Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Âu- Mỹ vừa tẩy chay diễn đàn kinh tế Riyad, vừa lo

Đăng ngày:

Là nguồn nhập khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới, lại đang có dự án 500 tỷ đô la xây dựng một thành phố của tương lai bên bờ Hồng Hải, Ả Rập Xê Út làm mê hoặc các nhà đầu tư và doanh nghiệp thế giới. Tẩy chay diễn đàn kinh tế Riyad là một bài toán đầy rủi ro đối với lãnh đạo nhiều hãng lớn Âu Mỹ trong lúc phái đoàn Nga và Trung Quốc có mặt đầy đủ.

Bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út  Khalid al-Falih phát biểu tại diễn đàn  Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai – Future Investment Initiative (FII) ở  Riyad, Ả Rập Xê Út, ngày 23/10/2018.
Bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih phát biểu tại diễn đàn Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai – Future Investment Initiative (FII) ở Riyad, Ả Rập Xê Út, ngày 23/10/2018. REUTERS/Faisal Al Nasser
Quảng cáo

Ba tuần sau cái chết mờ ám của một cộng tác viên với tờ Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi, ban tổ chức diễn đàn mang tên Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai – Future Investment Initiative (FII) cho biết giảm số các diễn giả đang từ 150 xuống còn 120 người. Hàng loạt các chủ tập đoàn của Mỹ và châu Âu hủy các cuộc tham luận tại sự kiện được ví như một diễn đàn kinh tế thế giới Davos trong vùng sa mạc này.

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp, lãnh đạo của chính quyền Úc hay giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khước từ lời mời của ban tổ chức FII. Đáng chú ý hơn cả là sự vắng mặt của bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin, khi biết rằng Ả Rập Xê Út là lá chủ bài của Washington trên bàn cờ Trung Đông, là quốc gia duy nhất có thể nhanh chóng can thiệp vào thị trường dầu hỏa, là một trong số những khách hàng hiếm hoi của thế giới có hầu bao không đáy.

Do vậy, theo phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, Didier Billion, Washington không gửi đại diện đến dự diễn đàn FII là chỉ là một đòn dơ cao đánh khẽ :

"Đây là một tín hiệu mạnh mẽ, một quyết định quan trọng từ phía Washington. Dù vậy chúng ta không nên ngây thơ. Tôi nghĩ là về cơ bản, quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út sẽ không thay đổi cho dù mối bang giao lâu đời này đang trải qua bão tố. Nhưng không có chuyện chính quyền Trump cắt đứt bang giao với Riyad. Từ ba tuần qua, tổng thống Hoa Kỳ cứ tiến một bước, rồi lại lùi khi được hỏi về hồ sơ Ả Rập Xê Út, về cái chết của nhà báo Khashoggi. Nhưng chủ nhân Nhà Trắng tỏ ra hài lòng về quan hệ với phía Riyad, bởi Ả Rập Xê Út là một yếu tố quan trọng của Mỹ trên bàn cờ Trung Đông. Donald Trump cần Ả Rập Xê Út để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran. Cho nên sớm muộn gì mọi việc cũng sẽ đâu lại vào đấy. Có điều cách hành xử của thái tử MBS qua vụ này là giọt nước làm tràn ly. Có lẽ Ả Rập Xê Út ý thức được là trong tương lai vương triều Riyad cũng phải tuân thủ các luật lệ quốc tế".

"Miền đất hứa" của ngành high tech

Khó có thể tin rằng các doanh nhân Mỹ thực sự bỏ rơi Ả Rập Xê Út. Chỉ riêng trong thế giới tin học, hai quỹ đầu tư PIF (Public Investment Fund) và KHC (Kingdom Holding Company) là nguồn tài trợ chính của thung lũng Silicon Valley. Từ Twitter đến Apple hay Snap ... đều phát triển một phần nhờ vốn của Ả Rập Xê Út. PIF liên kết với ngân hàng Nhật SoftBank thành lập quỹ đầu có trọng lượng 100 tỷ đô la. Quỹ này đang tài trợ cho Tesla hay Cruise, một chi nhánh của General Motors, để phát triển xe hơi không người lái.

Ngoài khả năng đầu tư hàng trăm tỷ đô la, Ả Rập Xê Út còn là một thị trường màu mỡ mà các công ty khởi nghiệp của Âu Mỹ đang mơ ước. Vương quốc dầu hỏa này có túi tiền gần như vô hạn, đổi lại Âu Mỹ thì đang nắm giữ công nghệ cao. Đây là một cuộc trao đổi có lợi cho cả đôi bên.

Tháng 5/2018 tập đoàn tin học Microsoft đã cùng với Lenovo của Trung Quốc và Sahara Net của Ả Rập Xê Út khởi động dự án "cloud", một thị trường ước tính lên tới 29 tỷ đô la.

Cách nay đúng một năm, trong diễn đàn kinh tế Riyad đầu tiên, thái tử Mohammed Ben Salman (MBS) đã trình bày về dự án đầy tham vọng 500 tỷ đô la : xây dựng một thành phố của tương lai, trải rộng trên 26.000 cây số vuông sát bên bờ Hồng Hải. Đây sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng 100 % năng lượng xanh, là tủ kính cho những phương tiện giao thông công cộng không người lái, là thí điểm cho dịch vụ taxi bay.

Là một trong bốn quốc gia phát triển nhất thế giới về high tech, Pháp đã trông thấy ở dự án này cả một con đường rộng thênh thang đang mở ra cho các công ty khởi nghiệp.

Ả Rập Xê Út vừa là một nhà tài trợ vừa là một sân chơi mới cho các start up của Âu -Mỹ, cho nên chủ nhân của những tập đoàn từ Google đến Apple, từ Microsoft đến Amazon khó có thể cắt đứt đối thoại với Riyad một cách lâu dài.

Đấy là chưa kể trong số 18 cố vấn kinh tế và tài chính của thái tử MBS có những tên tuổi như Travis Kalanick, sáng lập viên của Uber, Marc Andreessen, một nhà đầu tư nặng ký của làng tin học Hoa Kỳ, hay Y Combinator, lò ươm mầm cho các start up của Mỹ.

Công nghệ vũ khí và yếu tố Nga

Trong các lĩnh vực kinh tế cổ điển hơn như là công nghiệp sản xuất xe hơi hay dầu hỏa, các đối tác Pháp của vương triều Ả Rập Xê Út chỉ giữ khoảng cánh với chính quyền Riyad một cách lấy lệ. Lãnh đạo tập đoàn Thales của Pháp không đến Riyad lần này nhưng cử cánh tay mặt của mình sang Ả Rập Xê Út.

Vài giờ trước khi khai mạc diễn đàn FII, Anh, Pháp, Đức và Canada thông báo tạm ngưng bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ả Rập Xê Út, đòi vương quốc này làm sáng tỏ về cái chết của nhà báo ly khai Jamal Khashoggi. Tại Berlin, lập trường cứng rắn của thủ tướng Merkel không làm các doanh nhân hài lòng, như giải thích của thông tín viên Nathalie Versieux :

"Thông cáo chung của thủ tướng Đức và ngoại trưởng thuộc đảng Xã Hội Dân Chủ là phản ứng chính thức đầu tiên của Berlin gần ba tuần lễ sau vụ nhà báo Khashoggi mất tích. Tại Đức phản ứng của thủ tướng Merkel càng gia tăng áp lực lên lãnh đạo tập đoàn Siemens, Joe Kaeser. Siemens là một trong những nhà tài trợ chính cho diễn đàn kinh tế Riyad. Quyền lợi kinh tế của tập đoàn này trong khu vực vô cùng to lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, trong hệ thống xe điện metro không người lái và kể cả các trang thiết bị về y tế.

Cựu giám đốc Siemens là ông Klauss Kleinfeld hiện là một trong những cố vấn riêng cho hoàng thái tử Mohammed Ben Salman. Trước mắt, đương kim chủ tịch tập đoàn này vẫn giữ nguyên kế hoạch đến Riyad trong ba ngày từ 23 đến 25 tháng 10 dự diễn đàn kinh tế Ả Rập Xê Út. Đảng Tự Do FDP thân cận với giới doanh nhân Đức cho rằng, đây là một quyết định "vô trách nhiệm". Cần nói thêm là tại Berlin, đảng FDP đã nhiều lần được trao trách nhiệm đứng đầu bộ Ngoại Giao".

Theo báo cáo gần đây nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm –SIPRI, ngân sách quốc phòng của Ả Rập Xê Út tương đương với 10% GDP của nước này, lên tới 70 tỷ đô la, gần bằng số tiền mà nước Nga đã dành ra để trang bị vũ khí.

Trong số những nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ả Rập Xê Út, Nga là một đối tác quan trọng, sau Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Năm 2017 thái tử MBS dành 3 tỷ đô la để mua hệ thống phòng thủ S400 và súng Kalashinov AK103 của Nga.

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng đang dòm ngó đến thị trường vũ khí của Ả Rập Xê Út như ghi nhận của chuyên gia về chi phí quân sự của Trung Đông thuộc viện SIPRI, Pieter Wezeman.

Chuẩn bị cho thời kỳ "hậu dầu hỏa"

Nhìn đến ngành dầu hỏa, ngày càng có nhiều tiến nói cho rằng, Âu Mỹ không nên giữ khoảng cách với Ả Rập Xê Út quá lâu bởi Trung Quốc đã sẵn sàng lấp vào chỗ trống.

Dẫu sao, vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại hôm đầu tháng 10/2018 vô hình chung làm đảo lộn kế hoạch hiện đại hóa đất nước của thái tử MBS, người đang thực sự nắm quyền ở Riyad.

Tổng biên tập tạp chí Orients Stratégiques chuyên về Trung Đông, David Rigoulet Roze trả lời đài RFI Pháp ngữ nhận định, việc nhiều doanh nhân phương Tây tẩy chay diễn đàn kinh tế Riyad 2018 đáng chú ý ở chỗ, đây là bước kết tiếp trên con đường cải tổ vương triều trong vùng Vịnh này và là cột mốc quan trọng để Ả Rập Xê Út giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu hòa chuẩn bị cho tương lai trong dài hạn.

"Nguồn thu nhập từ dầu hỏa trong một thời gian rất dài đã nuôi sống cả guồng máy chính trị tại Ả Rập Xê Út. Đấy cũng chính là nguyên nhân khiến hoàng thái tử Mohammed Ben Salman muốn thúc đẩy cải tổ. Tập đoàn Aramco là một ông khổng lồ.

Thái tử MBS muốn tư hữu hóa 5 % vốn của đại công ty này, đưa 5 % vốn đó lên sàn chứng khoán. Nhưng dự án đã bị đóng băng. Một trong những khúc mắc do kế hoạch này bị quốc vương Salman chống đối. Điều này dễ hiểu bởi vì nếu tham gia chứng khoán thì sổ sách kế toán phải minh bạch, mà từ khi được lập ra trong thập niên 1930, Aramco chưa bao giờ minh bạch về sổ sách.

Công ty này là một con bò sữa, cả với hoàng gia, cả trong chính sách xuất khẩu của Ả Rập Xê Út. Điều nguy hiểm ở đây là thứ nhất giá dầu có thể giảm mạnh và qua đó đánh thẳng vào sức mạnh kinh tế của vương quốc này. Thứ hai là có lẽ nguồn dự trữ của Ả Rập Xê Út dù dồi dào tới đâu đi chăng nữa, nhưng một lúc nào đó cũng sẽ cạn kiệt. Do vậy mà Riyad phải nhìn xa hướng tới thời kỳ hậu dầu hỏa. Cũng có khả năng các giếng dầu của xứ này không được phong phú như các nghiên cứu đã cho thấy".

Hầu hết giới nghiên cứu về Ả Rập Xê Út đều cho rằng, khủng hoảng giữa Riyad với các nước phương Tây do vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích gây nến sớm muộn gì cũng sẽ lắng xuống. Nhưng điều các doanh nhân quốc tế hoài nghi hơn cả liên quan đến khả năng cải tổ của bản thân Ả Rập Xê Út. Theo chuyên gia David Rigoulet Roze đấy mới là bài toán trắc nghiệp trong quan hệ giữa giới doanh nhân Âu-Mỹ với Riyad :

"Các nhà đầu tư ngoại quốc tiềm tàng của Ả Rập Xê Út không được thoải mái. Chính sách phát triển trong thế kỷ 21 được thái tử MBS đưa ra mang tên Tầm Nhìn 2030 có sức thu hút hớn nhưng giới này vẫn còn trong vòng chờ đợi. Họ phải đợi xem Ả Rập Xê Út có thực sự đang chuẩn bị cho giai đoạn hậu dầu hỏa hay không, Riyad có thể cải tổ được đất nước, được mô hình kinh tế hoàn toàn dựa vào dầu hỏa này hay không.

Bằng chứng rõ rệt nhất về thái độ chần chừ ấy là tổng đầu tư nước ngoài vào vương quốc vùng Vịnh này đang từ 7,5 tỷ đô la năm 2016 rơi xuống còn có 1,5 tỷ vào năm ngoái.

Lần này, sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, giới doanh nhân lại càng thận trọng hơn với Ả Rập Xê Út. Nhưng xét cho cùng, trong mắt các doanh nhân thì bao giờ quyền lợi về kinh tế vẫn là trên hết. Điều khiến họ hoài nghi là khả năng cải tổ của chính quyền ở Riyad trong bối cảnh hiện nay".

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.