Vào nội dung chính
BREXIT - ANH

Anh Quốc : Nửa triệu người xuống đường tại Luân Đôn chống Brexit

Năm tháng trước ngày vương quốc Anh chính thức chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 20/10/2018, hơn 500.000 người biểu tình tại Luân Đôn chống Brexit và đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì. Đây là cuộc tuần hành quy mô nhất tại Anh Quốc từ khi dân Anh xuống đường phản đối chính phủ can thiệp quân sự vào Irak hồi năm 2003.

Biển người chống Brexit trên đường phố Luân Đôn, chiều tối 20/10/2018.
Biển người chống Brexit trên đường phố Luân Đôn, chiều tối 20/10/2018. Reuters
Quảng cáo

Cuộc biểu tình tại thủ đô Luân Đôn ngày hôm qua diễn ra trong bối cảnh đàm phán về Brexit hoàn toàn bế tắc. Thông tín viên đài RFI Marina Daras có mặt tại chỗ tường trình :

"Ban tổ chức muốn đây phải là cuộc tập hợp chống Brexit quy mô nhất trong năm nay. Nhiệm vụ đã hoàn hành. Hơn 550.000 người tham gia, bất luận màu sắc chính trị. Ngay cả những người từng ủng hộ Brexit trước đây, nay cũng đã đổi ý và họ đã xuống đường như trường hợp của Matthew Mitchson. Ông nói "Năm nay tôi 58 tuổi, tôi luôn sống tại Luân Đôn, tôi từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit bởi vì không hài lòng với chính sách của Bruxelles. Thế nhưng tôi cũng hoàn toàn không hài lòng về cách mà Luân Đôn đàm phán về thủ tục li dị với châu Âu. Tôi đặc biệt ủng hộ quyền tự do đi lại và khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tôi đã không nghĩ rằng quyền này bị xâm phạm. Do vậy giờ đây tôi muốn có một cơ hội thứ nhì. Lần này thì tôi sẽ bỏ phiếu chống Brexit".

Một lần nữa công luận Anh đã ngạc nhiên vì lãnh đạo bên Công Đảng, ông Jeremy Corbyn vắng mặt trong cuộc biểu tình rầm rộ ngày hôm qua, cho dù là đã có nhiều nhân vật đại diện cho đảng này, chẳng hạn như đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan hay nhiều vị dân biểu như là ông Owen Smith, đã dẫn đầu cuộc tuần hành. Owen Smith từng là một đối thủ của Corbyn.

Đoàn người biểu tình vẫn hy vọng Anh Quốc sẽ tổ chức một cuộc trưng dân ý khác về Brexit. Một người tuần hành giải thích "Một trong những lý do vì sao nước Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì về Brexit, là bởi vì đảng Bảo Thủ đã biến Brexit thành một thứ hổ lốn. Có thể là bà Theresa May sẽ chấp nhận ý dân để củng cố quyền lực".

Một tiếng nói khác chia sẻ, ông hy vọng công luận sẽ thay đổi. Hàng tuần vẫn có một doanh nghiệp hay một lãnh đạo công ty than rằng họ không thể tiếp tục hoạt động tại Anh Quốc trong điều kiện hiện nay. Do vậy ông tiếp tục đấu tranh để nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu và kết luận : "Tôi là một công dân châu Âu cho đến hơi thở cuối cùng".

Nói tóm lại đối với nhiều người dân Anh, ngày nào mà tiến trình đàm phán vẫn còn tiếp diễn, thì vẫn còn hy vọng".

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.