Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ANH - BIỂN ĐÔNG

Hải Quân Anh tiếp tục điều chiến hạm đến Biển Đông

Trả lời phỏng vấn nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 22/10/2018, lãnh đạo Hải Quân Anh cho biết là Anh Quốc sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp những lời chỉ trích gần đây của Bắc Kinh cho rằng Luân Đôn đã có hành vi khiêu khích.

Một số xe quân sự trên HMS Albion, tàu tấn công đổ bộ hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh, khi tàu đến Harumi Pier ở Tokyo, Nhật Bản ngày 03/08/2018.
Một số xe quân sự trên HMS Albion, tàu tấn công đổ bộ hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh, khi tàu đến Harumi Pier ở Tokyo, Nhật Bản ngày 03/08/2018. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Phát biểu với tờ báo có uy tín của Anh Quốc, đô đốc Philip Jones, tư lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh, giải thích : « Nếu ai đó có một cách giải thích khác về các công ước (về luật biển) vốn được đa số các quốc gia công nhận, thì điều đó phải bị kháng lại ». Đối với tư lệnh Hải Quân Anh, nếu không chống lại thì « sẽ thấy ngay là trên thế giới sẽ có những nước bắt đầu đưa lời giải thích của riêng mình. »

Tháng Chín vừa qua, Bắc Kinh đã tố cáo nước Anh vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, khi một trong những tàu đổ bộ tấn công của Hải Quân Hoàng Gia Anh, HMS Albion, di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, một khu vực mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục phái chiến hạm Anh đi qua vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông hay không, Sir Philip Jones nói rõ thêm: « Tôi hy vọng là tôi sẽ làm nhiều hơn khi chúng tôi cho các chiếc tàu mà chúng tôi có ở đó đi qua khu vực ».

Lãnh đạo Hải Quân Anh tái khẳng định quyết tâm bảo về quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vào lúc Hải Quân nước này đang chuẩn bị cho chiếc tàu lớn nhất và đắt nhất của Anh hoạt động tại những vùng biển ít tranh chấp hơn. Đó là hàng không mẫu hạm mới của Anh, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trị giá 3,1 tỷ bảng Anh.

Kể từ đầu tháng 10, con tàu đã tiến hành các thử nghiệm trên biển và thử nghiệm hạ cánh với hai chiến đấu cơ F-35B ngoài khơi phía đông của Hoa Kỳ, để chuẩn bị cho việc chính thức hoạt động vào năm 2021.

Hôm thứ Sáu 19/10 vừa qua, chiếc tàu sân bay Anh đã ghé cảng New York, và thả neo gần tượng Nữ Thần Tự Do, trong một động thái được cho là nhằm báo hiệu sự đổi mới của nước Anh trong tư cách một cường quốc Hải Quân.

Tuy nhiên, vấn đề được báo Financial Times ghi nhận là Hải Quân Anh đang phải chịu nhiều áp lực lớn, vừa phải đối mặt với quyết định dấn thân ngày càng nhiều vào vùng Viễn Đông - bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson đã ra lệnh cho ba chiến hạm đi đến vùng châu Á Thái Bình Dương trong năm nay - vừa phải canh chừng hoạt động của Hải Quân Nga gần nước Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.