gia Rémi Bourgeot cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp, Bruxelles có thể sẽ chỉ « giơ cao đánh khẽ ». Phạt Roma lại càng làm dấy lên tinh thần bài châu Âu của người dân Ý đồng thời càng đẩy quốc gia này đến sát bờ vực thẳm tài chính. Liên Hiệp Châu Âu nói chung, khối euro nói riêng không có khả năng và không đủ sức để lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính sau những gì đã xảy ra với Hy Lạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.