Vào nội dung chính
NGA- MỸ- HẠT NHÂN

Mỹ xác nhận rút khỏi hiệp định vũ khí hạt nhân với Nga

Ngày 20/10/2018 tổng thống Trump thông báo sẽ hủy bỏ một thỏa thuận về vũ khí hạt nhân với Liên Xô từ thời chiến tranh lạnh. Gọi tắt là INF (Intermediate Nuclear Forces Treaty), hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân được ký vào năm 1987 giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbatchev.

Tổng thống Mỹ trả lời báo chí tại phi trường Alko, Nevada. Ảnh ngày 20/10/2018.
Tổng thống Mỹ trả lời báo chí tại phi trường Alko, Nevada. Ảnh ngày 20/10/2018. Reuters
Quảng cáo

Tổng thống Donald Trump cáo buộc Matxcơva, qua hệ thống tên lửa mới 9M729, vi phạm hiệp định từ nhiều năm nay.

Từ NewYorrk, thông tín viên Grégoire Pourtier phân tích.

"Có hiệu lực từ 30 năm nay, hiệp ước INF cấm sử dụng các tên lửa tầm trung từ 500 đến 5500 km. Khi bố trí hệ thống tên lửa 9M729, phải chăng Nga đã vi phạm lời cam kết ?

Đối với tổng thống Donald Trump, đó không phải là chuyện mới : « Họ vi phạm hiệp định INF từ nhiều năm nay. Tôi không hiểu vì sao tổng thống Barack Obama không đàm phán lại hay rút ra khỏi. Chúng ta không để cho Nga vi phạm thỏa thuận hạt nhân và chế tạo vũ khí trong khi chúng ta không được phép làm như họ. Chúng ta đã ở trong hiệp định và tôn trọng hiệp định. Nhưng, bất hạnh thay, người Nga đã không tuân thủ hiệp định, vì thế, chúng ta sẽ rút ra ».

Hệ quả thứ nhất là Hoa Kỳ có thể điều nghiên, chế tạo tên lửa tầm trung loại mới. Thứ hai là việc đàm phán lại hiệp định tên lửa hạt nhân chiến lược New Start, sắp hết hạn vào năm 2021, sẽ khó khăn thêm.

Như thế, cho dù tổng thống Donald Trump cố gắng tạo mối quan hệ hoà dịu với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, kể cả phủ nhận chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, bang giao Mỹ- Nga vẫn phức tạp".

Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định này vào lúc cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton sang Matxcơva. Phản ứng đầu tiên của Nga, qua tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Sergueï Riabkov, là « Mỹ đang đi một bước nguy hiểm, cộng đồng quốc tế không ai hiểu tại sao ».

Còn theo AFP, quyết định của Donald Trump rút khỏi hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung còn nhắm vào Trung Quốc. Không là thành viên của hiệp định INF, Bắc Kinh có thể tự do chế tạo tên lửa hạt nhân có tầm bắn 5500 km.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.